Chuyên mục  


blinken-trung-quoc-1714020768589599925767.jpeg

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói chuyện với sinh viên tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 25-4 - Ảnh: REUTERS

Ngày 25-4, trong chuỗi hoạt động cho chuyến đi ba ngày tới Trung Quốc, ông Blinken đã gặp các lãnh đạo doanh nghiệp tại thành phố Thượng Hải.

Kêu gọi Trung Quốc ứng xử công bằng với doanh nghiệp Mỹ

Chuyến đi này nối tiếp nỗ lực nối lại các hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc, khi mối quan hệ song phương bị cho đã rơi xuống mức "thấp nhất lịch sử" năm ngoái.

Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, tại cuộc gặp Bí thư Thượng Hải Trần Cát Ninh, ông Blinken đã nêu lo ngại của Mỹ đối với chính sách thương mại và thực trạng "nền kinh tế phi thị trường" của Trung Quốc.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Washington muốn hướng tới một sự cạnh tranh kinh tế lành mạnh với Trung Quốc, cũng như mong sẽ có một sân chơi công bằng cho công nhân Mỹ và các công ty đang hoạt động tại Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cho rằng chỉ trích về việc năng lực sản xuất vượt mức của họ là vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh các ngành công nghiệp của nước này từ xe điện cho tới pin mặt trời đều mang tính đổi mới và cạnh tranh.

Tại cuộc gặp, ông Trần nhắc lại lần điện đàm gần nhất giữa hai bên đã giúp ích cho quan hệ phát triển ổn định và lành mạnh của hai nước. "Việc chúng ta chọn hợp tác hay đối đầu đều sẽ ảnh hưởng đến hai dân tộc, hai nước, và tương lai của nhân loại".

Mỹ - Trung giải quyết khác biệt về Ukraine và Đài Loan

Trong khi nhiệm vụ của ông Blinken giống như một "sứ giả" hàn gắn quan hệ kinh tế mật thiết và quan trọng Mỹ - Trung, chắc chắn ông sẽ rơi vào thế lưỡng nan khi không thể không đề cập tới những khía cạnh khác biệt sâu sắc giữa hai bên.

Nhiều thông tin thời sự đã vô tình hay hữu ý xuất hiện đúng lúc ông Blinken đặt chân tới Trung Quốc. Từ nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden ký vào một dự luật gồm 8 tỉ USD cạnh tranh sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cũng như hàng tỉ USD cho vấn đề phòng không của Đài Loan, và 61 tỉ USD viện trợ Ukraine.

Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh, luôn phản đối các tiếp xúc cấp cao của vùng lãnh thổ này với các nước như Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng eo biển Đài Loan gia tăng, Bắc Kinh càng có lý do để "nóng mặt" với chuyện Mỹ giúp Đài Loan nâng cao năng lực quốc phòng.

Điều khiến Trung Quốc khó chịu khác là việc ông Biden cũng ký vào dự luật cấm TikTok ở Mỹ, nếu như công ty mẹ ByteDance của nền tảng mạng xã hội này không rút vốn trong vòng 9 tháng tới một năm. Lâu nay Trung Quốc phản đối việc Mỹ siết chặt quy định với các công ty Trung Quốc, và cho rằng đó là hành động cạnh tranh công nghệ thiếu lành mạnh.

Sau cùng, ông Blinken sẽ tìm cách thúc giục Trung Quốc ngăn các công ty của nước này hỗ trợ ngành quốc phòng của Nga.

Quan hệ Nga - Mỹ đã căng thẳng cực điểm sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2-2022. Mỹ và phương Tây đã gây áp lực kinh tế lên Nga như một đòn trừng phạt, nhưng điều này càng góp phần thúc đẩy quan hệ Nga - Trung, tới mức độ Matxcơva và Bắc Kinh mô tả là "không giới hạn".

Trong diễn biến nhạy cảm ngày 24-4, tờ Politico dẫn lời đại sứ Mỹ ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tố Trung Quốc ủng hộ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, với việc cung cấp vật tư công nghệ máy bay không người lái và nguyên liệu thuốc súng. Vị này khẳng định Trung Quốc đã "chọn phe" và không thể tự nhận mình trung lập nữa.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020