Chuyên mục  


Suốt một năm qua, Eli Albag nỗ lực đấu tranh để chính phủ tìm cách giải cứu con gái Liri bị Hamas bắt cóc sau cuộc đột kích vào Israel đầu tháng 10/2023. Eli gần đây tham gia biểu tình tại một sự kiện chính trị ngoài trời mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu tham dự ở thành phố ven biển Netanya.

Ở đó, ông trở thành mục tiêu tấn công của các nhà hoạt động cực hữu. Họ chỉ trích và ném trứng vào ông. "Ông gây ồn ào quá nhiều rồi đó. Hãy im lặng đi", một người hét lên.

"Các ông chính là mầm bệnh của đất nước", một người khác nói, cáo buộc Albag được Hamas "hậu thuẫn".

Những gì Albag gặp phải chỉ là sự cố hiếm thấy ở Israel, nơi các gia đình con tin bị Hamas bắt cóc vẫn nhận được ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, điều khiến họ đau lòng hơn là chính phủ chưa có động thái mới để giải cứu người thân của họ đang bị giam ở Gaza.

Trong cuộc đột kích vào miền nam Israel ngày 7/10/2023, Hamas đã bắt cóc 251 người. 117 con tin đã được trở về nhà, trong đó có 105 con tin được trao đổi theo thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 11/2023. Israel tin rằng 63 con tin còn sống, 71 người đã chết, trong đó 34 thi thể vẫn ở Gaza.

Hy vọng giải cứu những con tin còn lại ngày một phai nhạt, khi các cuộc đàm phán ngừng bắn bế tắc và ngày càng nhiều con tin được cho là đã chết ở Gaza.

Từ trái qua phải: Aviva Siegel, Batsheva Yahalomi và Noam Peri cầm ảnh người thân bị Hamas bắt cóc từ tháng 10/2023. Ảnh: Guardian

Trong căn nhà mới ở ngôi làng gần Netanya, Batsheva Yahalomi vẫn ngóng trông tin chồng.

Gia đình Yahalomi đã sống ở làng Nir Oz, nơi khoảng 25% cư dân bị giết hoặc bị bắt cóc trong cuộc tấn công của Hamas. Chồng của cô là Ohad bị thương trong đợt tấn công đầu của nhóm vũ trang. Trong lúc hỗn loạn, cô và hai con gái đã bị lạc mất cậu con trai Eitan, khi họ được đưa về phía biên giới Gaza bằng xe máy.

Yahalomi cùng hai con gái may mắn trốn thoát, nhưng con trai Eitan và chồng Ohad đã bị nhóm người đàn ông bắt đi. Eitan được thả sau 16 ngày bị bắt cóc, nhưng thường bị mộng du vì ám ảnh về khoảng thời gian đó.

"Khi xung đột mới bắt đầu, tôi đã nghĩ rằng các vụ bắt cóc nghiêm trọng đến mức việc giải cứu họ là rất cấp bách", cô nói.

Giống nhiều gia đình có người thân bị bắt cóc, Yahalomi nhận thấy sự thay đổi trong lập trường của một nhóm người Israel sau khi hơn 100 con tin được thả theo thỏa thuận hồi tháng 11 năm ngoái. Thay vì nhiệt thành ủng hộ giải cứu con tin, một nhóm những người cực đoan đã chấp nhận thực tế rằng con tin bị giam ở Gaza và nhận định Israel cần theo đuổi những mục tiêu lớn hơn.

"Tất cả chúng tôi đều không ngờ cuộc chiến ở Gaza kéo dài như thế. Thật đáng sợ. Chúng tôi biết mỗi ngày trôi qua đều là địa ngục với những con tin còn bị giam", cô nói, thêm rằng những con tin đang "mất hy vọng".

Yahalomi cho biết các con cô luôn hỏi về cha: "Tại sao lại lâu như vậy? Liệu cha có trở lại hay không? Liệu cha còn sống hay không và nếu còn sống, cha bị đối xử như thế nào?".

Tin tức gần nhất về chồng mà cô có là vào tháng 1. Kể từ đó, có nhiều tuyên bố được gửi tới từ Gaza rằng anh đã bị giết. "Có những ngày tôi tràn đầy hy vọng, nhưng cũng có những ngày tôi không còn chút hy vọng nào. Tuy nhiên, thời gian càng lâu, càng khó để hy vọng", cô nói.

Tại trụ sở của Diễn đàn Các gia đình con tin và người mất tích ở Tel Aviv, Noam Peri nghe tin cha cô là Chaim, 79 tuổi, đã chết trong một đường hầm chật chội dưới lòng đất.

Từ lời kể của các con tin được thả và những thông tin khác, Noam biết cha cô có thể đã sống sót ở Gaza ít nhất 4 tháng sau khi bị bắt cóc. Cô cũng tin rằng chính phủ đã bỏ lỡ cơ hội cứu ông.

"Tôi không dám tưởng tượng những gì cha tôi đã trải qua. Ông ấy bị bắt, bị đưa lên xe máy và chuyển tới các đường hầm. Ngày 18/12 năm ngoái là lần cuối cùng chúng tôi biết thông tin ông còn sống, nhưng tới 3/6, tôi nhận được thông báo cha tôi đã bị giết", cô kể.

Noam kể về những cuộc gặp với các nhà ngoại giao và quan chức Israel, trong đó có Thủ tướng Netanyahu. "Người duy nhất tôi chưa gặp là lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar. Nếu tôi có giận chính phủ Israel, đó là bởi đây là bên duy nhất tôi có thể trông chờ", cô nói.

Noam cho rằng Israel đã bỏ lỡ cơ hội trong vài tuần sau thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên hồi tháng 11 năm ngoái.

"Chúng tôi đã ngây thơ, chúng tôi thấy thỏa thuận trao đổi con tin đã diễn ra và nghĩ rằng nếu cố gắng thêm một chút, gây thêm áp lực quân sự thì có thể trở lại bàn đàm phán", cô nói.

"Nhưng bây giờ tôi tức giận vì kết quả của áp lực quân sự. Nó đã giết cha tôi. Tôi không thể không tức giận vì cha tôi và nhiều con tin bị sát hại đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới áp lực đó".

Người biểu tình cầm ảnh con tin bị Hamas bắt cóc đứng bên ngoài nhà Thủ tướng Benjamin Netanyahu ở Jerusalem ngày 7/10. Ảnh: AP

Aviva Siegel từng là con tin bị giam ở Gaza trong 51 ngày trước khi được thả theo thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 11/2023. Tuy nhiên, Siegel đau đớn khi chồng bà là Keith Siegel vẫn chưa được giải cứu.

"Thời gian cứ thế trôi đi và ngày càng cạn dần. Mỗi ngày anh ấy sụt cân nhiều hơn và mất hy vọng. Thật đau đớn khi nghĩ tới điều kiện giam cầm khủng khiếp đó. Tôi đã ở đó 51 ngày và bị giảm 10 kg. Chúng tôi không biết tin gì cả. Tôi không biết liệu anh ấy có cô đơn không", bà nói. "Tôi nghĩ về cảm giác của mình khi ấy. Tôi đã mất hy vọng ra sao và thậm chí nghĩ mình sẽ bỏ mạng ở đó".

Giống nhiều thân nhân con tin khác, bà Siegel bất bình khi những tính toán chính trị đã ảnh hưởng tới nỗ lực giải cứu con tin.

"Tôi chịu đựng đủ rồi. Một năm là quá dài. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi muốn hỏi Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng tôi phải làm gì khi Keith vẫn còn ở đó", bà nói.

Khi xung đột giữa Israel và các đối thủ lan rộng ra ngoài Dải Gaza, nỗi lo lắng ngày càng lớn hơn.

"Tôi ngày càng lo lắng về những gì đang diễn ra. Tôi không biết điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới những con tin còn lại. Không ai nói với tôi rằng điều đó sẽ giúp đưa họ trở về. Tôi chỉ muốn nghe tin tốt. Tôi phát ốm khi mỗi ngày thức giấc đều nhận tin xấu", bà Seigel nói.

Thùy Lâm (Theo Guardian, Times of Israel)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020