Ý kiến được He Xiaopeng đưa ra trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Straits Times khi ông đến thăm Singapore vào tháng 10.
"Trong số 300 công ty khởi nghiệp, chỉ có 100 công ty sống sót. Hiện còn chưa đến 50 công ty vẫn tồn tại, và chỉ có 40 công ty thực sự bán xe mỗi năm", He, 47 tuổi, người đứng đầu Xpeng có trụ sở tại Quảng Châu, nhận xét, thêm rằng "tôi nghĩ chỉ còn lại 7 hãng xe lớn sẽ tồn tại trong 10 năm tới". Nhưng He không chỉ rõ những nhà sản xuất ôtô Trung Quốc này là ai.
Theo He, AI là một trong những năng lực cốt lõi mà các công ty ôtô quy mô lớn cần để tồn tại. Họ cũng cần học hỏi từ các thương hiệu toàn cầu về chất lượng sản phẩm và mức độ dịch vụ.
Mẫu Xpeng G6 tại showroom của hãng ở Singapore. Ảnh: Xpeng
Dự báo khá ảm đạm của He về các công ty ôtô Trung Quốc diễn ra vào thời điểm các thương hiệu xe điện của nước này đang phát triển mạnh ở Singapore. Nhu cầu tăng mạnh đối với xe điện đã giúp các thương hiệu Trung Quốc chiếm 52,1% tổng số xe điện đăng ký tại đây trong 10 tháng đầu năm 2024, so với 30,3% trong 2023.
Số thương hiệu ôtô Trung Quốc tại Singapore cũng tăng từ hai vào năm 2018 lên 9 tính đến tháng 11. Xpeng đã ra mắt tại quốc gia này vào tháng 7.
Các chuyên gia trong ngành cho biết các đại lý ôtô ở đây đã tích cực thu hút các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, với nhiều thương hiệu dự kiến thiết lập hoạt động tại vào năm 2025.
Kể từ khi ra mắt tại Singapore, đã có 212 chiếc Xpeng được đăng ký. Con số này đưa Xpeng vượt qua ba thương hiệu xe điện Trung Quốc khác ra mắt cùng năm tại đây: Zeekr với 65 xe, Chery 48 xe và Seres chỉ một xe. GAC Aion, ra mắt vào tháng 4, đã bán được 262 xe.
Thương hiệu xe điện Trung Quốc bán chạy nhất - BYD - đã có mặt tại Singapore từ năm 2017 và có 4.560 xe được đăng ký trong 10 tháng đầu năm nay.
Xpeng hiện có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chưa đạt lợi nhuận. Trong quý II năm nay, công ty báo cáo lỗ ròng 1,28 tỷ nhân dân tệ (175 triệu USD), so với mức lỗ ròng 2,8 tỷ nhân dân tệ (384 triệu USD) cùng kỳ năm 2023.
He cho biết Xpeng nhắm đến việc cân bằng giữa lợi nhuận và thành công dài hạn. "Hiện chúng tôi đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển và thương hiệu và sẽ tiếp tục như thế. Nhưng khi ngành công nghiệp ổn định, lợi nhuận sẽ rất tốt".
Xpeng sử dụng công nghệ AI để vận hành hệ thống lái tự động, lần đầu tiên thí điểm với một số mẫu xe tại Quảng Châu vào năm 2022. Hệ thống sau đó được mở rộng sang các mẫu xe từ các thành phố khác ở Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023.
Xpeng là công ty đầu tiên ở Trung Quốc giới thiệu hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến cho phép ôtô đối phó với điều kiện giao thông đô thị như đổi làn để vượt xe khác, phản ứng với đèn giao thông, di chuyển qua vòng xoay và tránh người đi bộ cũng như người đi xe đạp.
Công nghệ của Xpeng được phân loại cấp độ 3, với ôtô có thể nhận biết môi trường và thực hiện hầu hết các thao tác lái xe. Xe cấp độ 5 có khả năng di chuyển độc lập mà không cần sự can thiệp của con người trong mọi điều kiện.
Trong buổi phỏng vấn tại showroom của Xpeng trên đường Leng Kee, Singapore, He cũng đề cập về xe tự lái và dự án ôtô bay đang được tiến hành.
Xpeng dự kiến bắt đầu giao ôtô bay cho khách hàng từ năm 2026. Trong số đó, có đơn hàng 150 chiếc từ hai công ty có trụ sở tại Hàng Châu nhằm cung cấp dịch vụ du lịch hàng không.
Lúc này, trong số những thương hiệu đang gặp khó khăn có Neta - công ty đã xuất khẩu ôtô sang các thị trường như Malaysia và Thái Lan - được cho là đã ngừng sản xuất tại nhà máy Chiết Giang và cắt giảm lương vào tháng 11. Thương hiệu này dự kiến ra mắt tại Singapore vào cuối năm 2024.
Mỹ Anh