Chuyên mục  


base64-1718898799891666954503.jpeg

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - phó cục trưởng Cục A05, Bộ Công an - trao đổi tại hội nghị trực tuyến - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ngày 20-6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm 2023 và được xác định 3 mục đích xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng dạy và học ở phổ thông và cho phép các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Với áp lực của một kỳ thi ba mục đích, trong đó có việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, nên vấn đề chống gian lận thi cử vẫn là nhiệm vụ quan trọng của kỳ thi này.

Các thiết bị tinh vi được kết nối với tai nghe camera, thậm chí cài kỹ trong đế giày rất khó phát hiện.
Thiếu tướng LÊ MINH MẠNH (phó cục trưởng Cục A05, Bộ Công an)

Dùng AI để gian lận thi tốt nghiệp

Tại hội nghị, thiếu tướng Lê Minh Mạnh - phó cục trưởng Cục A05, Bộ Công an - chia sẻ việc vi phạm gian lận thi cử ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh AI tham gia sâu vào đời sống, ở nhiều quốc gia đã có tình trạng sử dụng AI vào gian lận thi cử. Vì thế, ở kỳ thi tới đây cũng là vấn đề cần đề cao cảnh giác và có các biện pháp đối phó.

"Các thiết bị tinh vi được kết nối với tai nghe camera, thậm chí cài kỹ trong đế giày rất khó phát hiện" - thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết.

Tập huấn để phát hiện thiết bị gian lận tinh vi là một nội dung quan trọng và được quan tâm nhất trong các đợt tập huấn cho cán bộ làm công tác coi thi, giám sát ở các địa phương. Nhưng đây cũng là điều được các địa phương chia sẻ là khó khăn lớn, nỗi trăn trở lo âu của các ban chỉ đạo thi.

Nhiều địa phương đã mời cán bộ an ninh tập huấn trực tiếp, phát tài liệu, chiếu video cho cán bộ nghiên cứu. Có tỉnh đúc kết các tình huống thực tế thành "cẩm nang" cho giám thị, giám sát nhưng vẫn canh cánh nỗi lo.

Tại Lào Cai, Yên Bái và cả Hà Nội, lãnh đạo các sở GD-ĐT đều cho biết cán bộ giáo viên không thể có năng lực, nghiệp vụ như công an để phát hiện thiết bị quá tinh vi. Mặc dù khi tập huấn đã được phổ biến nhưng thực tế có thể có các thiết bị mới hơn, tinh vi hơn, các tình huống khó lường hơn.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội còn lo ngại có các thiết bị có thể phát thông tin trong khoảng cách hơn 25 mét. Với trường hợp này, khu vực để đồ dùng của thí sinh cách phòng thi 25 mét vẫn chưa đảm bảo.

Áp lực với… tin đồn

Ngoài việc gian lận, việc phát tán tin đồn cũng là vấn đề khiến các địa phương chịu áp lực. Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hạnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ băn khoăn: "Bao giờ cũng vậy, tỉnh chỉ đạo rất sâu sát nhưng vẫn có những thông tin chưa được kiểm chứng, có khi chỉ là tâm tư của phụ huynh, đăng lên không gian mạng gây hoang mang dư luận".

"Ban chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT nên chỉ đạo lực lượng chức năng sớm chủ động rà soát tất cả những thông tin trên mạng và yêu cầu xử lý nghiêm nếu như đưa thông tin gây dư luận không tốt về kỳ thi", bà Hạnh kiến nghị.

Ông Lê Minh Mạnh cho biết cán bộ an ninh ở các địa phương đã phối hợp tốt với ban chỉ đạo thi các tỉnh thành trong việc tập huấn cho cán bộ làm công tác thi và hiện tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý những tình huống phát sinh.

Tuy nhiên vẫn có một số địa phương chưa hiểu đúng về quy định nơi để đồ dùng, tư trang của thí sinh trong khoảng cách tối thiểu là 25 mét. Ông Mạnh cho rằng các đơn vị tổ chức thi linh hoạt áp dụng quy định, nhưng phải đảm bảo khoảng cách ít nhất là 25 mét hoặc xa hơn để nâng cao hiệu quả ngăn ngừa.

Bên cạnh đó, các điểm thi nên bố trí khu vực để xe của thí sinh ở bên ngoài điểm thi, đồng thời phối hợp với công an xã, phường tuyên truyền cho các nhà dân xung quanh điểm thi nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho hành vi tiêu cực.

Theo thiếu tướng Lê Minh Mạnh thì khâu tuyên truyền rất quan trọng. Ngoài việc phổ biến kỹ quy chế, trong đó có quy định về trách nhiệm của thí sinh, những vật dụng được và không được mang vào phòng thi, các địa phương nên tuyên truyền để thí sinh hạn chế mang đồ dùng cá nhân vào trong khu vực thi.

Ông Mạnh cũng cho rằng công an của các đơn vị, địa phương trong thời gian tới tập trung phát hiện, xử lý nghiêm hiện tượng tiêu cực, triệt xóa các đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử, xử lý nghiêm tình trạng đăng tin thất thiệt gây hoang mang dư luận

Hỗ trợ học sinh khó khăn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng kỳ thi phải được tổ chức an toàn, nghiêm túc. Trong đó, ông Thưởng nhấn mạnh đến phương châm "vì học sinh", đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, không để một thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông mà không đến được điểm thi.

"Quan điểm thi cử phải nghiêm túc. Nhưng nghiêm túc mà không căng thẳng một cách thái quá phải có sự chu đáo, ân cần, thân thiện", ông Thưởng nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhắc đến cụm từ "tuyệt đối an toàn" bao gồm an toàn về bảo quản, in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi; an toàn về vệ sinh thực phẩm; an toàn về phòng chống cháy nổ; an toàn về điện nước; an toàn giao thông…

Chức năng an toàn này ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi vị trí cần được cụ thể hóa, phân công trách nhiệm, rõ về nội dung và phương pháp chỉ đạo.

Lưu ý thời tiết bất thường

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý tình hình thời tiết khí hậu có thể diễn biến bất thường như thiên tai lũ lụt, mất điện nước. "Việc này phải có phương án dự phòng, có tiên lượng trước. Ví dụ như về vấn đề thời tiết, chúng ta phải có những phương án dự phòng về thời tiết vào những hôm diễn ra kỳ thi. Thậm chí có những phương án dự phòng cho cả điểm thi, phòng thi nếu có nguy cơ cao chịu tác động của biến đổi thời tiết" - ông Phạm Ngọc Thưởng lưu ý.

TP.HCM: thí sinh xã đảo Thạnh An vào đất liền dự thi

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết năm nay TP.HCM có hơn 90.000 thí sinh dự thi tại 162 điểm thi. Việc bố trí các điểm thi cũng rất thuận lợi. TP.HCM có một xã đảo ở huyện Cần Giờ. TP bố trí cho các em thí sinh vào đất liền để thuận tiện đi lại, tham gia kỳ thi.

TP.HCM đã lập Ban chỉ đạo kỳ thi gồm lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức và đã quán triệt tinh thần, nhiệm vụ của các sở ngành, quận huyện. Đặc biệt là sự phối hợp của Sở GD-ĐT TP.HCM với Công an TP đảm bảo an ninh từ các điểm thi, in sao đề thi, chuyển đề thi và bài thi hằng ngày đến các điểm thi.

Trong thời gian qua, TP.HCM cũng thực hiện kế hoạch kỳ thi tốt nghiệp THPT ổn định theo hướng giao đề hằng ngày, nhận bài buổi sáng và buổi chiều, không để bài thi ở điểm thi.

base64-17188988661101907339082.jpeg

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cũng tại hội nghị, Sở GD-ĐT TP.HCM có hai kiến nghị gửi đến Bộ GD-ĐT. "Đây là kỳ thi cuối cùng của chương trình phổ thông 2006 nhưng phần mềm chấm thi vẫn còn hạn chế.

Thí sinh với số lượng khoảng 100.000 nhưng chúng ta vẫn xử lý thủ công với những học sinh vắng. Phần mềm như vậy khiến cho công tác chấm thi gặp khó khăn" - ông Hiếu kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét cải tiến cho năm sau.

Mặt khác, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng mong muốn Bộ GD-ĐT xem xét đến chế độ của những cán bộ, giáo viên làm công tác thanh tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

"Trong khi những cán bộ, giáo viên làm công tác chấm thi, coi thi được chấm chế độ từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày/người nhưng thanh tra vẫn theo thông tư 40 thì rất thấp. Khi quy đồng lực lượng tham gia các khâu của thanh tra, kiểm tra kỳ thi thì có sự tâm tư" - ông Hiếu nêu kiến nghị.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020