Chuyên mục  


Khi đang chỉ huy đại đội của mình chiến đấu gần mặt trận Pokrovsk hồi tháng trước, Oleksandr Zaichenko, 58 tuổi, đột nhiên bị hất tung lên không trung sau loạt đạn pháo của Nga.

Giữa hỗn loạn và khói bụi bao trùm, sóng xung kích từ quả đạn pháo chạy qua não và xương sống Zaichenko gây choáng váng, nhưng ưu tiên duy nhất của ông lúc đó là những người lính bị thương đang nằm tại trận địa pháo của đơn vị.

Sau khi cho sơ tán các thương binh, Zaichenko bỗng cảm thấy mắt mờ đi, loạng choạng và nôn thốc tháo. Ông đã trải qua cơn chấn động não thứ tư, thậm chí còn không phải là cơn tồi tệ nhất, Zaichenko nhớ lại.

Một quân nhân đang trải qua quá trình vật lý trị liệu tại một trung tâm phục hồi chức năng ở Dnipro, Ukraine, hôm 8/10. Ảnh: Washington Post

Zaichenko là một trong số nhiều quân nhân Ukraine bị thương trên chiến trường nhưng vẫn có thể trở lại làm nhiệm vụ nếu được phục hồi chức năng đúng cách.

Không rõ có bao nhiêu binh lính Ukraine bị thương kể từ khi xung đột với Nga bùng phát và bao nhiêu người đã trở lại làm nhiệm vụ sau khi phục hồi chức năng. Đến nay, 13 trung tâm phục hồi chức năng của Ukraine đã điều trị cho 16.000 quân nhân như Zaichenko, Olha Rachyba, giám đốc một cơ sở ở Dnipro, cho biết.

Chiến sự ở Ukraine đang tàn phá cơ thể những người lính không giống với bất kỳ điều gì từng thấy kể từ Thế chiến II.

Những binh sĩ bị thương nặng như mất tay chân hay thị lực cần được chăm sóc rất nhiều tại các trung tâm phục hồi chức năng, Rachyba cho hay. Những người khác bị thương nhẹ hơn đang nỗ lực điều trị để quay lại mặt trận, với mong muốn tiếp tục ngăn chặn đà tiến của lực lượng Nga hoặc không để đồng đội thất vọng.

Những trung tâm phục hồi chức năng cho thương binh ban đầu được tài trợ kinh phí nhờ 12 triệu USD tiền bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật của một cặp vợ chồng tỷ phú với mục tiêu chăm sóc những người bị thương sau phẫu thuật.

Theo lời Rachyba, nhân viên tại các cơ sở này đã có kinh nghiệm điều trị cho những người lính chiến đấu ở miền đông Ukraine trước khi Nga phát động chiến sự. Nhưng tình cảnh hiện tại khác xa so với họ tưởng tượng, khi lượng bệnh nhân quá lớn và các chấn thương cũng phức tạp hơn.

Nhân viên tại trung tâm phải đi học vào cả ngày nghỉ để tìm hiểu cách điều trị chấn thương sọ não, nhiễm trùng nặng và các vết thương nghiêm trọng khác.

"Kết quả là cả bác sĩ, nhà vật lý trị liệu, nhà tâm lý đều phải học lại để xử lý quá trình phục hồi chấn thương chiến đấu này", Rachyba nói thêm.

Mặc dù thời gian chờ đợi điều trị hiện tại không quá lâu, Rachyba và các đồng nghiệp lo ngại Ukraine sẽ không thể trả chi phí phục hồi cho hàng nghìn binh sĩ trong những năm và thập kỷ tới.

Cơ sở phục hồi chức năng hoạt động vào một buổi chiều gần đây ở Dnipro. Những người lính cụt chân tập di chuyển trên chân giả mới. Những người khác nằm trên các bộ cố định bằng dây để căn chỉnh cột sống sau chấn thương do sức nổ.

Không có gì đảm bảo những người lính bị thương sẽ có thể trở lại chiến trường sau khi xuất viện. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tích, một số người có thể tái gia nhập đơn vị để tiếp tục nhiệm vụ cũ hoặc nhận công việc tương tự. Những người khác có thể buộc phải tham gia huấn luyện lại để nhận một vị trí mới phù hợp hơn với tình trạng hiện tại của họ.

Cũng có những người lính phải giải ngũ vì lý do sức khỏe, khiến họ phải đi tìm việc làm sau khi rời lực lượng.

Oleksandr Kelbas, 42 tuổi, người đang dần khôi phục khả năng đi lại, nằm trong nhóm cuối cùng.

Trong trận chiến ở Mariinka năm ngoái, một viên đạn bắn tỉa đã xuyên qua chân phải Kelbas, khiến ông phải bò khỏi vị trí, rút lui dưới hỏa lực yểm trợ từ các đồng đội, tập tễnh đi hơn hai km để đến nơi an toàn.

Tại trung tâm phục hồi chức năng, Kelbas đang thực hiện bài tập giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng, nhưng sẽ phải rất kiên trì mới có thể đi lại được bình thường.

Oleksandr Kelbas, 42 tuổi, tập vật lý trị liệu tại Dnipro khi ông cố gắng phục hồi khả năng đi lại. Ảnh: Washington Post

Ông hoàn thành ca phẫu thuật chân hồi tháng 4 và đã phối hợp với các nhà vật lý trị liệu kể từ đó để phục hồi.

Bác sĩ Vladyslav Solopii thận trọng theo dõi Kelbas cố gắng giữ thăng bằng. Một yêu cầu quan trọng đối với những bệnh nhân tham gia chương trình là họ phải nêu rõ với bác sĩ mình muốn làm được công việc hay hành động cụ thể nào sau quá trình trị liệu.

Đối với Kelbas, một người lính đã lấy vợ và có con, mục tiêu của ông là không phải phụ thuộc vào người khác và được trở lại chiến trường.

Nhưng hội đồng y khoa đã cân nhắc và quyết định ông sẽ phải xuất ngũ. Trước khi nhập ngũ, Kelbas làm công việc luyện kim nhưng hiện tại, ông cho rằng mình khó có khả năng về lại nghề cũ.

"Tiếp tục sống", ông nói, khi được hỏi sẽ làm gì tiếp theo. "Còn có thể làm gì được nữa?".

Làm quen với cuộc sống hàng ngày khi mang những tổn thương vĩnh viễn là một khía cạnh quan trọng của chương trình phục hồi.

Một phòng trong trung tâm phục hồi chức năng ở Dnipro có các phân khu để những người lính luyện tập kỹ năng vận động. Nhà bếp cho phép họ trải nghiệm quá trình sử dụng bếp. Đối với những binh lính có con nhỏ, một góc phòng được biến thành nơi họ thực hành quấn tã cho trẻ sơ sinh và đặt chúng vào cũi. Hai binh sĩ ngồi bên một chiếc bàn có các thiết bị như điều khiển từ xa và máy tính để luyện cách bấm nút nhỏ.

Gần đó, Oleh, người lính 52 tuổi đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để chữa cánh tay trái bị gãy trên chiến trường từ năm 2022, đứng trầm ngâm. Ông cho biết cánh tay đó gần như không thể cử động và triển vọng phục hồi như bình thường rất mờ nhạt.

Oleh cho hay ông chỉ có thể nâng cánh tay được khoảng 10 cm. Một thiết bị cơ khí được buộc vào tay để giúp Oleh luyện tập cơ bắp.

Oleh đã phải chờ đợi một thời gian khá dài trước khi được bắt đầu điều trị tại trung tâm. Khả năng cử động tay đã được cải thiện và ông hy vọng có thể điều khiển súng máy một lần nữa.

Một binh sĩ Ukraine luyện kỹ văng vận động tinh tại trung tâm phục hồi chức năng ở Dnipro. Ảnh: Washington Post

Đại đội trưởng Zaichenko sắp hoàn thành quá trình phục hồi chức năng kéo dài một tháng. Đây được cho là thành tựu đáng kể sau nhiều lần chấn thương đầu.

Zaichenko đang tích cực rèn luyện khả năng phối hợp cơ thể và tự tin có thể quay trở lại vị trí phó chỉ huy huấn luyện pháo binh của lữ đoàn mà ông từng đảm nhận trước đây.

"Tôi sẽ làm tốt thôi", ông quả quyết.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020