Chuyên mục  


Quan điểm của NATO

Quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) không mâu thuẫn với tư cách thành viên của nước này trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố mới đây.

Ông Rutte nhấn mạnh rằng, Ankara có quyền hợp tác với BRICS mà không gây tổn hại gì tới vị thế của mình như một nước thành viên NATO. 

Tuyên bố được Tổng thư ký NATO đưa ra trong cuộc họp báo tại Estonia hôm 22/10, khi ông nhận được câu hỏi từ báo giới rằng, liệu mong muốn gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ có phải là điều đáng lo ngại hay không. 

Ông Rutte khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là "một đồng minh rất quan trọng trong liên minh" bởi nước này là một trong những nước có "lực lượng quân sự được trang bị tốt nhất NATO" và đóng "vai trò sống còn" trong phạm vi địa lý của khối. 

"Rõ ràng trong liên minh, vốn là một nền dân chủ, 32 nước, thì sẽ luôn có những cuộc tranh luận về vấn đề này và vấn đề kia", Tổng thư ký NATO thừa nhận. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng Ankara có "quyền chủ quyền" khi theo đuổi tư cách thành viên BRICS và hợp tác cùng các thành viên của nhóm này. 

"Điều đó có thể sẽ dẫn tới các cuộc tranh luận, song phương hoặc trong khối. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ không được ưa chuộng", ông Rutte nói, "NATO rất được ưa chuộng ở Thổ Nhĩ Kỳ, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất được yêu thích ở NATO". 

anh-trg-bai-1729728639080-1729728639780369686785.png

Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: SCANPIX/REUTERS/Yves Herman

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiện đang tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan (thuộc Nga). Ông dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn thảo về các mối quan hệ song phương, cuộc khủng hoảng Ukraine và tình hình Trung Đông. 

Tháng trước, Ankara tuyên bố, nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, trở thành nước NATO đầu tiên theo đuổi tư cách thành viên của khối này. 

Tuy nhiên, theo RT, đơn xin gia nhập của Ankara đã làm dấy lên lo ngại ở Brussels. Người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu Peter Stano nhấn mạnh rằng: Ankara, vốn là ứng viên Liên minh Châu Âu từ năm 1999, phải tôn trọng các giá trị của EU, cũng như các ưu tiên về chính sác đối ngoại của khối mặc dù có quyền lựa chọn các tổ chức quốc tế để gia nhập. 

Trước đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ với trang tin Middle East Eye rằng, mặc dù Ankara không coi BRICS là phương án thay thế cho NATO hay EU, nhưng "quá trình gia nhập Liên minh Châu Âu bị trì hoãn" đã thúc đẩy nước này khám phá thêm "những nền tảng kinh tế khác". 

Quan điểm của BRICS

Bình luận về vấn đề gia nhập BRICS, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng tư cách thành viên NATO không phải là một trở ngại. 

"Từ quan điểm của BRICS và phương hướng tiếp cận chính của BRICS thì không có sự phản đối nào ở đây", ông Peskov nói với kênh NTV (Nga) về khả năng gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ông Peskov cũng khẳng định, việc là thành viên EU không phải rào cản gia nhập BRICS. Người phát ngôn Điện Kremlin chỉ ra rằng, về mặt nguyên tắc, BRICS không đặt điều kiện cho các đối tác, cũng như các thành viên. Theo ông Peskov, chính điều này đã khiến cho BRICS trở nên hấp dẫn hơn. 

Ông Peskov nhấn mạnh rằng, BRICS không hề có quy chế hoặc hiệp ước ràng buộc. "Vậy điều gì là quan trọng nhất? Đó là ý chí chính trị tạo nên sự đoàn kết giữa các quốc gia cùng chia sẻ tầm nhìn về triển vọng phát triển", ông Peskov nói, "Không có quốc gia nào nhận là xương sống của tổ chức". 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020