Chuyên mục  


Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cuối tháng 11 dọa áp thuế 25% với Canada khi ông nhậm chức, nếu nước này không siết chặt kiểm soát ma túy và dòng người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ. Ông còn nhiều lần đùa rằng Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "thống đốc bang thứ 51 của Mỹ".

Loạt động thái khiến chính trường Canada chia rẽ. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland ngày 16/12 từ chức vì bất đồng với ông Trudeau về hướng đi tốt nhất cho Canada để ứng phó ông Trump. Căng thẳng gia tăng, phe Bảo thủ đối lập, thậm chí một số nghị sĩ đảng Tự do cầm quyền, kêu gọi Thủ tướng Trudeau rời ghế.

Vị thế của ông Trudeau lung lay hơn khi đảng Dân chủ Mới (NDP) ngày 20/12 tuyên bố sẽ không tiếp tục ủng hộ Thủ tướng. Nếu không có sự ủng hộ của NDP, ông Trudeau sẽ rất khó vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội vào đầu năm sau 2025.

Theo giới quan sát, ông Trump dường như đang vừa trêu đùa, vừa thúc đẩy nghị trình nghiêm túc về thuế và kiểm soát biên giới với Canada. Nhưng với nhiều người dân Canada, đây có thể coi là giai đoạn mang tính sống còn.

"Ông Trump dự đoán chính phủ Canada có thay đổi trong năm 2025 nên đang vui đùa", Gerald Butts, phó chủ tịch tổ chức tư vấn Eurasia Group, nói. "Nhưng sự vui đùa của ông ấy lại tạo ra hỗn loạn ở Canada".

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại Halifax ngày 9/12. Ảnh: AP

Sau gần 10 năm nắm quyền, sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Trudeau giảm xuống còn 33% trong thăm dò hồi tháng 9. Đảng Bảo thủ đối lập của ông Pierre Poilievre dẫn trước đảng Tự do cầm quyền hơn 20 điểm phần trăm. Ông Trudeau khó tái đắc cử trong cuộc bầu cử diễn ra muộn nhất vào tháng 10/2025.

Lời đe dọa áp thuế 25% lên hàng hóa Canada mà ông Trump đưa ra ngày 25/11 càng làm tăng tính cấp bách trên chính trường nước láng giềng. Mỹ và Canada đều là đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Khoảng 80% xuất khẩu của Canada là sang Mỹ, do đó, chính sách thuế trên nếu triển khai sẽ là thảm họa với kinh tế nước này.

Chính trường Canada có sự phân cực về cách ứng phó lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Mỹ. Ông Trudeau lập tức điện đàm, sau đó đến Florida gặp ông Trump.

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chính quyền Trudeau tin họ có thể bảo vệ lợi ích đất nước thông qua đàm phán "từ vị thế đồng minh, không phải kẻ thù", Christine de Clercy, giáo sư khoa học chính trị Đại học Trent, tỉnh Ontario, nói với Al Jazeera. Bất chấp tình hình hai nước đã thay đổi, ông Trudeau dường như vẫn chọn cách tiếp cận này.

Chuyến đi bộc lộ sự rạn nứt âm ỉ giữa ông Trudeau và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Freeland, khi bà không có mặt trong đoàn, dù phụ trách nhóm ứng phó chính quyền Trump. Freeland mang quan điểm chỉ trích chính sách bảo hộ của ông Trump và bị Tổng thống đắc cử Mỹ công kích.

Freeland cáo buộc ông Trudeau "muốn chơi chiêu bài chính trị tốn kém", nhắc đến đề xuất miễn thuế bán hàng trong kỳ nghỉ lễ và hoàn một khoản thuế cho người lao động, dường như nhằm hút phiếu bầu, thay vì chi ngân sách cho an ninh biên giới để xoa dịu ông Trump.

Doug Ford, thủ hiến tỉnh bang Ontario đông dân nhất Canada, kêu gọi 12 thủ hiến còn lại "phải vào cuộc", tham gia đàm phán với Mỹ. Ông đề xuất Canada ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ và Ottawa cũng nên dọa áp thuế ngược lại Washington. Ông thậm chí còn ám chỉ Ontario cắt nguồn cung điện cho 1,5 triệu hộ gia đình ở bang New York, Wisconsin và nơi khác để đáp trả.

Chris Sands, giám đốc Viện Canada tại Trung tâm Wilson, trụ sở Mỹ, nhận định việc bà Freeland bất ngờ từ chức sau đó "khiến Canada càng thêm bất ổn".

"Ông Trudeau trở nên cô độc, những người quan trọng kề bên đã rời đi", ông Sands nói với BBC, thêm rằng ông Trump đắc cử phần nào tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ các đồng minh của Mỹ như Canada. "Bạn sẽ thủ thế và chống lại lời đe dọa của ông Trump, hay chọn tìm cách dĩ hòa vi quý để tránh xung đột?".

"Ông Trump rất khó đoán, và điều đúng đắn cần làm lúc này là thiết lập chiến lược bảo vệ kinh tế Canada trước sự đe dọa này", Jean-Rodrigue Pare, giáo sư khoa học chính trị Đại học Ottawa, bổ sung.

Ngày 17/12, chính phủ Canada đã công bố kế hoạch biên giới nhằm "chiều lòng" ông Trump. Đề xuất trị giá khoảng 900 triệu USD, triển khai trong 6 năm, để tăng cường giám sát biên giới Mỹ - Canada.

Phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland phát biểu tại Ottawa ngày 19/11. Ảnh: AP

Sau khi bà Freeland rời nội các, ông Trudeau đối mặt hàng loạt lời kêu gọi từ chức từ các nghị sĩ. Lãnh đạo đảng Bảo thủ Poilievre muốn tổ chức bầu cử ngay lập tức, nhưng các quy định và yếu tố thời gian đều đang có lợi cho ông Trudeau.

Đảng Tự do không có cơ chế để buộc ông Trudeau phải rời ghế. Trong khi đó, quốc hội Canada đã nghỉ đông từ ngày 17/12, dự kiến trở lại làm việc ngày 27/1. Điều này đồng nghĩa thời điểm gần nhất quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông Trudeau là cuối tháng 2 hoặc tháng 3/2025, bởi phe đối lập cần thời gian soạn kiến nghị.

Nếu các bộ trưởng khác cũng đồng loạt xin từ chức như bà Freeland, ông Trudeau có thể buộc phải đề xuất tổ chức bầu cử lãnh đạo đảng Tự do, đồng nghĩa chọn tân thủ tướng.

Nhưng bất kể ông Trudeau còn tại vị hay không trong những tháng tới, ý định áp thuế của ông Trump sẽ không biến mất, theo giáo sư Pare. Các quốc gia như Canada sẽ phải tìm cách ứng phó với kịch bản nền kinh tế bị đảo lộn khi ông Trump lên nắm quyền.

"Ông Trump giờ là một hằng số", ông Pare nói. "Chuyện này sẽ xảy ra, bất kể là ai đang nắm quyền ở Canada".

Như Tâm (Theo BBC, Guardian, CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020