Chuyên mục  


Xung đột giữa Israel và Iran đã leo thang nhanh chóng khi Tehran tối 1/10 khai hỏa gần 200 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ đối phương. Đây là cuộc tấn công trực diện thứ hai của Iran vào Israel trong 6 tháng qua.

Động thái của Tehran và tuyên bố đáp trả quyết liệt sau đó của Tel Aviv khiến nhiều người lo ngại nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện giữa hai cường quốc quân sự ở Trung Đông. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu nền kinh tế Iran có thể chịu đựng được một cuộc xung đột vũ trang kéo dài hay không, khi đã đối mặt với tình trạng lạm phát , thất nghiệp cao và đồng tiền mất giá.

Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu rất quan trọng với Iran. Bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran, nước này vẫn tiếp tục bán dầu ra nước ngoài.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết dầu mỏ mang về cho nước này hơn 35 tỷ USD trong năm 2023. Ông nói dù các đối thủ muốn ngăn Iran xuất khẩu dầu mỏ, "ngày nay chúng tôi có thể bán dầu đi bất kỳ nơi nào mình muốn với mức chiết khấu tối thiểu".

Công ty phân tích năng lượng Vortexa ước tính trong 5 tháng đầu năm nay, Iran đã bán trung bình 1,56 triệu thùng dầu mỗi ngày.

"Sản lượng dầu thô tăng, nhu cầu cao hơn từ Trung Quốc và quy mô lớn hơn của đội tàu dầu giúp tạo điều kiện thuận lợi cho Iran xuất khẩu", báo cáo hồi tháng 6 của Vortexa chỉ ra.

Người phụ nữ cầm cờ Iran trong cuộc diễu hành chống Israel ở thủ đô Tehran ngày 27/9. Ảnh: AP

Tổ chức phi lợi nhuận United Against Nuclear tại Mỹ ước tính đội tàu chở dầu của Iran có ít nhất 383 chiếc. Trong khi đó, đài truyền hình Iran International ở London cho biết Tehran bán dầu với mức chiết khấu lên tới 20% so với thị trường toàn cầu, nhằm bù đắp rủi ro mà người mua phải đối mặt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nhiều nhà quan sát cảnh báo nguồn thu từ dầu mỏ của Iran có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nước này xảy ra chiến tranh với Israel.

Một cuộc tấn công của Israel nhắm vào các cơ sở dầu mỏ Iran có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này và hạn chế lượng dầu xuất khẩu, theo giới quan sát. Ngoài ra, sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ dành cho Israel đồng nghĩa Washington có thể siết thêm lệnh trừng phạt với Iran.

Các biện pháp trừng phạt không chỉ nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran, mà còn ảnh hưởng tới khả năng thực hiện giao dịch tài chính quốc tế của nước này, khiến đồng rial tiếp tục mất giá.

Hiện tại, người Iran phải trả gần 580.000 rial để đổi một USD trên thị trường chợ đen. Vào thời điểm Iran ký thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc năm 2015 (JCPOA), một USD đổi được 32.000 rial.

Dù có nguồn thu ổn định từ dầu mỏ trong những năm gần đây, Iran vẫn còn cách rất xa vị thế cường quốc kinh tế thế giới. Iran có dân số khoảng 88 triệu người, gấp gần 10 lần so với Israel, song sản lượng kinh tế chỉ ở mức 403 tỷ USD, thấp hơn con số 509 tỷ USD của Israel.

Khác biệt trở nên rõ ràng hơn khi so sánh GDP bình quân đầu người giữa hai nước. Năm ngoái, GDP bình quân đầu người của Iran là 4.663 USD, trong khi Israel là 52.219 USD, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đối với tầng lớp trung lưu Iran, tình hình kinh tế đã xấu đi rõ rệt. "Mức sống của họ đã tụt hậu 20 năm do các lệnh trừng phạt", Djavad Salehi-Isfahani, giáo sư kinh tế tại Đại học Bách khoa Virginia, Mỹ, nhận xét.

"Một cuộc chiến với Israel sẽ đẩy Iran vào tình trạng căng thẳng kinh tế, có thể khiến chính phủ nước này phải cắt giảm ngân sách ở một số lĩnh vực khác và vấp làn sóng bất mãn của công chúng", Andreas Becker, nhà phân tích của DW, cảnh báo.

Tên lửa từ Iran phóng về Israel trên bầu trời tối 1/10. Ảnh: AP

Đối với nhiều người ủng hộ chính phủ Iran, cuộc tập kích tên lửa vào Israel là quyết định đáng tự hào. Tuy nhiên, một số khác cảm thấy lo ngại. Họ cho rằng cuộc tấn công là hành động khiêu khích không cần thiết và sẽ chỉ khiến cuộc sống của người dân thêm khó khăn.

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài bảo vệ đất nước, nhưng chúng tôi sẽ là những người phải gánh hậu quả", một cư dân thủ đô Tehran nói.

Sau cuộc tập kích của Iran, có nhiều đồn đoán rằng Israel sẽ trả đũa bằng cách tấn công các cơ sở dầu mỏ của nước này. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy dòng người Iran xếp dài ở trạm xăng để nạp nhiên liệu vì lo sợ nguy cơ thiếu hụt trong thời gian tới.

Việc Tổng thống Masoud Pezeshkian theo đường lối ôn hòa đắc cử hồi tháng 7 đã làm dấy lên nhiều hy vọng về tương lai cải thiện quan hệ giữa Iran với phương Tây và các nước trong khu vực, cũng như cải cách nền kinh tế.

Tuy nhiên, xung đột leo thang khiến nhiều người trở nên bi quan. Một số thậm chí cho rằng năng lực quân sự của Israel có thể khiến Iran đối mặt nguy cơ bị tàn phá nghiêm trọng nếu chiến tranh nổ ra.

"Không ai muốn chiến tranh, dù là người dân hay quan chức", một nhà bình luận Iran nói.

Thùy Lâm (Theo DW, BBC, IRNA)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020