Chuyên mục  


Đầu tuần này, chị Minh Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) bị thu hút bởi một bài chia sẻ trên mạng xã hội về mức hoa hồng "khủng" từ chương trình tiếp thị liên kết của Temu. Chưa đăng ký kinh doanh thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhưng sàn xuyên biên giới của Trung Quốc này đang gây sốt suốt tuần qua.

Khi nhấp vào đường dẫn (link) trong bài viết, cài đặt ứng dụng Temu, chị Hương nhận được 50.000 đồng vào tài khoản mua hàng trên đó. Nếu chị chia sẻ link đăng ký tài khoản của mình và có người sử dụng link đó để đăng ký, chị sẽ nhận tiếp 150.000 đồng. Số tiền thưởng có thể cao hơn nhiều nếu mời được một người dùng có kênh Tiktok hay YouTube với lượng theo dõi (follower) lớn. Ngoài ra, chị còn có thể giới thiệu những sản phẩm bán trên sàn và nhận về hoa hồng chia sẻ từ doanh thu của người bán, tối đa 30%.

Sàn này còn tạo mô hình chia hoa hồng nhiều cấp. Ví dụ, khi có tài khoản tham gia chương trình affiliate theo đường dẫn, người chia sẻ sẽ được một số tiền nhất định. Nếu thành viên cấp dưới kiếm thêm đối tác, người bậc trên hưởng tiếp 20% hoa hồng.

Màn hình chụp lại chương trình tiếp thị liên kết với thu nhập tiền tỷ cho người tham gia của Temu. Ảnh: Ngọc Mai

Thực tế, affiliate marketing cho phép những người dùng như chị Hương trở thành đối tác của các sàn. Theo chính sách này, các cộng tác viên tiếp thị sẽ nhận được tiền khi có người nhấp vào link, banner giới thiệu với chính sách hoa hồng đã được cam kết.

Ông Đỗ Hữu Hưng, chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị liên kết kiêm CEO Accesstrade Vietnam - công ty về nền tảng affiliate marketing - nói chính sách này là "chưa từng có và rất cạnh tranh".

Ngoài chi trả hoa hồng cao, theo ông Hưng, thị trường cũng chưa có nền tảng nào đưa ra chương trình affiliate "3 trong 1, hai tầng" như thế. So với các chương trình affiliate marketing của các đối thủ sàn khác như Shopee, Lazada, Tiktok Shop, mức hoa hồng cho khách hàng mới của Temu cao hơn. Nhờ vậy, nền tảng này được chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội hai ngày qua. Chỉ trong 24 giờ đã có hơn 10.000 tài khoản affiliate marketing, theo CEO Accesstrade Vietnam.

Tuy nhiên, để rút tiền thưởng, người dùng mới cần hoàn tất quá trình đăng ký và thực hiện mua một đơn hàng đầu tiên trong 60 ngày. Nói cách khác, nếu khách hàng hủy đơn hàng hoặc không hoàn tất quá trình mua sắm trong thời gian quy định, số tiền hoa hồng sẽ không được chuyển vào tài khoản của người giới thiệu.

"Chiến lược này trông như là đốt tiền, nhưng thực ra đã được tính toán kỹ", ông Hưng đánh giá. Ông ước tính hoa hồng cho khách hàng cũ (sau 30 ngày) có thể chỉ dưới 10%, tương tự các sàn. Chưa kể, khi lượng người dùng mới tăng đáng kể, mức hoa hồng hấp dẫn này sẽ không còn.

Mang lại cơ hội kiếm tiền cho người làm tiếp thị liên kết, nhưng cũng bằng cách này, Temu đe doạ "miếng bánh" của Shopee, Lazada, Tiki...

"Có thể thấy Temu đang khơi mào một cuộc chiến giành thị phần giữa các sàn", ông Thành Bobber, chuyên gia marketing kiêm Founder UPG Agency bình luận. Ông tin miếng bánh có thể bị chia lại. "Mức độ chịu chi tiếp theo của Temu và động thái của các sàn nhóm đầu như Shopee, Lazada, Tiktok Shop sẽ quyết định cục diện thị trường sắp tới", ông nói.

"Nguồn gốc hàng hóa các sàn hầu hết như nhau, nền tảng nào cho nhiều mã giảm giá sẽ kéo được khách hàng", ông Thành phân tích.

Ông Nguyễn Duy Vĩ, chuyên gia marketing kiêm CEO Buzi Agency, dự báo các kênh truyền thống và sàn trong nước sẽ khó giữ thị phần. Còn các sàn quốc tế như Temu, Shein có khả năng giảm giá đáng kể nhờ quy mô toàn cầu, tối ưu chuỗi cung ứng, và chi phí logistics nên có một lượng lớn khách hàng.

Cùng quan điểm, CEO Accesstrade Vietnam nói Temu là sàn có người dùng nhiều nhất Trung Quốc, vượt Taobao. Xét về tổng giá trị hàng hoá bán được, Temu cũng vượt cả Alibaba. "Tức là, họ đã thách thức được những ông trùm cũ ở Trung Quốc", ông Hưng nói và dự báo nền tảng này hoàn toàn có thể xếp thứ 3 tại Việt Nam, sau Shopee, Tiktok Shop trong vòng một năm tới.

Chuyên gia nhìn nhận nếu các sàn cùng tham gia cuộc đua củng cố thị phần bằng các chương trình ưu đãi khủng sẽ mang lại lợi ích cho người dùng. Song, họ cũng lo ngại Temu chỉ cho phép các người bán Trung Quốc tham gia. Do đó, việc sàn này bỏ chi phí hoa hồng cao cho tiếp thị liên kết tạo cơn sóng người Việt quảng cáo cho nhà bán Trung Quốc. Việc này sẽ đẩy các nhà bán của Việt Nam vào tình thế khó khăn.

Ông Thái Minh (Hà Nội), một người có nhiều năm kinh nghiệm làm tiếp thị liên kết, nói người bán trong nước sẽ bị cạnh tranh về mẫu mã, giá cả, sự đa dạng, chất lượng sản phẩm. "Nếu chỉ nhập hàng Trung Quốc về bán sẽ bị đào thải, chỉ còn các xưởng Việt Nam hoặc các shop bán hàng địa phương mới có cơ hội bám trụ", ông nói.

Ngoài ra, khi Temu phát triển mạnh, các sàn ở Việt Nam sẽ phải ra các chính sách mới, tung nhiều mã giảm giá, khuyến mãi để cạnh tranh lại. Người thiệt nhất là các shop Việt Nam sẽ bị các sàn tăng phí, áp chính sách mới để sàn có ngân sách cho các chiến dịch tiếp thị, quảng cáo.

Ở góc nhìn tích cực hơn, theo ông Dũng, một người bán hàng lâu năm trên trang "Tinh Anh Setup", những nền tảng hiện hữu đã thành công trong việc "giáo dục" người dùng, xây dựng thói quen mua sắm và lòng trung thành qua các chương trình khuyến mãi, ưu đãi riêng biệt. Do đó, Temu sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể cạnh tranh, tạo sự khác biệt.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng việc Temu chỉ đáp ứng thanh toán qua thẻ tín dụng hay Apple Pay sẽ khiến họ khó khăn hơn trong bối cảnh thói quen thanh toán khi nhận hàng (COD) ở Việt Nam đã giảm nhưng còn khá cao.

Chị Trang, người đã có ba năm kinh nghiệm bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, và TikTok, nhận định rằng chính sách tiếp thị của Temu có thể ảnh hưởng đến các nhà bán hàng hiện tại. Tuy nhiên, theo người bán này, Temu cần thời gian để khẳng định với người tiêu dùng nội địa về độ tin cậy và chất lượng sản phẩm.

"Giá rẻ là chưa đủ bởi khách hàng ngày càng thông thái và yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi" chị Trang nói.

Phương Dung - Ngọc Mai

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020