Chuyên mục  


Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam là thị trường quan trọng của BASF tại châu Á trong suốt 30 năm qua...

Trong chặng đường phát triển sắp tới, BASF cam kết sẽ nỗ lực cùng Việt Nam thực hiện quá trình xanh hóa nền kinh tế .VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Erick Contreras, Tổng Giám đốc BASF Việt Nam về những kế hoạch và dự định hợp tác với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong việc theo đuổi chính sách nâng cao chất lượng tăng trưởng và hướng tới tăng trưởng xanh, giảm phát thải và phát triển bền vững.

BASF1.jpgÔng Erick Contreras, Tổng Giám đốc BASF Việt Nam.

Kể từ khi thiết lập văn phòng đại diện tại TP.HCM vào năm 1994, đến nay, BASF đã hiện diện tại Việt Nam hơn 30 năm. Với ông, đâu là dấu ấn đáng nhớ trong chặng đường phát triển của doanh nghiệp tại thị trường này?

Bắt nhịp tiềm năng dồi dào và tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam, chúng tôi đã thành lập văn phòng đại diện BASF Singapore tại TPHCM năm 1994, tiếp đó là văn phòng chi nhánh tại Hà Nội năm 1996. Đến năm 2009, chúng tôi thành lập Công ty TNHH BASF Việt Nam và sau đó thực hiện việc mua lại các mảng kinh doanh chiến lược của một số công ty khác. Đây là những cột mốc quan trọng đầu tiên của BASF, thể hiện cam kết đồng hành phát triển cùng Việt Nam trong chặng đường cải cách và hội nhập kinh tế giai đoạn đầu.

Hoạt động kinh doanh của BASF tiếp tục được mở rộng và phát triển mạnh mẽ trong thập niên 2010 với việc thành lập các cơ sở hạ tầng khác như Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Polyurethane năm 2014 và Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang năm 2018. Qua đó, chúng tôi kịp thời đáp ứng nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cho các ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam như giày dép và nông nghiệp.

Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện nhiều chương trình gắn kết xã hội với ưu tiên phát triển giáo dục qua các hoạt động như chương trình Thí nghiệm vui BASF (BASF Kids' Lab), Phòng Thí nghiệm ảo BASF (BASF Virtual Lab), cải tạo trường học và xây dựng sân chơi, đem lại niềm vui và tạo động lực học tập cho hơn 40.000 trẻ em Việt Nam.

Từ năm 2020 đến nay, BASF Việt Nam tích cực triển khai Lộ trình Phát triển bền vững với trọng tâm chính là Quản lý phát thải carbon và Kinh tế tuần hoàn, phù hợp với chiến lược toàn cầu của BASF và Kế hoạch hành động quốc gia về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đến năm 2050 của Việt Nam. Qua các sáng kiến như chuỗi Hội thảo chuyên đề về phát triển bền vững, chúng tôi kết nối và khuyến khích nhân viên, khách hàng và đối tác trong chuỗi giá trị của nhiều ngành khác nhau cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và ứng dụng có tính bền vững.

Qua đó, chúng tôi nhận được nhiều dự án hợp tác và cơ hội kết nối các doanh nghiệp cùng chí hướng, đóng góp vào nỗ lực phát triển bền vững tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng là thành viên thường trực của các hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp ý kiến doanh nghiệp về thực hành bền vững và các chính sách liên quan cho chính phủ.

Trong thời kỳ thị trường có nhiều biến động những năm gần đây, chúng tôi hợp tác với khách hàng chặt chẽ hơn với phương châm khách hàng là trọng tâm, nỗ lực tìm hiểu nhu cầu và thách thức mà họ đang vướng mắc, từ đó kịp thời cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và giải pháp bền vững. Điều này vừa giúp chúng tôi chủ động phục vụ khách hàng hiệu quả, vừa hỗ trợ họ vượt qua các rào cản thương mại ngày càng khắt khe liên quan đến tính bền vững, đồng thời đạt được các mục tiêu kinh doanh. Ví dụ, dòng nhựa kỹ thuật Ultramid® của BASF có thể sử dụng để thay thế 15 linh kiện thép cho ngành sản xuất chế tạo ô tô, giảm 30% trọng lượng, tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn và theo đó giảm phát thải. Sản phẩm này giúp khách hàng giảm lượng khí thải carbon và giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hóa thạch hạn chế.

Song song với các nỗ lực trên, BASF luôn đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên để họ kịp thời trang bị và ứng dụng thành thạo kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng kỹ thuật số mới nhất. Qua các chương trình cố vấn, đào tạo chuyên sâu, luân chuyển công việc nội bộ và phát triển dự án, chúng tôi xây dựng một đội ngũ chuyên gia vững mạnh, chuyên nghiệp, có năng lực để tạo ra những thay đổi tích cực và giá trị cho khách hàng.

BASF2.jpgBASF Việt Nam thực hiện nhiều chương trình gắn kết xã hội như cải tạo trường học và xây dựng sân chơi cho trẻ em.

Trong chặng đường này, ông nhận định như thế nào về những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam trong việc theo đuổi chính sách nâng cao chất lượng tăng trưởng và hướng tới tăng trưởng xanh, giảm phát thải và phát triển bền vững?

Việt Nam là một thị trường quan trọng của BASF ở châu Á, thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ, và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương như EVFTA1 và RCEP2. Điều này đem đến nhiều cơ hội thuận lợi để tiếp cận các thị trường quan trọng như châu Âu, Hoa Kỳ, đồng thời cũng khiến doanh nghiệp gặp phải các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế về quy chuẩn chất lượng, sức khỏe, an toàn và môi trường.

Cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26 thể hiện sự chuyển biến tích cực. Luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 là những đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc hơn các quy định về môi trường và sử dụng nguồn năng lượng sạch. Hơn nữa, Việt Nam đang tích cực học hỏi và điều chỉnh chính sách theo các thông lệ và kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất từ các thị trường phát triển. Cách tiếp cận này khuyến khích áp dụng các công nghệ 'xanh hơn' nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi đáng kể trong việc áp dụng các giải pháp sáng tạo và bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều công ty đã bắt đầu áp dụng các nguyên tắc Môi trường, Xã hội & Quản trị Doanh nghiệp (ESG) trong hoạt động kinh doanh, thúc đẩy sản xuất có trách nhiệm và tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm như BASF đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Thông qua các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn và tăng cường quan hệ đối tác hợp tác, chúng tôi đang thúc đẩy lộ trình thực hiện các mục tiêu bền vững tại Việt Nam.

BASF3.jpgBASF đồng hành với nhiều doanh nghiệp trong hành trình 30 năm hoạt động tại Việt Nam.

Để Việt Nam có thể theo đuổi và thực hiện những cam kết tại COP 26, ông có những khuyến nghị gì cho Chính phủ Việt Nam? Điểm mấu chốt để thực hiện thành công, theo ông, là những vấn đề nào?

Để hiện thực hóa các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam nên tập trung ưu tiên cho những điểm hành động trọng tâm.

Thứ nhất, cần thiết lập khung pháp lý rõ ràng, nhất quán cùng các chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp châu Âu và các công ty đa quốc gia cam kết Net Zero. Chúng tôi cũng mong rằng các công ty lớn trong nước tuân thủ và thực hiện chặt chẽ hơn nữa các chính sách môi trường hiện có, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp hỗ trợ kịp thời cho các công ty khởi nghiệp, công ty vừa và nhỏ trong giai đoạn chuyển đổi, hướng tới các thực hành bền vững.

Việc chính phủ phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp như EuroCham và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt thông tin doanh nghiệp và trao đổi chuyên môn, hỗ trợ hoạch định các quy định, chính sách có hiệu quả hơn.

Thứ hai, nâng cao năng lực và nhận thức là những yếu tố then chốt. Chúng tôi khuyến nghị chính phủ tổ chức các buổi trao đổi và đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan chính phủ, hiệp hội nước ngoài và các diễn đàn doanh nghiệp trong nước để tận dụng tối đa các nguồn lực, thế mạnh và nỗ lực tập thể hiện có.

Là một công ty hóa chất hàng đầu thế giới và là doanh nghiệp tiên phong thực hiện cam kết phát triển bền vững, BASF không chỉ cung cấp các sản phẩm và giải pháp có tính bền vững mà còn chủ động chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn cho các đối tác và doanh nghiệp của ngành công nghiệp khác nhau. Bằng cách phối hợp hiệu quả nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và chính sách của chính phủ, chúng ta có thể tạo ra một môi trường hợp tác tích cực, giúp Việt Nam thực hiện các cam kết Net Zero và đạt tăng trưởng bền vững.

BASF4.jpgVật liệu polyurethane của BASF đem đến sự thoải mái, linh hoạt trong thiết kế, và đảm bảo an toàn cho các sản phẩm giày dép.

Trong tiến trình xanh hóa nền kinh tế, BASF sẽ có đóng góp hay hợp tác gì với Chính phủ hay Việt Nam để cùng thực hiện mục tiêu này?

Qua việc cung cấp các sản phẩm và giải pháp bền vững, BASF cam kết hỗ trợ chính phủ Việt Nam và khách hàng vượt qua các rào cản liên quan đến tính bền vững.

Đối với người nông dân, chúng tôi cung cấp các sản phẩm tiên tiến và giải pháp kỹ thuật số giúp nâng cao sức khỏe cây trồng, đồng thời tăng năng suất và lợi nhuận cho các loại cây trồng chủ lực như gạo, trái cây và rau quả.

Chúng tôi cũng có các dòng sản phẩm như vật liệu pin cho xe điện và các giải pháp sơn phủ tăng độ bền và giảm tác động khắc nghiệt của thời tiết cho tuabin gió giúp phát triển ngành xe điện và năng lượng tái tạo. Vật liệu polyurethane của BASF đem đến sự thoải mái, linh hoạt trong thiết kế, và đảm bảo an toàn cho các sản phẩm giày dép. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp các chất phụ gia giúp cải thiện độ bền và khả năng tái chế của nhựa, giải quyết thách thức về quản lý rác thải nhựa, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. BASF sử dụng các nguyên liệu tái tạo như chôm chôm trồng tại Việt Nam để tạo ra nguyên liệu sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân chất lượng cao, có tác động tích cực đến lao động địa phương và môi trường.

Là thành viên đồng sáng lập của Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW), chúng tôi hỗ trợ dự án ‘Thành phố sạch, Việt Nam xanh', tập trung vào các giải pháp có thể mở rộng quy mô để giảm rác thải không được quản lý và tăng khả năng tái chế các thành phần có trong vật liệu phế thải. BASF cũng là thành viên của hiệp hội Cùng nhau phát triển tính bền vững (TfS), thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) trong ngành hóa chất. Chúng tôi quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt giảm thải ở Phạm vi 3, và giới thiệu hệ thống tính dấu chân carbon sản phẩm (PCF) để giúp các doanh nghiệp xác định, theo dõi và giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu cần tuân thủ các tiêu chí khắt khe về tính bền vững.

Qua việc tăng cường hợp tác và đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp như Ủy ban tăng trưởng xanh của Eurocham và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi đóng góp ý kiến doanh nghiệp cho các nhà hoạch định chính sách và cùng nhau thúc đẩy lộ trình phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn, hướng tới một tương lai bền vững hơn cho Việt Nam.

Anh Nhi

(VnEconomy)

Tin 24H

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020