Chuyên mục  


Nghị quyết do phái đoàn Palestine đệ trình được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua ngày 18/9 với 124 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 43 phiếu trắng. Trong số các nước phản đối có Israel và Mỹ, đồng minh thân cận của Tel Aviv.

Nghị quyết yêu cầu Israel "chấm dứt hiện diện bất hợp pháp" ở các vùng lãnh thổ Palestine và rút quân trong vòng 12 tháng, lâu hơn 6 tháng so với dự thảo, cũng như ngừng xây dựng các khu định cư mới, trả lại đất đai và tài sản đã tịch thu, cho phép hồi hương với những người dân Palestine phải di dời trước đó.

Đại hội đồng LHQ cũng kêu gọi các nước hướng tới ngừng cung cấp vũ khí cho Israel "khi có căn cứ hợp lý để nghi ngờ rằng số khí tài đó có thể được dùng ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine".

Cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ ở New York ngày 18/9. Ảnh: AFP

Riyad Mansour, đại sứ Palestine tại LHQ, gọi cuộc bỏ phiếu là bước ngoặt trong "cuộc đấu tranh giành công lý và tự do" của nhà nước Palestine.

Đại sứ Israel tại LHQ Danny Dason chỉ trích kết quả bỏ phiếu, gọi đây là "quyết định đáng xấu hổ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố ngoại giao của Palestine".

Nghị quyết được thông qua sau khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hồi tháng 7 tuyên bố sự hiện diện của lực lượng Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem là bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi Israel chấm dứt hành động chiếm đóng đã kéo dài nhiều thập kỷ tại các vùng lãnh thổ mà Palestine muốn xây dựng nhà nước trong tương lai.

Nghị quyết Đại hội đồng LHQ và phán quyết của ICJ và đều không mang tính ràng buộc, song có thể khiến Israel bị cô lập hơn nữa giữa lúc các lãnh đạo thế giới chuẩn bị tập trung tại New York để tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng LHQ vào tuần tới.

Thủ tướng Israel Benjamin Nentanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas dự kiến phát biểu tại kỳ họp.

Trong chiến tranh Trung Đông năm 1967, quân đội Israel đã chiếm giữ Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, những khu vực được coi là thuộc về Palestine. Israel sau đó xây dựng các khu định cư trên khắp Bờ Tây và không ngừng mở rộng chúng.

Israel cho rằng các vùng lãnh thổ này không bị chiếm đóng về mặt pháp lý do chúng là khu vực tranh chấp, song LHQ và hầu hết cộng đồng quốc tế coi đây là các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Israel rút quân đội và khu định cư khỏi Dải Gaza năm 2005 và Hamas kiểm soát khu vực này từ 2007.

Vị trí Bờ Tây và Jerusalem. Đồ họa: BBC

Phạm Giang (Theo AFP, CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020