Chuyên mục  


chat-cay-singapore-17140119381271003529701.png

Đốn hạ cây xanh để làm làn đường xe đạp ở Singapore - Ảnh: THE STRAITS TIMES

Đốn hạ cây xanh mở đường cho xe đạp

Năm ngoái, Singapore chặt nhiều cây lớn ở đại lộ Hougang 2 để làm làn đường xe đạp, theo nhật báo The Straits Times.

Cũng có người dân phản đối cách làm này, tuy nhiên những người khác lại cho rằng cần thiết phải chặt bỏ cây xanh để dành chỗ cho các công trình giao thông.

"Thật tốt khi mở rộng đường để xe cộ lưu thông thuận tiện và đặc biệt tốc độ phát triển đô thị không bị ảnh hưởng bởi các cây to", một người dân Singapore có ý kiến.

Tháng 3-2021, chính quyền bang Odisha, Ấn Độ thông báo họ đã đốn hạ hơn 185 triệu cây trong 10 năm qua để mở rộng đường. Tuy nhiên, số cây được trồng bù cho số bị đốn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 16%.

Quá sốc vì một lượng lớn cây xanh bị chặt bỏ, các nhà hoạt động môi trường lên tiếng vì sự mất mát không thể bù đắp này.

"Tôi nghi ngờ chỉ hơn 5% cây được trồng còn sống, vì vậy chính quyền địa phương nên lựa chọn những phương án khác thay vì chỉ đốn hạ cây", báo Hindustan Times trích lời một nhà bảo vệ môi trường.

Một thẩm phán còn đề xuất: "Tại sao đường phải nằm trên một đường thẳng? Tại sao làm đường phải chặt cây? Nên làm đường theo dạng dích dắc giúp giảm tốc độ và tai nạn, lại hạn chế đốn cây".

cay-an-do-1714011748608526246062.png

Cây bị đốn hạ để làm đường ở bang Odisha, Ấn Độ - Ảnh: HINDUSTAND TIMES

Hạn chế xe cá nhân, tăng phương tiện công cộng

Ở Malaysia, vào năm 2016, Hội đồng thành phố đảo Penang có kế hoạch đốn hạ 33 cây xanh dọc tuyến đường Jalan Masjid Negeri để nâng cấp đường lên ba làn nhằm giảm ùn tắc giao thông, theo báo Daily Express.

Phản đối kế hoạch chặt cây, chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng Penang, ông Mohamed Idris cho rằng chặt cây để mở rộng đường có thể không giúp ích gì cho giao thông nếu người dân tiếp tục sử dụng xe cá nhân. Dân chúng nên sử dụng xe buýt để đi lại.

"Chính quyền địa phương nên giữ lại nhiều cây nhất có thể để tạo bóng mát cho người đi bộ. Giải pháp cho vấn đề giao thông thuận lợi không phải chặt cây mà nên khuyến khích người dân đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng", báo Daily Express nhận xét.

Ở Mỹ cũng có chuyện chặt cây để phục vụ công trình xây dựng. Tháng trước, Đài CNN đưa tin Cục Công viên quốc gia Hoa Kỳ thông báo đang chuẩn bị đốn hạ gần 160 cây anh đào ở thủ đô Washington để sửa chữa các bức tường chắn sóng xuống cấp của thành phố này.

Và khoảng 300 cây xanh dự kiến bị chặt bỏ tại các khu vực xây dựng. Thay vào đó, hơn 450 cây, trong đó có 274 cây anh đào, sẽ được trồng lại khi hoàn thành dự án.

Mike Litterst, người phát ngôn của cục, cho biết: "Chúng tôi đang chặt bỏ 300 cây để làm dự án này, nhưng chúng tôi sẽ trồng lại".

Trong khi đó tại Thái Lan, năm 2022, bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định mới về bảo vệ hàng cổ thụ dọc xa lộ Chiang Mai-Lamphun, cấm chặt cây, đổ rác ở gốc cây, và các hoạt động xây dựng ở đó.

Dưới bài viết "Cần hạn chế đốn hạ cây xanh khi xây dựng các công trình", bạn đọc Trương Kiệt bình luận: "Bê tông hóa là điều khó tránh ở đô thị lớn và thêm việc phát triển công trình ngầm thì cần phải đánh giá lại việc trồng cây trong đô thị, có nên thay thế các cây lớn bằng loại cây phù hợp hơn không?

Nếu chúng ta nghiên cứu được các công trình không ảnh hưởng tới cây xanh thì quá tốt. Nhưng ở đô thị, bài toán về thiệt hại kinh tế và thiệt hại cây xanh cần được tính toán thật kỹ".

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020