Sau 2 quý có xu hướng hồi phục, hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán trong quý 3 đã bị thu hẹp đáng kể. Tổng doanh thu từ hoạt động này chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ 2023 và thấp hơn 23% so với quý trước. Đây là mức doanh thu từ hoạt động môi giới thấp nhất trong vòng 5 quý đối với nhóm CTCK.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này đến từ giao dịch ảm đạm trên thị trường chứng khoán. Trong quý 3, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE chỉ đạt chưa đến 15.000 tỷ đồng mỗi phiên, thấp hơn khoảng 25% so với cùng kỳ 2023 cũng như giai đoạn nửa đầu năm nay. Thanh khoản suy giảm khiến miếng bánh thị phần của các CTCK bị thu hẹp đáng kể.
Hầu hết các CTCK top đầu về thị phần đều ghi nhận doanh thu hoạt động môi giới sụt giảm so với cùng kỳ 2023 và quý liền trước. Xét về số tuyệt đối, VPS, SSI và VNDirect là các CTCK có sự sụt giảm mạnh nhất so với quý liền trước. Đây cũng là các CTCK đánh rơi nhiều thị phần trong quý 3 vừa qua. Trong quý 3, chỉ có 8 CTCK ghi nhận doanh thu môi giới trên trăm tỷ, con số này giảm mạnh so với thời kỳ giao dịch đặc biệt sôi động hồi cuối 2021 đầu 2022.
Biên lãi gộp của hoạt động môi giới của các CTCK trong quý 3/2024 cũng bị co lại còn chưa đến 14%, từ mức 25,5% cùng kỳ 2023 và 20,6% trong quý 2 trước đó . Lợi nhuận gộp chỉ đạt khoảng hơn 400 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ tương đương một nửa so với con số ghi nhận trong 2 quý đầu năm nay.
Một điểm tích cực là hầu hết các CTCK top đầu vẫn có lãi gộp từ hoạt động môi giới trong quý 3. Trong số 8 CTCK có doanh thu môi giới trên trăm tỷ, chỉ duy nhất Mirae Asset lỗ gộp. Biên lãi gộp có sự phân hoá rõ rệt giữa các công ty do chiến lược phát triển, chính sách hoa hồng khác nhau. Tuy nhiên, đa phần CTCK top đầu thị phần đều có biên lãi gộp mảng môi giới cao hơn mặt bằng chung, đặc biệt là HSC (22%), VNDirect (35%) hay TCBS (57%).
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Biên lãi gộp co lại cho thấy mức độ cạnh tranh vẫn ngày càng trở nên khốc liệt khi các CTCK lao vào cuộc đua miễn, giảm phí để giành thị phần. Hầu hết CTCK đều đã ít nhiều giảm phí giao dịch để thu hút thêm nhà đầu tư và giữ chân khách hàng. Phần lớn các công ty chứng khoán khác đang áp dụng mức phí khoảng 0,1-0,15% (đã bao gồm phí trả về Sở Giao dịch Chứng khoán). Một số thậm chí còn chơi lớn với chính sách “zero fee” trọn đời như TCBS, Pinetree, DNSE hay MBS.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán còn phải gánh nhiều khoản chi phí cho hoạt động này, dẫn đến lợi nhuận bị bào mòn. Thực tế, nhiều CTCK vẫn đang duy trì một hình thức môi giới truyền thống và các khoản hoa hồng cho đội ngũ “chạy bằng cơm” này là không hề nhỏ. Dù vậy, mô hình không môi giới con người cũng đang ngày càng phát triển, đặc biệt tại những CTCK thế hệ mới.
Dù chiến lược khác nhau nhưng không thể phủ nhận mảng nghiệp vụ môi giới vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các CTCK. Những lợi ích từ tệp khách hàng chất lượng có thể mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguồn thu phí giao dịch thông thường, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hoạt động cho vay margin. Thêm nữa, tệp khách hàng lớn từ môi giới góp phần giúp bán chéo các sản phẩm, dịch vụ như cho vay margin, tư vấn, quản lý tài sản, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, qua đó mang lại lợi nhuận đáng kể cho các CTCK.
Khi Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ 2/11 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền, miếng bánh thị phần có thể sẽ nở ra đáng kể giao dịch của khối ngoại linh hoạt hơn. Trong tương lai, chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút đến hàng tỷ USD vốn ngoại nếu được nâng hạng. Đây sẽ là mục tiêu mới cho cuộc đua giành thị phần giữa các CTCK.