Chuyên mục  


houthi-ten-lua-sieu-vuot-am-17266220277752001801252.jpg

Houthi viết chữ “siêu vượt âm” (hypersonic) lên tên lửa Palestine 2 - Ảnh: Houthi

Cách đây khoảng hai tháng, cảng Hodeida do lực lượng Houthi kiểm soát ở Yemen từng chìm trong biển lửa khi các nhà kho chứa dầu trúng hỏa lực của quân đội Israel ngay sau cuộc tấn công bằng drone của Houthi vào Tel Aviv.

Tuần này, nỗi lo về một kịch bản trả đũa tương tự từ Israel lại xuất hiện sau khi Houthi phóng "tên lửa đạn đạo siêu vượt âm" trúng miền trung Israel.

Có thật tên lửa siêu vượt âm?

Cuộc tấn công của Houthi hôm 15-9 gây nhiều chú ý, bởi lẽ đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng tên lửa của lực lượng này xâm nhập thành công bầu trời miền trung Israel. Cuộc tấn công này cho thấy hai điều: thứ nhất, năng lực quân sự của Houthi dường như đang tăng lên; thứ hai, "lò lửa" Trung Đông vẫn âm ỉ và có nguy cơ bùng lên mạnh mẽ hơn.

Việc Houthi tuyên bố có được tên lửa siêu vượt âm có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của Israel đã khiến nhiều bên đứng ngồi không yên, vì thời gian qua lực lượng này vốn được biết đến với các cuộc tấn công táo bạo hơn là sức mạnh công nghệ. Câu hỏi đặt ra là Houthi đang nói thật không và nếu đúng thì ai đã cung cấp cho lực lượng này loại vũ khí tiên tiến như vậy?

Hôm 16-9, Houthi công bố đoạn video dài gần 2 phút cho thấy cái gọi là "tên lửa siêu vượt âm Palestine 2" được phóng đi nhằm vào miền trung Israel hôm 15-9. Từ "siêu vượt âm" (hypersonic) được viết bằng chữ màu đỏ đậm trên tên lửa dường như nhằm nhấn mạnh năng lực mới của nhóm này. Vũ khí siêu vượt âm là loại vũ khí di chuyển với tốc độ nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh và có khả năng cơ động cao, giúp tránh bị đánh chặn.

Houthi tuyên bố loại tên lửa mà họ phóng có tầm bắn 2.150km, với tốc độ lên tới Mach 16 (tức gấp 16 lần tốc độ âm thanh): "Tên lửa này có khả năng cơ động cao, vượt qua các hệ thống phòng không mới nhất và mạnh nhất thế giới, gồm cả Vòm sắt (Iron Dome)". Người phát ngôn Houthi Yahya Saree thuật lại trong cuộc tấn công hôm

15-9, tên lửa siêu vượt âm của họ đã bay qua 2.040km chỉ trong 11 phút rưỡi, vượt mọi nỗ lực đánh chặn của Israel. Tuy nhiên, Israel đã giội gáo nước lạnh vào tuyên bố của Houthi, cho rằng đây không phải là tên lửa siêu vượt âm như Houthi tuyên bố. Còn Lầu Năm Góc đánh giá Houthi đã dùng một quả tên lửa đạn đạo để tấn công Israel.

Về nguồn gốc tên lửa, sự chú ý đổ dồn về Iran - quốc gia được cho là hậu thuẫn Houthi nhưng chưa có câu trả lời thuyết phục. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm 16-9 khẳng định Tehran không cung cấp tên lửa siêu vượt âm cho lực lượng Houthi ở Yemen.

Nếu thực sự đã dùng tên lửa siêu vượt âm, đây là lần đầu tiên Houthi sở hữu loại vũ khí tiên tiến này. Dựa vào video và hình ảnh do Houthi công bố, ông Fabian Hinz - chuyên gia về chương trình tên lửa Iran tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - cho rằng "tên lửa siêu vượt âm Palestine 2" mà Houthi tuyên bố có thể là tên lửa đạn đạo tầm trung Kheibar Shekan do Iran sản xuất.

Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn tỏ ra khó hiểu trong bài viết trên X: "Điều này rất kỳ lạ. Palestine 2 có vẻ là biến thể của Kheibar Shekan hoặc Fattah 1 (tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm cũng do Iran sản xuất). Nhưng trước đây hai tên lửa này được báo cáo là có tầm bắn ngắn hơn nhiều (khoảng 1.400km)". Còn trong vụ phóng hôm 15-9, Houthi phóng tên lửa bay tới hơn 2.000km.

Lo xung đột lan rộng

Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói Israel sẽ bắt Houthi phải trả giá đắt sau cuộc tấn công hôm 15-9. Ông Niu Xin Chun, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc - Ả Rập tại Đại học Ninh Hạ (Trung Quốc), cảnh báo cuộc tấn công lần này của Houthi có thể khiến Israel tung đòn "trả đũa quy mô lớn".

Ông nói: "Tên lửa này đã xâm nhập vào lãnh thổ Israel khiến 9 người bị thương. Đây là chuyện hiếm hoi trong cuộc xung đột giữa Houthi và Israel khoảng 11 tháng qua".

Từ tháng 11 năm ngoái, Houthi đã phát động các cuộc tấn công nhằm vào Israel để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza với việc phóng hàng chục tên lửa và drone gây gián đoạn hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ.

Người phát ngôn Houthi Nasruddin Amer chỉ ra mục tiêu của cuộc tấn công mới nhất nhằm gây sức ép lên Israel phải chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza. Ông nhấn mạnh: "Vấn đề nằm ở Gaza và giải pháp cũng nằm ở Gaza".

Thủ lĩnh Hamas Yehya Sinwar đã chúc mừng Houthi về cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel hồi cuối tuần qua và cho biết hành động này đã gửi đi một thông điệp tới kẻ thù của họ.

Israel mở rộng mục tiêu

Ngày 17-9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố mở rộng mục tiêu hoạt động quân sự của nước này trong lúc cuộc chiến ở Dải Gaza tiếp diễn. Tại mặt trận Lebanon, họ thông báo sẽ đảm bảo "người dân phía bắc Israel có thể trở về nhà an toàn".

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến quay trở lại khu vực trong tuần này để cố gắng khôi phục các cuộc đàm phán ngừng bắn đang bị đình trệ trong cuộc chiến giữa Israel - Hamas tại Dải Gaza.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020