Chuyên mục  


Thiết bị bay không người lái (drone) đang có ảnh hưởng rất lớn tại chiến trường Ukraine. Một số bình luận viên quân sự nhận định nó đã thay đổi vĩnh viễn diện mạo chiến tranh, khi khiến xe tăng, thiết giáp, những khí tài quy chuẩn trong bất kỳ cuộc chiến nào, trở nên lỗi thời.

Tuy nhiên, tại triển lãm quốc phòng Eurostat ở Paris hồi giữa tháng, tướng Pierre Schill, tham mưu trưởng lục quân Pháp, cho rằng lợi thế mà drone đang có trên chiến trường Ukraine chỉ mang tính "thời điểm" và sẽ không kéo dài. Tuy công nghệ chống drone hiện vẫn tụt hậu, sự phát triển của khoa học và chiến thuật sẽ sớm hạn chế, xóa bỏ sự thống trị của khí tài này.

Stuart Crawford, cựu sĩ quan lục quân Anh và hiện là nhà phân tích quốc phòng, cũng có quan điểm tương tự. Theo chuyên gia này, drone đang thành công trên chiến trường Ukraine vì nó lấp đầy cái mà ông gọi là "khoảng trống đe dọa", tức là lỗ hổng trong hệ thống hoặc chiến thuật phòng thủ mà trước đây chưa từng có mối đe dọa nào khai thác, khiến các bên bị bất ngờ.

Giờ đây, khi mọi người đều đã nhận thức rõ về sự nguy hiểm của drone, các giải pháp công nghệ được phát triển để ứng phó hiệu quả chỉ còn là vấn đề thời gian, Crawford nhận định.

Một số nhà báo chuyên về mảng quân sự ủng hộ quan điểm của Crawford và Schill, với dẫn chứng là Bayraktar TB2, mẫu drone cỡ lớn (UAV) trinh sát - tấn công giá 1-2 triệu USD do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Khi mẫu UAV này bắt đầu được Ukraine triển khai trên chiến trường vào những ngày đầu của cuộc xung đột, lực lượng Nga dường như không có biện pháp đối phó.

UAV Bayraktar TB2 trong ảnh đăng năm 2022. Ảnh: Baykar Defense

Bayraktar từng được ca ngợi là giải pháp thay thế hiệu quả cho tên lửa tầm xa và đạn pháo, đồng thời "miễn nhiễm" với hầu hết các loại vũ khí phòng không, cho đến khi chúng bắt đầu bị tên lửa đất đối không của Nga bắn hạ. Không lâu sau đó, Bayraktar và các mẫu UAV tương tự, bao gồm dòng Orion của Nga, gần như biến mất trên chiến trường.

Trong khi đó, các loại drone cỡ nhỏ, đặc biệt là dòng góc nhìn thứ nhất (FPV) tự sát, hiện vẫn được sử dụng phổ biến trong cuộc xung đột tại Ukraine. Chúng có giá thành rẻ, dễ sản xuất, có thể nhanh chóng phát hiện điểm tập kết của binh sĩ đối phương và chỉ thị mục tiêu để pháo binh tập kích một cách chính xác.

Drone FPV có khả năng nhắm vào mục tiêu di động một cách độc lập hoặc theo hình thức tấn công bầy đàn, khiến tiền tuyến trở thành vùng đất chết chóc với xe tăng và thiết giáp, những khí tài từng được coi là "bất khả xâm phạm" trừ khi phải đối mặt với các loại vũ khí chống tăng tốt nhất.

"Tuy nhiên, giống như mọi vũ khí và chiến thuật trong lịch sử, luôn có thứ gì đó xuất hiện để lật ngược tình thế. Điều này nhiều khả năng cũng sẽ xảy ra với drone", Steve Brown, người từng là chuyên gia về đạn dược và rà phá bom mìn của quân đội Anh, nhận định. "Hầu như tất cả các nhà sản xuất quốc phòng đều đang tìm cách cải tiến công nghệ chống drone".

thiet-giap-bradley-bung-chay-khi-trung-drone-fpv-nga-1718607579.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LfHXK5Jso3w2p1mdfx-4Ug
Thiết giáp Bradley bùng cháy khi trúng drone FPV Nga

Drone FPV của Nga tập kích loạt thiết giáp Ukraine trong video đăng hôm 17/6. Video: Zvezda

Brown liệt kê một số phương pháp đang và sẽ được áp dụng trong tương lai để chống drone trong cuộc xung đột tại Ukraine. Đầu tiên là tập kích phủ đầu các kho chứa và chuỗi cung ứng drone của đối phương, không cho chúng được triển khai ra chiến trường.

Ukraine đang tích cực áp dụng chiến thuật này. Hồi tháng 4, Kiev đã thực hiện cuộc tấn công tầm xa nhằm vào cơ sở lắp ráp UAV dạng Shahed tại thị trấn Yelabuga ở Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, cách biên giới với Ukraine hơn 1.200 km. Hôm 21/6, Ukraine được cho là đã đánh trúng một thao trường và nhà kho chứa UAV kiểu Shahed tại thị trấn Yeysk ở vùng Krasnodar của Nga.

Trong trường hợp drone của đối phương đã đến được tiền tuyến, hai bên có thể tìm cách xác định vị trí các điểm phóng để tấn công bằng đạn pháo, tên lửa, bắn hạ khi chúng đang bay hoặc dùng các biện pháp đối phó bằng điện tử để vô hiệu hóa hệ thống liên lạc và dẫn đường của drone.

Một trong số đó là Thiết bị Giám sát Drone (DME). Thiết bị này truyền tín hiệu đến drone địch rồi phân tích những gì phản hồi lại, qua đó phát hiện được sự hiện diện của drone, nhận diện chức năng, mẫu mã, đặc trưng kỹ thuật số của từng chiếc, xác định vị trí và có thể là cả bám bắt chúng theo thời gian thực.

Tiếp đó là Thiết bị Đối phó Drone (DCE). Nó được chia thành ba loại: phá hủy vật lý, vô hiệu hóa và chiếm kiểm soát. Phá hủy vật lý thường là khai hỏa đạn nhằm vào drone, song quân đội một số nước cũng đang phát triển khí tài có thể phát ra chùm tia năng lượng cao như điện từ công suất lớn (HPEM) hay laser để bắn hạ mối đe dọa này.

Drone FPV của Lữ đoàn Pháo binh số 42 Ukraine hôm 18/6. Ảnh: AFP

Trong khi đó, thiết bị gây nhiễu tần số vô tuyến, gồm các dạng cố định, di động và cầm tay, đang được cả Ukraine và Nga sử dụng một cách phổ biến để vô hiệu hóa drone đối phương. Các thiết bị này truyền sóng điện từ có cường độ lớn nhằm vào drone để gây gián đoạn tín hiệu điều khiển, khiến nó rơi tại chỗ, quay trở lại vị trí đã được lập trình trước hoặc bay chệch hướng ban đầu.

Để chiếm quyền kiểm soát drone địch, thiết bị giả mạo tín hiệu GPS là một phương án hiệu quả. Nó thay đổi tín hiệu liên lạc drone sử dụng để định hướng, khiến nó cho rằng mình đang ở vị trí khác. Một số thông tin cho thấy Ukraine có thể đang ứng dụng công nghệ này trên chiến trường.

Một công nghệ đang trong thời kỳ phát triển sơ khai là Hệ thống Chiếm quyền kiểm soát bằng tín hiệu (CPS). Công nghệ này có thể phát hiện một cách thụ động sóng vô tuyến do drone phát ra, xác định số serial của nó rồi dùng trí tuệ nhân tạo để xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát và điều hướng drone đến vị trí mong muốn.

Bên cạnh đó, Nga và Ukraine cũng tăng cường năng lực phòng vệ cho xe tăng, thiết giáp bằng các giải pháp mang tính tình thế, như lắp giáp lồng lên nóc tháp pháo, thường là vị trí yếu hại của các khí tài này. Moskva gần đây còn bọc giáp phủ kín hầu như toàn thân cho xe tăng theo dạng mai rùa, phương pháp từng phát huy hiệu quả trong giai đoạn đầu, khi Ukraine thiếu tên lửa, đạn pháo và phải phụ thuộc vào drone tự sát.

xe-tang-mai-rua-nga-dao-choi-trong-phong-tuyen-ukraine-1713515625.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WCCKPU7jpPKz8ZbUzDX1OQ
Xe tăng mai rùa Nga 'dạo chơi' trong phòng tuyến Ukraine

Xe tăng mai rùa Nga xâm nhập phòng tuyến Krasnogorovka trong video đăng ngày 17/4. Video: Telegram/Colonel Cassad

Ngoài ra, các mẫu xe tăng, thiết giáp thế hệ mới đang phát triển cũng dự kiến được gia cố giáp ở phần nóc, phía sau và hai bên sườn, bổ sung hệ thống phòng thủ chủ động (APS), hệ thống tác chiến điện tử cầm tay và thiết bị chiếu tia laser để đối phó mối đe dọa từ drone.

Theo chuyên gia Brown, drone nhiều khả năng sẽ dần đánh mất ưu thế chiến trường, song điều đó không đồng nghĩa khí tài này sẽ hoàn toàn biến mất, trong bối cảnh các nhà thầu quốc phòng cũng đang phát triển những mẫu thiết bị bay không người lái hiện đại và nhiều tính năng hơn để "chạy đua" với công nghệ chống drone.

Tập đoàn vũ khí Đức Rheinmetall mới đây cho biết đang phát triển bệ phóng drone kiểu container với 126 ống, mỗi ống có thể chứa một drone FPV "Hero" mang đầu đạn nổ lõm nặng 4,5 kg do Israel phát triển. Loại drone này có thể được phóng từng chiếc một hoặc theo loạt, tầm hoạt động tối đa 60 km, đủ để bao phủ một khu vực rộng lớn và áp đảo lưới phòng không của đối phương.

Phạm Giang (Theo Kyiv Post)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020