Chuyên mục  


Khi Donald Trump từ chối thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, ông và các đồng minh đã dẫn đầu một nỗ lực hỗn loạn nhằm lật ngược kết quả, phát tán những thuyết âm mưu, đệ đơn kiện và thúc đẩy các cuộc biểu tình "chống gian lận phiếu bầu", với đỉnh điểm là cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/10/2021.

4 năm sau, ông Trump vẫn từ chối cam kết chấp nhận kết quả nếu thất cử. "Nếu mọi thứ đều trung thực, tôi vui lòng chấp nhận kết quả. Nếu không, bạn phải đấu tranh vì quyền lợi đất nước", ông tuyên bố hồi tháng 5.

Tuyên bố của Trump làm dấy lên lo ngại rằng nếu ông thua trong cuộc bầu cử tháng tới, ứng viên đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ phản kháng, nhưng nỗ lực lần này sẽ không còn hỗn loạn như hồi năm 2020.

Cựu tổng thống và các đồng minh đã dành 4 năm qua để đặt nền móng cho một nỗ lực có tổ chức hơn, được tài trợ tốt hơn và quy mô lớn hơn nhiều để phản đối kết quả nếu cuộc bỏ phiếu không diễn ra theo ý ông.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử ở Duluth, Georgia, hôm 23/10. Ảnh: AFP

Theo điều tra của Wall Street Journal, một mạng lưới bí mật gồm các tỷ phú bảo thủ và nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hòa đã miệt mài thúc đẩy nỗ lực này, trao hơn 140 triệu USD cho gần 50 nhóm đang đấu tranh vì cái mà họ gọi là "tính toàn vẹn của cuộc bầu cử". Trong số các bên tài trợ có những tổ chức liên kết với các tỷ phú như Richard và Elizabeth Uihlein ở Wisconsin hay David Green, nhà sáng lập hãng bán lẻ Hobby Lobby.

Phân tích của WSJ về hồ sơ thuế và tài chính chiến dịch cho thấy hoạt động gây quỹ của các nhóm "chống gian lận bầu cử" đã tăng vọt trong những năm gần đây. Rất nhiều trong số họ là những nhóm không bắt buộc phải công bố danh tính nhà tài trợ.

Các nhóm có liên hệ với gia đình Uihlein, tỷ phú ngành vận tải ở Wisconsin, đã quyên góp hơn 34 triệu USD kể từ năm 2020 cho những tổ chức tự nhận là có sứ mệnh đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.

Một quỹ được tỷ phú David Green tài trợ đã quyên góp 7 triệu USD cho nỗ lực "chống gian lận bầu cử". Hai tổ chức phi lợi nhuận trong mạng lưới các nhóm do nhà hoạt động tư pháp bảo thủ Leonard Leo điều hành cũng đóng góp hơn 4,7 triệu USD.

Donors Trust, Bradley Impact Fund hay Lynde and Harry Bradley Foundation, những nhà tài trợ ủng hộ các nhóm vì tính toàn vẹn bầu cử, cũng góp tới 48 triệu USD.

Jason Snead, giám đốc điều hành Dự án Bầu cử Trung thực, cho biết nhóm này đang hành động nhằm đảm bảo an ninh bầu cử và đối phó với cái mà ông gọi là "nỗ lực kéo dài nhiều năm do đảng Dân chủ dẫn đầu nhằm thay đổi cách thức điều hành bầu cử".

Đại diện Bradley Foundation cho hay các khoản quyên góp của họ nhằm mục đích hỗ trợ những sứ mệnh chung do nhóm đặt ra, trong đó có việc bảo vệ "tính toàn vẹn của cuộc bầu cử".

Donors Trust, quỹ cho phép những nhà tài trợ ẩn danh chuyển tiền tới các tổ chức cụ thể, không đưa ra lập trường chính sách. Nhà Uihlein không trả lời yêu cầu bình luận.

Tỷ phú Patrick Byrne, cựu CEO của hãng bán lẻ trực tuyến Overstock, người ủng hộ các khiếu nại về gian lận bầu cử năm 2020, cho hay ông đã quyên góp 60 triệu USD cho các nỗ lực đảm bảo tính toàn vẹn bầu cử, trong đó có một khoản cho America Project, tổ chức phi lợi nhuận được ông thành lập cùng Mike Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump.

Byrne cho rằng Tổng thống Joe Biden chỉ có được chiến thắng từ một "cuộc bầu cử giả", đồng thời kêu gọi phải hành động nhiều hơn nữa để chống gian lận bầu cử trong năm nay.

Trước tháng 3/2020, Quỹ Phụng sự, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Kansas, đã chi hàng trăm triệu USD tiền tài trợ cho các tổ chức tôn giáo. Tổ chức này chỉ trao 11.000 USD cho một tổ chức mới thành lập mang tên Viện Đối tác Bảo thủ, nhằm mục đích hỗ trợ những người bảo thủ.

Nhưng trong năm 2021, khi Viện Đối tác Bảo thủ ra mắt Mạng lưới Toàn vẹn Bầu cử nhằm "đảm bảo tính hợp pháp của mọi lá phiếu", các khoản quyên góp của Quỹ Phụng sự cho tổ chức này đã tăng vọt.

Quỹ Phụng sự, được tài trợ một phần bởi tỷ phú Green, đã trao một triệu USD trong năm 2022 và 5,4 triệu USD vào năm kế tiếp cho Viện Đối tác Bảo thủ. Quỹ đồng thời quyên góp thêm 700.000 USD cho ba nhóm khác tự mô tả là có nhiệm vụ tập trung vào tính toàn vẹn của cuộc bầu cử và chống gian lận phiếu bầu.

Cựu CEO Overstock Patrick Byrne tại Washington tháng 12/2022. Ảnh: AFP

Người đứng đầu Mạng lưới Toàn vẹn Bầu cử thuộc Viện Đối tác Bảo thủ là Cleta Mitchell, luật sư lâu năm của đảng Cộng hòa, người đã tham gia cuộc điện thoại vào tháng 1/2021, trong đó Trump thúc giục tổng thư ký bang Georgia "tìm" khoảng 12.000 phiếu bầu để ông thắng cử ở bang này.

Các nhóm như Mạng lưới Toàn vẹn Bầu cử trong 4 năm qua đã tăng cường giám sát hoạt động đăng ký cử tri, xúc tiến các vụ khiếu kiện nhắm vào giới chức bầu cử địa phương, đồng thời lôi kéo các chính trị gia có cùng chí hướng ở cấp bang và địa phương, những người sẽ ủng hộ nỗ lực phản đối kết quả bỏ phiếu.

Điều đó được thể hiện rõ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 tại hạt Maricopa, bang chiến trường Arizona. Luật sư Mitchell lúc bấy giờ cho biết các giám sát viên của Mạng lưới Toàn vẹn Bầu cử đã được cử đến tất cả điểm bỏ phiếu tại hạt này.

16 ngày sau, nhóm đăng trên trang web của mình một báo cáo dài 50 trang, liệt kê những gì họ gọi là "thất bại về công nghệ, trang thiết bị, cách thức quản lý và lãnh đạo ở mức độ nghiêm trọng" trong cuộc bầu cử. Mitchell cáo buộc những điều này đã "cướp đi tiếng nói chính trị của vô số cử tri".

Người phát ngôn văn phòng lưu trữ Maricopa, nơi xử lý một phần thủ tục bầu cử của hạt, cho hay bà không biết về báo cáo của Mạng lưới Toàn vẹn Bầu cử và cũng không có bất kỳ bằng chứng nào về tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Nhiều viên chức bầu cử lo ngại các động thái của mạng lưới "chống gian lận bầu cử" do các tỷ phú hậu thuẫn có thể gây hỗn loạn tại các điểm bỏ phiếu và nhầm lẫn về kết quả. Điều này từng xảy ra năm 2020, khi Trump tự tuyên bố "chúng ta đã thắng cuộc bầu cử này" dù phiếu bầu chưa được kiểm xong.

Trong vài năm qua, mạng lưới "chống gian lận bầu cử" đã chi hàng chục triệu USD cho các bang chiến trường như Georgia, nơi các nghị sĩ Cộng hòa đã thực hiện loạt thay đổi về pháp lý và quy tắc, có thể khiến cuộc bầu cử năm nay trở nên khó quản lý hơn.

Ba thành viên Hội đồng Bầu cử bang Georgia gần đây đã thúc đẩy thông qua các quy định bỏ phiếu mới, được Trump và Mitchell khuyến khích, trong đó có lệnh kiểm phiếu bằng tay tại mọi điểm bỏ phiếu. Các thẩm phán ở Georgia tuần trước đã ra phán quyết vô hiệu hóa những quy định này.

Đảng Dân chủ cũng đệ đơn kiện để cố gắng ngăn chặn những thay đổi quy định bầu cử vào phút chót, cáo buộc chúng được tạo ra để trì hoãn việc kiểm phiếu, từ đó giúp Trump tận dụng khoảng trống thông tin nhằm gây ra hỗn loạn.

Trên khắp cả nước, đảng Dân chủ đã phản đối vụ kiện của đảng Cộng hòa nhằm hạn chế việc bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư vốn được áp dụng rộng rãi trong cuộc bầu cử giữa đại dịch Covid-19 năm 2020.

Hồi đầu năm, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ đệ đơn kiện thách thức những thay đổi gần đây trong quy tắc bầu cử tại Georgia mà họ cho rằng có thể khiến các quan chức bầu cử nhầm lẫn trong quá trình chứng nhận và kiểm phiếu.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, các khoản quyên góp tư nhân, trong đó có 400 triệu USD từ người sáng lập Meta, Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan, đã giúp chính quyền bang và địa phương trang trải chi phí cho cơ sở hạ tầng bầu cử.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cáo buộc những khoản tài trợ này được sử dụng để tăng cường tỷ lệ cử tri Dân chủ ở các bang chiến trường, điều mà Zuckerberg và giới chức bầu cử ở cả hai đảng đều phủ nhận.

Dưới áp lực từ các nhóm bảo thủ, 28 bang, trong đó có Georgia, Virginia và các bang chiến trường khác, đã cấm, hạn chế hoặc áp đặt những biện pháp quản lý đối với những khoản tài trợ tư nhân như vậy kể từ năm 2020.

Hầu hết các bang cấm tài trợ tư nhân đều không phân bổ tiền của chính phủ để lấp đầy khoảng trống ngân sách. Điều này khiến các quan chức bầu cử cấp bang và địa phương bị thiếu kinh phí và nhân sự, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tình trạng mất tổ chức, hỗn loạn trong ngày bầu cử.

Các quan chức bầu cử ở Georgia và nhiều nơi khác cũng đang phải đối mặt hàng loạt thách thức từ các nhà hoạt động địa phương liên quan đến quy trình đăng ký cử tri.

Một số nhóm trực tuyến, trong đó có EagleAI NETwork, đang thúc đẩy nỗ lực này. EagleAI lấy dữ liệu từ 29 danh sách cử tri của bang, hồ sơ tài sản của hạt, cơ sở dữ liệu Thay đổi Địa chỉ Quốc gia và các nguồn khác, nhằm tìm kiếm những cái tên được cho là "cử tri đã đăng ký không đúng cách", mời người dùng điều tra họ và báo cáo với các viên chức bầu cử.

Người sáng tạo ra nó, John Richards Jr., cho biết chương trình này không mang tính đảng phái. Tuy nhiên, Richards Jr. đã tham gia các cuộc gọi Zoom do Mạng lưới Toàn vẹn Bầu cử tổ chức để chứng minh cách thức hoạt động của EagleAI.

David Green, nhà sáng lập hãng bán lẻ Hobby Lobby, tại Oklahoma hồi năm 2016. Ảnh: AP

Một số viên chức bầu cử chỉ trích EagleAI và những cơ sở dữ liệu tương tự vì đã đưa ra những cáo buộc gian lận vô căn cứ, khiến giới chức bầu cử bị ngập trong các thủ tục giấy tờ để xử lý chúng. 7 hạt ở Georgia đã từ chối xem xét các khiếu nại từ những cơ sở dữ liệu như vậy, theo Richards.

Ben Hovland, chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ Bầu cử Mỹ, cơ quan liên bang hoạt động để đảm bảo quá trình bỏ phiếu diễn ra an toàn, cho hay việc ồ ạt nộp khiếu nại về "gian lận bầu cử" là một phần trong chiến lược biến các hồ sơ công khai thành "vũ khí" để tấn công vào quy trình bỏ phiếu, kiểm đếm phiếu bầu.

"Những khiếu nại kiểu như vậy thường xuất phát từ các thuyết âm mưu trên mạng", Hovland nói. "Chúng là ảo, nhưng tạo ra hậu quả thực sự đối với những người điều hành bầu cử, gây lãng phí nguồn lực".

Sau khi Trump rời nhiệm sở vào năm 2021, Flynn đã khởi động America Project cùng với Byrne, cựu CEO Overstock, và tiếp quản một nhóm khác đang không hoạt động là America's Future. Nhóm này đã bắt đầu gây quỹ để chi trả cho nỗ lực giám sát bầu cử ở Arizona, cũng như phục vụ nhiều mục đích khác.

Một nhà tài trợ trong đó là Julie Fancelli, người thừa kế chuỗi siêu thị Publix. Bà từng đề nghị chi 3 triệu USD tài trợ cho các cuộc biểu tình tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021, theo các tài liệu quốc hội. Quỹ từ thiện của gia đình bà đã trao 500.000 USD cho America's Future vào năm 2021, theo hồ sơ thuế.

Flynn đã rời America Project, nhưng ông vẫn tiếp tục nói về mối đe dọa gian lận bầu cử, đặc biệt là trong những lần xuất hiện trên PatriotTV, dịch vụ truyền thông trực tuyến thuộc sở hữu của một công ty mà ông là thành viên hội đồng quản trị.

Trong một chương trình của PatriotTV hồi tháng trước, Flynn đã cảnh báo người xem phải cảnh giác về một "kịch bản thiên nga đen" mà ở đó chính quyền Tổng thống Biden "đăng ký hàng triệu người không phải công dân Mỹ" để bỏ phiếu tại các bang chiến trường. Flynn và những người ủng hộ thuyết âm mưu này không đưa ra được bằng chứng nào cho cáo buộc trên.

Dù vậy, Flynn tuần trước lại tiếp tục lên tiếng báo động. "Đây là lời cảnh báo cho những ai có thể muốn gian lận hoặc thực hiện hành vi gian lận trong cuộc bầu cử của chúng ta", ông đăng trên X. "Chính phủ có thể đang theo dõi chúng ta, nhưng có người cũng đang theo dõi họ".

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020