Tổng thống Zelensky (trái) trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels ngày 19-12 - Ảnh: AFP
Ngày 20-12, Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố gói viện trợ cuối cùng thuộc Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI) trong những ngày tới.
Nguồn tin thứ ba cho biết gói này bao gồm các thiết bị đánh chặn phòng không và đạn pháo, với tổng trị giá khoảng 1,2 tỉ USD. Các nội dung chi tiết sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Lo sợ thất thế
Ukraine và các đồng minh châu Âu của nước này đang bước vào thời điểm quan trọng khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều lần cam kết chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine một ngày sau lễ nhậm chức của ông vào 20-1-2025, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin lại không tỏ ra khẩn trương như vậy.
Giới quan sát quốc tế cho rằng ông Trump có khả năng sẽ buộc Ukraine chấp thuận một thỏa thuận hòa bình theo hướng có lợi cho Mátxcơva, theo Financial Times.
Các nhà lãnh đạo châu Âu từ trước đến nay luôn giữ lập trường rằng không nên áp đặt bất kỳ thỏa thuận nào mà không có sự đồng ý của Ukraine.
“Không có hòa bình ở Ukraine nếu như không có người Ukraine, không có an ninh ở châu Âu nếu không có người châu Âu”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong chuyến thăm Warsaw hồi đầu tháng.
Tuy nhiên lục địa già khó có thể giành được lợi thế trên bàn đàm phán cùng đồng minh Ukraine vì vị thế của Tổng thống Macron đã suy yếu do bất ổn chính trị tại Pháp, trong khi Đức đang bận rộn với cuộc bầu cử liên bang và có khả năng không có chính phủ mới trước đầu mùa hè năm sau.
Ông Christian Mölling - Giám đốc chương trình Tương lai châu Âu tại Quỹ Bertelsmann - khẳng định phần lớn người châu Âu không tận dụng thời gian để chuẩn bị cho chiến lược quân sự mà họ muốn thực hiện, cũng như nâng cao năng lực chung.
“Kết quả là châu Âu đang bước vào những tuần lễ nguy hiểm nhất, với sự bất định trở thành bản chất của chính quyền Trump mới”, ông Christian Mölling nhận định.
Tổng thống đắc cử Donald Trump (trái) chụp ảnh cùng Tổng thống Pháp Macron (giữa) và Tổng thống Zelensky trong cuộc gặp mặt tại thủ đô Paris ngày 7-12 - Ảnh: AFP
Còn nước còn tát
Đến nay, các nhà ngoại giao châu Âu vẫn tin rằng họ có thể thuyết phục ông Trump để đưa ra một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Ukraine, thông qua các cuộc gặp tổng thống đắc cử và đội ngũ của ông.
Trong cuộc gặp hồi đầu tháng giữa Tổng thống Macron và ông Trump tại thủ đô Paris, nhà lãnh đạo Pháp bày tỏ sự thấu hiểu đối với mối quan tâm của tổng thống đắc cử về việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh, nhưng mong muốn ông dành cho Ukraine những lợi thế trên bàn đàm phán, theo các nguồn tin của Financial Times.
Ngoài ra nhiều quan chức châu Âu còn chỉ ra những khía cạnh toàn cầu khác của cuộc xung đột Nga - Ukraine, chẳng hạn như việc Triều Tiên triển khai binh sĩ để hỗ trợ Nga.
Cụ thể, những quan chức này cho rằng trong trường hợp Mỹ bỏ mặc Kiev hoặc thất bại trong việc duy trì một thỏa thuận hòa bình đã đạt được với Nga, vị thế của xứ sở cờ hoa sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, đặc biệt là trước Trung Quốc và các đối thủ khác.
“Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn thể hiện mình là một chính trị gia mạnh mẽ. Nhưng ông ấy sẽ không còn được như vậy nếu thất bại với Ukraine. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa đều gây ra những hậu quả rõ ràng với nước Mỹ”, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Kaja Kallas bày tỏ quan điểm.
Bà Alexandra de Hoop Scheffer từ Tổ chức nghiên cứu German Marshall Fund (Mỹ) đánh giá đội ngũ của ông Trump đã “ám ảnh với việc rút quân khỏi Afghanistan năm 2021. Họ không muốn Ukraine trở thành 'thất bại kiểu Afghanistan của Trump'. Điều này đã định hình khuôn khổ và tư duy trong các chính sách của ông Trump về Ukraine”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đưa ra những lập luận tương tự trong nhiều tháng nhằm thuyết phục Mỹ và đồng minh tăng mức hỗ trợ cho Kiev.
Bên cạnh mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng, các thành viên châu Âu cũng chật vật trong việc xác định đóng góp của họ vào bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào của Ukraine.
Một quan chức cấp cao châu Âu không tiết lộ tên cho biết ngoại trừ Hungary và Slovakia, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng Anh và Na Uy đã cam kết duy trì viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, những quốc gia này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về câu hỏi nhạy cảm nhất: “Làm thế nào để đảm bảo các thỏa thuận hòa bình ngăn Nga phát động một chiến dịch quân sự tại Ukraine lần nữa?”.