Ông Shigemitsu Tanaka, thành viên nhóm Nihon Hidankyo và là người sống sót sau vụ Mỹ thả bom nguyên tử Nagasaki năm 1945, khóc sau khi chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2024 được công bố. Ảnh chụp tại Nagasaki, Nhật Bản ngày 11-10 - Ảnh: REUTERS
"Tình hình quốc tế đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, và chiến tranh đang nổ ra trong bối cảnh các quốc gia đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân" - ông Shigemitsu Tanaka, người sống sót sau vụ Mỹ đánh bom Nagasaki năm 1945 và là đồng lãnh đạo nhóm Nihon Hidankyo, nhận định ngày 12-10.
Nihon Hidankyo là tổ chức của Nhật Bản vừa được Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình 2024 vào hôm 11-10.
"Tôi lo ngại loài người chúng ta đang trên con đường tự hủy diệt. Cách duy nhất để ngăn chặn điều đó là xóa bỏ vũ khí hạt nhân", ông Shigemitsu Tanaka nói thêm.
Nihon Hidankyo là "tổ chức toàn quốc duy nhất của những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki". Những người này được gọi là "hibakusha" trong tiếng Nhật.
Khi trao giải Nobel Hòa bình cho Nihon Hidankyo, Ủy ban Nobel Na Uy đã nhấn mạnh đến sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến 2 và nỗ lực kéo dài nhiều thập niên của nhóm này nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới.
Hôm 26-9, Điện Kremlin cho biết những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga mà Tổng thống Vladimir Putin vừa vạch ra nên được coi là "tín hiệu" gửi tới các nước phương Tây.
Trước đó một ngày, ông Putin tuyên bố Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này bị tấn công bằng tên lửa thông thường.
Học thuyết hạt nhân vừa được cập nhật sẽ cho phép Nga dùng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân khi những nước này được cường quốc hạt nhân hỗ trợ.
Tại Trung Đông, ông Rasoul Sanaei-Rad - cố vấn chính trị của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei - mới đây cảnh báo Tehran có thể thay đổi học thuyết hạt nhân nếu Israel tấn công các cơ sở nguyên tử của nước Cộng hòa Hồi giáo này.