Chuyên mục  


Các gia đình ở Lebanon có thể đã sống nhiều năm bên cạnh một thành viên của Hezbollah mà không bao giờ biết rằng hàng xóm của họ thuộc tổ chức quân sự hùng mạnh nhất đất nước.

Nhưng chỉ trong một buổi chiều ngày 17/9, điều đó đã bị phá vỡ khi hàng nghìn máy nhắn tin mà các thành viên của nhóm này sử dụng phát nổ, khiến 12 người thiệt mạng và 2.800 người bị thương. Chiều 18/9, hàng loạt bộ đàm lại phát nổ, khiến 20 người thiệt mạng và 450 người bị thương. Chiến dịch này đã thành công trong việc giáng đòn vào một trong những thuộc tính chiến lược nhất của Hezbollah: tính bí mật.

Hezbollah từ lâu đã coi sự bí mật là nền tảng trong chiến lược quân sự. Không giống như các nhóm vũ trang phi nhà nước khác ở Trung Đông, các tay súng Hezbollah kết nối với nhau thông qua mạng liên lạc nội bộ. Máy nhắn tin, phương tiện được xem là lỗi thời, trở thành cách thức liên lạc quan trọng đối với Hezbollah.

Một nguồn tin nói với AFP rằng Hezbollah chủ yếu sử dụng máy nhắn tin "để triệu tập chiến binh đến tiền tuyến, thông báo cho các quan chức hành chính hoặc nhân viên y tế khi cần thiết, cảnh báo về máy bay không người lái của Israel".

Các sản phẩm máy nhắn tin của công ty Gold Apollo được trưng bày hôm 18/9. Ảnh: Reuters

Máy nhắn tin bắt đầu trở thành phương thức liên lạc cá nhân từ thập niên 1950. Thiết bị này thường được dùng bởi những người cần duy trì liên lạc 24/7 như bác sĩ, nhân viên cấp cứu hoặc an ninh, để đảm bảo kết nối ở mọi nơi mà không cần điện thoại cố định hoặc di động.

Máy nhắn tin hoạt động bằng cách truyền sóng vô tuyến theo tần số riêng gán cho từng thiết bị. Liên lạc giữa hai người dùng sẽ thông qua trung tâm điều phối. Người gửi gọi đến trung tâm và thông báo nội dung muốn chuyển, thông điệp sẽ được gửi đến máy nhắn tin cụ thể. Thiết bị sẽ phát ra tiếng bíp hoặc rung để thông báo cho người dùng.

Thiết bị này ban đầu chỉ hiển thị số điện thoại mà người nhận cần gọi lại. Những thế hệ máy nhắn tin sau này ngày càng được thu nhỏ và có thể hiển thị tin nhắn ngắn gọn.

Để đề phòng bị nghe lén, nhóm sử dụng mật mã khi nhắc đến vũ khí hoặc địa điểm họp. Danh sách từ mã hóa sẽ được cập nhật gần như hàng ngày và chuyển đến các đơn vị thông qua người truyền tin.

"Chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến mà thông tin và công nghệ là những điều thiết yếu. Song để đối phó với những tiến bộ công nghệ, cần quay lại với các phương thức lạc hậu", Qassem Kassir, nhà phân tích Lebanon có quan điểm thân cận với Hezbollah, từng nói.

Ngày 22/11/2023, một phụ nữ ở miền nam Lebanon nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là quan chức địa phương. Người này nói tiếng Arab và hỏi mọi người trong gia đình cô có nhà không, cô trả lời rằng không ai có nhà, tất cả đã tới miền đông Lebanon.

Vài phút sau, tên lửa lao xuống khu nhà của người phụ nữ ở làng Beit Yahoun, khiến 5 thành viên Hezbollah thiệt mạng, trong đó có con trai của quan chức cấp cao trong nhóm vũ trang. Hezbollah tin rằng Israel đã theo dõi các thành viên đến địa điểm này. Họ gọi điện thoại cho người phụ nữ để đảm bảo những dân thường sống ở cùng khu nhà đã rời đi.

Sau đó, một loạt cuộc tấn công nhằm vào các thành viên chủ chốt của Hezbollah diễn ra. Những người khác bị hạ sát bao gồm Wissam al-Tawil, Taleb Abdallah và Mohammed Nasser, chỉ huy các hoạt động của Hezbollah ở phía nam. Saleh al-Arouri, phó thủ lĩnh Hamas, cũng bị giết khi đang tham dự một cuộc họp tại thủ đô Beirut.

Hezbollah bắt đầu nghi ngờ Israel nhắm mục tiêu bằng cách theo dõi điện thoại di động của các tay súng và hình ảnh từ camera an ninh. Ngày 28/12/2023, Hezbollah kêu gọi cư dân miền nam Lebanon ngắt kết nối mạng của tất cả máy quay an ninh trong khu vực.

Hồi tháng hai, Hezbollah yêu cầu tất cả thành viên không sử dụng điện thoại di động gần nơi giao tranh, cảnh báo họ sẽ bị loại khỏi nhóm nếu làm điều này. Một quan chức tình báo nói rằng chỉ huy Hezbollah đôi khi bất ngờ kiểm tra các đơn vị để xem họ có tuân thủ hay không.

Ngay cả ở thủ đô Beirut của Lebanon, nơi được coi là an toàn hơn các khu vực khác, các chính trị gia cấp cao của Hezbollah cũng tránh mang theo điện thoại tới những cuộc họp.

Trong bài phát biểu được chiếu trên truyền hình ngày 13/2, thủ lĩnh Hassan Nasrallah thúc giục thành viên, người ủng hộ Hezbollah và gia đình họ không sử dụng điện thoại di động. "Hãy tắt máy rồi mang đi chôn hoặc cất chúng vào hòm sắt có khóa. Hãy làm điều đó vì lợi ích an ninh và bảo vệ tính mạng, phẩm giá của mọi người. Chiếc điện thoại trên tay các bạn và vợ con đều là cộng sự của Israel", ông Nasrallah nói.

Hình ảnh lan truyền trên mạng về bộ phận của một chiếc máy nhắn tin bị phát nổ hôm 17/9. Ảnh: CNN

Sự cẩn thận của Hezbollah cho thấy vụ các thiết bị phát nổ giáng đòn đau thế nào vào tổ chức này. "Chiến dịch này chứng minh rằng Hezbollah đã bị qua mặt về công nghệ", cố vấn an ninh mạng Israel Janane Khoury viết. "Đây là vụ xâm nhập an ninh lớn nhất được ghi nhận cho đến nay và là cuộc tấn công tinh vi chưa từng có".

Chính phủ Lebanon và Hezbollah đã cáo buộc Israel đứng sau các vụ nổ, trong khi chính quyền Israel không bình luận về sự việc. Thời điểm các vụ tấn công gây nhiều thắc mắc, vì nội bộ giới lãnh đạo Israel đang lục đục và Mỹ đang nỗ lực xuống thang căng thẳng ở khu vực cũng như đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, đồng minh của Hezbollah.

Một nguồn tin Israel am hiểu an ninh quốc gia nói với CNN rằng Israel kích hoạt cuộc tấn công sau khi tin rằng Hezbollah đã phát hiện ra máy nhắn tin bị gài thuốc nổ. "Họ quyết định cho nổ tung chúng trước khi tin tức lan truyền và mọi người đều vứt bỏ máy nhắn tin. Họ phải hành động nhanh nếu không sẽ mất cơ hội", nguồn tin cho biết.

Nếu giả thuyết này là đúng, điều này bộc lộ mặt yếu trong cách liên lạc "lỗi thời" của Hezbollah. "Giới lãnh đạo không thể liên lạc nhanh chóng với cấp dưới", Emily Harding, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói.

Thùy Lâm (Theo CNN, Reuters, Jerusalem Post, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020