Chuyên mục  


Vũ khí giúp 5.000 lính Anh đánh bại 30.000 hiệp sĩ Pháp năm 1415

Video đồ họa mô phỏng trận chiến Agincourt. Video: PhoenixMcAwesome.

Chiến tranh Trăm năm là cuộc chiến khốc liệt giữa Anh và Pháp kéo dài từ năm 1337 đến năm 1453 nhằm giành giật lãnh thổ và ngai vàng nước Pháp, với hai phe tham chiến chính là hoàng tộc Valois (vua Pháp) và hoàng tộc Plantagenet (vua Anh). Cuộc chiến nổ ra xoay quanh việc nhà Valois tuyên bố là vua của Pháp, còn nhà Plantagenet cho rằng ngai vàng của cả Pháp và Anh phải thuộc về mình.

Cuộc chiến diễn ra trong giai đoạn kỹ thuật quân sự thời Trung cổ ở châu Âu thay đổi nhanh chóng. Từ xuất phát điểm chỉ là cuộc chiến giữa tầng lớp nông dân và hiệp sĩ, với sự phát triển của công nghệ và vũ khí, Chiến tranh Trăm năm trở thành cuộc đụng độ giữa hai quốc gia sở hữu đội quân chuyên nghiệp.

Trong các trận đánh diễn ra hơn 100 năm, trận Agincourt được coi là cuộc đụng độ nổi tiếng nhất, thể hiện bước tiến rõ rệt trong nghệ thuật tác chiến của Anh cũng như ở châu Âu thời kỳ đó. Đây cũng là chiến thắng quan trọng góp phần giúp nước Anh giành thắng lợi cuối cùng trước quân Pháp và được William Shakespeare khắc họa trong vở kịch nổi tiếng Vua Henry V. 

Sau khi lên ngôi vào năm 1413, vua Anh Henry V (1386-1422) tiếp tục cuộc Chiến tranh Trăm năm bằng việc phát động chiến dịch quân sự chinh phạt nước Pháp sau nhiều nỗ lực thương lượng không thành.

Trận Agincourt diễn ra ngày 25/10/1415 tại một địa điểm gần Azincourt ngày nay, thuộc vùng Hauts-de-France, tỉnh Pas-de-Calais miền bắc nước Pháp. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Henry V, quân Anh triển khai thế trận vây hãm, nhưng sớm nhận ra rằng họ phải đối đầu với đội quân khổng lồ của Pháp.

Trong khi quân Anh có khoảng 5.000 binh sĩ, chủ yếu là cung thủ, thì bên kia chiến tuyến, quân số của Pháp ước tính 30.000-100.000 người (tùy theo các nguồn công bố khác nhau, nhưng con số 30.000 có thể là chính xác nhất).

Dù chênh lệch lực lượng rất lớn, Henry V đã áp dụng nghệ thuật tác chiến xuất sắc để biến điều tưởng chừng là thảm họa trở thành một trong những chiến thắng quan trọng và lẫy lừng nhất của nước Anh thời Trung cổ. Chính địa hình đầm lầy ở chiến trường cùng kỹ năng sử dụng cung dài siêu việt của binh sĩ Anh đã làm nên chiến thắng này.

Trận chiến diễn ra trên một cánh đồng trống trải, hai đội quân dàn đội hình ở khoảng cách khoảng 300 m. Vua Henry trước đó ra lệnh lập thế trận phòng thủ độc đáo, trong đó kỵ binh Anh được yêu cầu xuống ngựa, dàn quân trước đội cung thủ để bảo vệ họ trước bộ binh Pháp. Nhằm chống lại tốc độ và sức mạnh của kỵ binh Pháp, ông cho cắm nhiều cọc nhọn phía trước đội hình.

Tranh minh họa trận Agincourt. Ảnh: WarHistoryOnline.

Khi trận chiến mở màn, cung thủ Anh dùng trường cung bắn như mưa vào đội hình bộ binh Pháp, gây thiệt hại nặng cho đối phương. Đội kỵ binh hạng nặng Pháp ở hai bên cánh lập tức xung phong, nhằm tiêu diệt đội cung thủ này.

Tuy nhiên, thời tiết mùa thu ẩm ướt và nhiều mưa khiến cánh đồng trở nên lầy lội, các hiệp sĩ Pháp bị sa lầy khi phi ngựa hết tốc lực và tốc độ xung phong giảm đi rõ rệt.

Điều này cho phép cung thủ Anh tiếp tục trút "mưa tên" vào những kỵ sĩ Pháp đang sa lầy theo đúng nghĩa đen. Trận mưa tên đã phá nát đội hình hiệp sĩ Pháp đang loay hoay lao đầu như "thiêu thân" vào quân Anh, khiến họ hứng chịu thiệt hại nặng nề trước khi áp sát được đội hình quân Anh.

Khi áp sát được quân Anh, họ hứng chịu thêm thảm họa vì dồn nhau lao vào những cọc nhọn cắm sẵn. Chứng kiến đội kỵ binh ngã gục, bộ binh Pháp ào ạt xông lên, rất nhiều người gục ngã dưới làn mưa tên khi băng qua quãng đường 300 m để tiếp cận quân Anh.

Khi chiến đấu giáp lá cà với các hiệp sĩ Anh, quân số quá đông của Pháp lại trở thành điểm bất lợi vì họ bị dồn vào một chỗ, khiến nhiều người không thể xoay xở để chiến đấu. Đội quân Pháp bị nghiền nát bởi hiệp sĩ Anh và gục ngã trước những mũi tên liên tiếp trút xuống, cho đến khi vỡ trận và tháo chạy.

Nhờ trường cung và mũi tên thép xuyên thủng áo giáp kỵ sĩ địch, quân Anh loại bỏ hoàn toàn ưu thế về quân số của Pháp và đánh bại đối phương chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ. Chính trường cung góp công lớn cho chiến thắng của vua Henry V tại trận Agincourt, qua đó giúp nước Anh trở thành cường quốc quân sự hùng mạnh nhất của châu Âu trong đêm trường Trung cổ.

Cung dài Anh là minh chứng cho đỉnh cao của công nghệ và kỹ năng chiến đấu thời Trung cổ, bởi lực bắn rất mạnh kết hợp với đầu mũi tên nhọn bằng sắt của nó trở thành khắc tinh của lực lượng kỵ binh, đội quân của các hiệp sĩ từng được coi là "bất khả chiến bại" trên chiến trường.

Trong thời kỳ mà chỉ những người giàu có mới có thể đủ khả năng tài chính để được huấn luyện quân sự chuyên sâu cũng như mua ngựa, vũ khí và áo giáp, phần lớn quân đội các nước châu Âu là lính đánh thuê hoặc được tuyển từ tầng lớp nông dân. Ngược lại, cung thủ Anh có vẻ như "đi ngược thời đại" bởi họ được huấn luyện bài bản và chiến đấu như những người lính thực thụ, thay vì là những nông nô nghiệp dư hay vì mục đích tiền bạc.

Một cung thủ Anh sử dụng trường cung. Ảnh: History UK.

Để sử dụng thuần thục trường cung, cung thủ Anh phải được huấn luyện kỹ càng cả về sức khỏe lẫn kỹ năng. Theo một giai thoại, vua Edward III của Anh (1312-1377) từng nói rằng "Nếu muốn đào tạo một cung thủ, hãy bắt đầu với ông của anh ta". Điều đó có nghĩa là các cung thủ thường đã được cha ông họ rèn giũa kỹ năng và sức mạnh từ nhỏ để đi săn lúc nông nhàn.

Vì vậy, cung thủ Anh thường là những người có thâm niên sử dụng cung với kỹ năng vượt trội hơn bất kỳ lính cung hay nỏ nào ở các nước châu Âu thời đó. Cung thủ Anh đã chứng minh rằng họ là lực lượng quyết định trên chiến trường và là đại diện cho trở lại của xu thế xây dựng đội quân chính quy với binh lính được đào tạo bài bản.

Có một giai thoại khác kể rằng sau thất bại trước đội quân sử dụng trường cung của Anh ở trận Crecy năm 1346, quân Pháp bị ám ảnh tới mức đã lên kế hoạch lẻn vào doanh trại của quân Anh nhằm cắt đứt ngón trỏ và ngón giữa của cung thủ để họ không thể chiến đấu. Kế hoạch này không bao giờ được thực hiện, nhưng tại trận Agincourt, các cung thủ Anh đã giơ ngón tay trỏ và giữa lên để khiêu khích lại quân Pháp.

Hành động giơ hai ngón tay này đến nay vẫn được coi là cử chỉ cực kỳ khiếm nhã ở Anh và được cho là nguồn gốc của động tác giơ "ngón tay thối" ở Mỹ.

Minh An (Theo WarHistoryOnline)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020