Chuyên mục  


Hàng chục triệu cử tri Pháp ngày 30/6 bỏ phiếu vòng đầu tiên để bầu 577 nghị sĩ quốc hội cho nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc bầu cử diễn ra sau khi Tổng thống Emmanuel Macron ngày 9/6 giải tán quốc hội, với tính toán rằng cử tri Pháp sẽ giúp ông ngăn đà trỗi dậy của phe cực hữu.

Các đơn vị thăm dò ước tính tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử năm nay khoảng 67,5-69,7%, cao hơn nhiều so với mức 47,5% trong cuộc bầu cử năm 2022. Nhưng số cử tri đi bầu cao không mang lại niềm vui cho Tổng thống Macron.

Kết quả bầu cử vòng một được Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 1/7 cho thấy đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen cùng các đồng minh giành được 33% phiếu bầu, Mặt trận Bình dân Mới (NFP) theo xu hướng cánh tả giành được 28%, còn liên minh trung dung cầm quyền của Tổng thống Macron chỉ về thứ ba với 20% phiếu bầu.

Kết quả phần nào cho thấy ván cược của ông Macron đang phản tác dụng, khiến ông có thể "mất cả chì lẫn chài". Liên minh trung dung cầm quyền của ông nhiều khả năng sẽ mất thế đa số tại quốc hội, khiến Thủ tướng Gabriel Attal do ông bổ nhiệm mất chức. Vị thế Tổng thống của Macron không bị ảnh hưởng, nhưng quyền lực của ông chủ Điện Elysee sẽ bị suy giảm đáng kể trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ nếu phe cực hữu thành lập được chính phủ.

Vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ diễn ra ngày 7/7 và RN được dự báo sẽ giành được 230-280 ghế tại quốc hội, tăng đáng kể từ mức 88 ghế hiện nay. NFP nhiều khả năng nhận được 125-165 ghế, còn liên minh cầm quyền của ông Macron nhận 70-100 ghế.

Bà Le Pen ngày 30/6 nói cử tri Pháp cần giúp RN giành thế đa số áp đảo trong vòng hai, để chủ tịch RN Jordan Bardella có thể trở thành thủ tướng.

"Chúng ta vẫn chưa chiến thắng và vòng hai mới mang tính quyết định", bà Le Pen phát biểu trước người ủng hộ. "Chúng ta cần thế đa số tuyệt đối để Tổng thống Macron trong 8 ngày tới bổ nhiệm Bardella làm thủ tướng".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điểm bỏ phiếu ở Le Touquet, miền bắc Pháp ngày 30/6. Ảnh: AFP

Bà Le Pen thắng áp đảo ghế nghị viện tại quê nhà Henin-Beaumont, miền bắc Pháp. Chị bà là Marie-Caroline Le Pen cũng về nhất tại vùng Sarthe, miền tây Pháp, vốn là thành trì của các ứng viên trung hữu.

"Người dân Pháp gần như đã xóa bỏ 'khối Macron'", bà Le Pen nói. "Kết quả cho thấy cho thấy họ đã sẵn sàng sang trang mới".

Theo giới quan sát, Le Pen không vội vàng, bởi bất kể RN có thắng hay không trong vòng hai, bà vẫn sẽ có vị thế thuận lợi để nhắm đến ghế tổng thống Pháp vào năm 2027. Bà từng tranh cử năm 2017 và 2022, nhưng thất bại trước ông Macron. Do hiến pháp quy định một tổng thống Pháp chỉ có thể đảm nhiệm hai nhiệm kỳ, ông Macron sẽ không thể tiếp tục tái tranh cử.

Thất bại trong ván cược của Tổng thống Macron rõ ràng đến mức Chủ tịch RN Bardella không còn coi phe trung dung là đối thủ. Thay vào đó, ông này đang tăng cường công kích phe cánh tả đang ở vị trí số hai, nhằm giành chiến thắng áp đảo trong vòng bầu cử tiếp theo.

"NFP là mối đe dọa hiện hữu với đất nước chúng ta", ông Bardella nói. Chủ tịch RN cáo buộc NFP muốn giải giáp cảnh sát để mở cửa biên giới Pháp cho người nhập cư và "không có ranh giới đạo đức". "Giờ là lúc để trao quyền lực cho những lãnh đạo hiểu, quan tâm đến các bạn".

Vài nghìn người phản đối RN đã tập trung tại quảng trường Republique ở Paris tối 30/6. Najiya Khaldi, giáo viên 33 tuổi, cảm thấy "ghê tởm, buồn và lo sợ" khi RN giành kết quả áp đảo trong cuộc bầu cử.

"Tôi thường không tham gia biểu tình", Khaldi nói với Reuters. "Tôi nghĩ mình đến đây để tự trấn an bản thân, để cảm thấy không đơn độc".

Quyết định tổ chức bầu cử sớm của ông Macron đã gây thất vọng trong chính nội bộ liên minh cầm quyền. Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire và cựu thủ tướng Edouard Philippe đều công khai chỉ trích ông chủ Điện Elysee. Nhiều ứng viên trung dung cũng từ chối đưa hình ảnh ông Macron lên biểu ngữ tranh cử của mình.

Ông Macron dường như cố né tránh nói đến thất bại trong vòng bầu cử đầu tiên. Phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ, ông chỉ nói rằng tỷ lệ cử tri đi bầu cao trong vòng một đã cho thấy "tầm quan trọng của cuộc bầu cử sớm và mong muốn làm rõ tình thế chính trị của người dân".

Ông tiếp tục đặt hy vọng vào vòng hai, kêu gọi người dân Pháp "đoàn kết" để xây dựng một liên minh vững chắc đối mặt với RN trong vòng bỏ phiếu quan trọng này.

Năm 2017 và 2022, liên minh của ông Macron được coi là "hàng rào" ngăn phe cực hữu trỗi dậy, nhưng rào chắn đó giờ đây đã suy yếu đáng kể và nhiều khả năng phải dựa vào phe cánh tả NFP để đảm bảo đảng cực hữu RN không thể lên nắm quyền.

"NFP giờ đây được coi là bức tường chặn phe cực hữu hiệu quả hơn", Mathias Bernard, hiệu trưởng Đại học Clermont Auvergne, Pháp, nhận định.

Lãnh đạo đảng cực tả Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen trả lời phỏng vấn tại Boulogne-Billancourt, ngoại ô Paris ngày 10/6. Ảnh: AP

Một số chiến thuật để chặn đà trỗi dậy của phe cực hữu đã được đưa ra. NFP nói họ sẽ rút ứng viên tại những điểm bầu cử nơi họ chỉ về thứ ba, nhằm dồn phiếu ủng hộ chính trị gia khác đối phó phe cực hữu. Liên minh trung dung cầm quyền cũng sẵn sàng rút ứng viên ở những khu vực không nhiều triển vọng để chặn RN.

Nếu phe trung dung không hội đủ đa số ghế quốc hội, ông Macron sẽ phải bổ nhiệm thủ tướng đến từ cánh chính trị khác. Tình huống này được gọi là "chính quyền chung sống", trong đó chính phủ sẽ thực thi chính sách khác với kế hoạch của tổng thống, do các bên theo đường lối khác nhau.

Lịch sử Pháp hiện đại đã trải qua ba "chính quyền chung sống", gần nhất là dưới thời tổng thống bảo thủ Jacques Chirac và thủ tướng từ đảng xã hội Lionel Jospin từ năm 1997 đến 2002.

Thủ tướng chịu trách nhiệm trước quốc hội, dẫn dắt chính phủ và đưa ra các dự luật về kinh tế, xã hội. "Trong trường hợp chung sống, các chính sách được triển khai về cơ bản là của thủ tướng", theo nhà sử gia chính trị Jean Garrigues.

Dù quyền lực trong nước bị suy yếu, Tổng thống Pháp vẫn nắm quyền về chính sách đối ngoại, quốc phòng và vấn đề châu Âu, do ông phụ trách đàm phán và thông qua các hiệp ước quốc tế. Tổng thống cũng là tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, là người nắm giữ mã hạt nhân.

"Tổng thống có thể chặn hoặc tạm đình chỉ triển khai một số chính sách của thủ tướng, do ông có quyền ký hoặc không ký sắc lệnh chính phủ", Garrigues lập luận. "Nhưng khi đó, thủ tướng có quyền đệ trình những sắc lệnh này lên quốc hội để vượt quyền mà tổng thống không thể làm gì".

Như Tâm (Theo Politico, AP, CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020