Chuyên mục  


Eurozone vốn là nơi chuộng tiền mặt nhất trong nhóm nền kinh tế phát triển, bất chấp sự trỗi dậy của thanh toán điện tử trên toàn cầu. Tuy nhiên, Nghiên cứu bán thường niên về Quan điểm của Người tiêu dùng với thanh toán tại khu vực đồng euro (SPACE) cho thấy tiền mặt hiện chỉ chiếm hơn nửa số giao dịch trong khối này, với 52%.

Số liệu này giảm so với 59% trong năm 2022. Cách đây 8 năm, tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán ở eurozone còn đạt 79%.

Ngược lại, tỷ lệ thanh toán thẻ tăng từ 34% lên 39% trong 2 năm qua. Thanh toán di động cũng lên 6%.

Tiền giấy euro được sử dụng tại một khu chợ ở Nice (Pháp) năm 2022. Ảnh: Reuters

Số người được hỏi cho biết sở hữu tài sản tiền số tại eurozone cũng tăng gấp đôi so với năm 2022, lên 9% năm nay. Các nước có tỷ lệ sở hữu tiền số cao nhất khu vực này là Slovenia và Hy Lạp. Dù vậy, mức độ chấp nhận tiền số ở đây còn thấp so với thế giới.

Báo cáo trên củng cố đề xuất trong ECB rằng khối này cần đưa ra đồng euro kỹ thuật số. Việc này sẽ đảm bảo người dân tiếp cận hình thức thanh toán không rủi ro, kể cả trong thế giới không tiền mặt.

"Bằng việc hỗ trợ cả tiền mặt và đồng euro kỹ thuật số, chúng tôi muốn bảo đảm mọi người luôn chọn cách thanh toán bằng euro, dù là hiện tại hay tương lai", thành viên hội đồng thống đốc ECB Piero Cipollone cho biết.

Còn nếu tính theo giá trị giao dịch, thẻ từ lâu đã vượt tiền mặt trong thanh toán, với tỷ lệ 45%. Trong khi đó, số liệu này của tiền mặt là 39%.

Tại Liên minh châu Âu (EU), thanh toán điện tử phổ biến nhất tại Thụy Điển. Tuy nhiên, giới chức nước này vẫn lo ngại điều gì có thể xảy ra nếu các kênh thanh toán điện tử bị gián đoạn. Trong báo cáo có tên "Nếu có khủng hoảng hoặc chiến tranh", nước này đề xuất mọi người vẫn nên giữ số tiền mặt đủ để chi tiêu trong một tuần.

Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cũng kêu gọi chính phủ buộc các doanh nghiệp đang bán sản phẩm thiết yếu như thuốc kê đơn, nhiên liệu, thực phẩm phải nhận thanh toán bằng tiền mặt. Các công ty này cũng phải củng cố chính sách an ninh mạng về tài chính.

Khi hầu hết ngân hàng không còn cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền mặt tại các chi nhánh, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã phải mở nhiều địa điểm lưu trữ, gửi tiền để đảm bảo người dân được tiếp cận tiền mặt trên cả nước.

Hà Thu (theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020