Chuyên mục  


Người đàn ông làm nghề thợ mộc, tiền sử khỏe mạnh, khám tại Bệnh viện Bạch Mai với biểu hiện ban đầu cứng hàm, khó há miệng, khó thở, đi lại khó khăn. Sau thăm khám, bệnh nhân phải nhập viện với chẩn đoán uốn ván toàn thể - suy hô hấp. Người bệnh sau đó rất khó thở và phải mở khí quản, dùng thuốc an thần liều cao chống co giật, tiêm vaccine và huyết thanh phòng uốn ván để trung hòa độc tố. Hiện, người đàn ông vẫn nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.

Đây là một trong ba bệnh nhân mắc uốn ván đang nằm điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Hai người còn lại là nam, cùng 56 tuổi, nhiễm uốn ván do dẫm phải đinh và lội nước bẩn trong mưa khi chân đang có vết thương. Họ đều chủ quan tự chữa, sơ cứu ở nhà, dẫn đến bệnh tiến triển nặng, tiên lượng khó khăn, đe dọa tính mạng.

"Các ca bệnh uốn ván với bệnh cảnh nặng nề đòi hỏi các phương pháp điều trị hồi sức tích cực, thậm chí phải lọc máu, chi phí điều trị hết sức tốn kém và nguy cơ tử vong cao", PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, nói.

Trực khuẩn uốn ván gây bệnh từ vết xước nhỏ. Nguồn: Sanofi Pasteur

Uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn - nhiễm độc rất nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani từ ngoài môi trường xâm nhập qua vết thương vào cơ thể, tiết ra độc tố gây nhiễm độc toàn thân. Biểu hiện sớm là cứng hàm, khó nhai, khó nuốt, sau đó sẽ cứng cơ, tăng trương lực cơ toàn thân, mức độ nặng sẽ co giật, toàn thân uốn cong, kèm theo khó thở, suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật. Nếu không xử trí kịp thời bằng các biện pháp hồi sức tích cực thì nhanh chóng dẫn tới tử vong hoặc có nhiều biến chứng trên các hệ tim mạch, hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa, xương khớp.

Bệnh uốn ván được phòng ngừa qua tiêm phòng vaccine. Khi bị thương, trầy xước, cần sát trùng vết thương đúng cách, tránh bịt kín, sau đó đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí và tiêm ngừa.

Lê Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020