Chuyên mục  


Ngày 16/4, bà Soan bị TAND TP HCM đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đại gia một thời ở phía Nam trông tiều tụy hơn rất nhiều so với lúc bị bắt gần 2 năm trước.

Bà Soan được biết đến là nhà môi giới đầu tư tầm cỡ, sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn. Nữ doanh nhân thông thạo tiếng Anh, tiếng Hoa, có trình độ hiểu biết về lĩnh vực đầu tư, khai thác khoáng sản, từng nhiều năm làm môi giới cho các công ty nước ngoài đầu tư tại tỉnh Bình Thuận và một số địa phương khác.

Trả lời xét hỏi của tòa, bà Soan phủ nhận cáo trạng, nói không phạm tội. Bị cáo cho rằng đã cùng ông John Koon (người Hoa, quốc tịch Australia, nhà môi giới đầu tư về các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, bia và khoáng sản tại Việt Nam) cùng hợp tác làm ăn. Bị cáo có nhiệm vụ tìm dự án trong nước, ông Koon sẽ môi giới, kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài.

Bà Trương Thị Soan tại tòa. Ảnh: Quốc Thắng

Bị tố cáo về giao dịch 7 năm trước

Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến 2017, bà Soan đã môi giới và hợp tác môi giới cùng ông Koon thực hiện nhiều giao dịch mua bán mỏ, mua bán cổ phần các công ty. Tổng cộng, hai bên đã hợp tác đầu tư nhiều dự án có giá trị lên đến hàng chục triệu USD, gồm: mỏ Tân Cẩm Xương, hay hợp tác đầu tư khai thác mỏ titan 83 ha tại khu vực Hoàng Lan thuộc Công ty Đường Lâm do ông Trần Văn Quận làm Giám đốc... và được xác định là dân sự. Tuy nhiên, tháng 9/2020, ông Koon tố cáo bị bà Soan chiếm đoạt tiền trong giao dịch hợp tác từ năm 2013.

VKS xác định, khoảng tháng 4/2013, bà Soan đến gặp ông John Koon tại khách sạn New World, quận 1, TP HCM, đề nghị mua mỏ titan 360 ha tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận của Công ty cổ phần Khoáng sản và Thương Mại Sao Mai (Công ty Sao Mai). Tại thời điểm thỏa thuận mua cổ phần, mỏ Sao Mai chưa được cấp giấy phép khai thác nên Soan đề nghị Koon chuyển tiền để chi trả chi phí cấp phép khai thác mỏ, khoan thăm dò và các chi phí khác.

Trong quá trình thực hiện việc mua cổ phần mỏ Sao Mai, ông Koon thống nhất với Soan chuyển nhượng mỏ Sao Mai cho Công ty Yue Da với giá 34 triệu USD và Soan đã nhận của Công ty Yue Da tiền đặt cọc 7.000.000 USD.

Ngày 17/6/2014, Soan làm thủ tục thành lập Công ty Thiên Bình và được Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, gồm hai thành viên góp vốn là Soan (95% vốn điều lệ, Giám đốc Công ty, người đại diện theo pháp luật) và ông Lê Quốc Sơn (chồng của Soan) góp 5%.

Sau khi sử dụng pháp nhân Công ty Thiên Bình mua được 100% cổ phần Công ty Sao Mai, Soan ký 2 hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp từ công ty này sang Công ty Happy Town, làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, xác định Công ty Happy Town sở hữu 90% cổ phần tại Công ty Thiên Bình; thuê luật sư làm hồ sơ chứng minh Công ty Fortune Come Development (thuộc nhóm công ty của Jonh Koon, do vợ ông này làm đại diện) đã sở hữu thực tế 60% cổ phần Công ty Sao Mai.

Sau đó, Soan sử dụng 2 hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn đề ngày 17/4/2015 (có chữ ký giả của bà Wang Di, chủ sở hữu Công ty Happy Town) và trực tiếp ký giả chữ ký của bà Lê Thị Sa (mẹ ruột Soan) trên hợp đồng, làm thủ tục chuyển nhượng phần góp vốn từ Công ty Happy Town sang cho Soan và bà Sa, rồi làm thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp, loại trừ phần vốn góp của Công ty Happy Town tại Công ty Thiên Bình. Như vậy "Công ty Happy Town do bà Wang Di làm đại diện không còn vốn góp tại Công ty Thiên Bình, Soan đã hoàn thành việc chiếm đoạt của ông Jonh Koon 2.850.000 USD", cáo trạng nêu.

Để nhận tiếp số tiền 350.000 USD còn lại theo thỏa thuận, Soan cung cấp văn bản sơ đồ cấu trúc nhóm doanh nghiệp sở hữu cổ phần Công ty Sao Mai trước đây, yêu cầu ông Jonh Koon chuyển tiền để "xin giấy phép khai thác mỏ Sao Mai".

VKS cáo buộc, Soan sau đó chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty Sao Mai cho 3 cá nhân lấy 50 tỷ đồng mà không thông báo cho ông Jonh Koon. Như vậy, bà Soan đã chiếm đoạt 3.200.000 USD (tương đương hơn 67 tỷ đồng) ông Jonh Koon chuyển để đầu tư mua cổ phần Công ty Sao Mai.

'Bị cáo mong một phiên tòa công tâm'

Trả lời HĐXX, bà Soan thừa nhận số tiền 3,2 triệu USD (được chuyển nhiều lần, qua nhiều pháp nhân), song cho rằng chưa từng có thỏa thuận miệng với ông John về việc mua bán Công ty Sao Mai. Số tiền này, theo bị cáo, là "dùng để đầu tư, mua các dự án khác" và cũng chưa từng dẫn ông John đến văn phòng mỏ Sao Mai như cáo trạng quy kết.

Chủ tọa hỏi "bị cáo có nhớ những gì mình khai tại cơ quan điều tra không?", ngập ngừng một lúc, bà Soan trả lời những lời khai tại cơ quan công an là "không tỉnh táo", bởi lúc này chỉ muốn được tại ngoại. "Trong mọi bản cung bị cáo đều ký và ghi 'xin được tại ngoại' để xử lý công việc ở nước ngoài, nếu không sẽ mất nhiều hơn số tiền bị tố cáo chiếm đoạt. Bị cáo mong một phiên toà công tâm. Bị cáo bị oan", bà Soan nói.

HĐXX dẫn cáo trạng thể hiện bà Soan từng nhận tội, đề nghị khắc phục, trả lại cho ông John số tiền chiếm đoạt. Còn bà Trương Thị Sang (chị ruột bà Soan) đã nộp 20 tỷ đồng vào tài khoản của cơ quan điều tra. Bị cáo Soan thêm một lần nữa cho rằng "không lừa đảo, nên không phải khắc phục". Chị ruột bà nộp tiền là mong muốn cho em gái được tại ngoại. "Việc này bị cáo không hề biết. Bị cáo đề nghị hoàn trả số tiền này lại cho chị", bà Soan trình bày.

Trả lời luật sư Phạm Ngọc Trung (tham gia bào chữa cho bị cáo từ giai đoạn điều tra) về mối quan hệ làm ăn với John Koon, bà Soan nói biết ông này vào năm 2008-2009. Từ đó đến lúc bị tố cáo lừa đảo, bà từng hợp tác với ông này nhiều dự án đầu tư như Cảng Hải Hà, nhà máy xi măng Hạ Long... rồi đến mỏ titan ở Bình Thuận. Trong suốt quá trình hợp tác, đôi bên đã rất nhiều lần giao dịch chuyển tiền, một số có ghi nội dung, một số không. Việc xác định tiền dùng làm việc gì thường tương ứng với thời điểm bàn bạc.

Bà Soan cũng trình bày một số ý kiến khác, cho rằng mình làm việc theo yêu cầu của các công ty đầu tư nước ngoài, thậm chí bỏ tiền túi ra làm. Nếu các dự án này thành công thì phía đối tác sẽ có được khoản vay 20 triệu USD, trả lại khoản ứng trước của bà. Tuy nhiên, khi gửi sang Hong Kong thì họ không đồng ý, dẫn đến để bảo vệ bản thân, sợ mất tiền nên bà đã tự ý chuyển nhượng Công ty Sao Mai cho 3 người khác, lấy 50 tỷ đồng.

Bà Soan khai, khi nhận tiền cọc, đã tiến hành làm việc, thực tế đã làm được 2 giấy phép khai thác mỏ Sao Mai và Tân Cẩm Xương. "Dù chưa hoàn thiện nhưng là bước cần thiết để kêu gọi đầu tư", bị cáo nói.

Tại tòa, HĐXX và các luật sư bào chữa cho bà Soan dành nhiều giờ hỏi ông John Koon về các giao dịch với bị cáo. Trả lời thông qua phiên dịch, ông John Koon cho biết do không hiểu tiếng Việt, tin tưởng bà Soan, nên đã đưa tiền cho bà này nhưng không được sở hữu gì. Ông không ký văn bản nhưng tài liệu thể hiện các chữ ký của ông bị giả. Về phần các con dấu công ty, ông cho rằng "ngay cả ở Hong Kong, việc xác định chữ ký vẫn quan trọng hơn".

Để làm rõ vấn đề này, luật sư đã đưa ra nhiều câu hỏi về các hợp đồng có chữ ký của ông Jonh Koon, song ông này xác nhận có ký 2 văn bản "nhưng hoàn toàn không nhắc đến tiền bạc trong đó". Một số giấy tờ khác, theo ông Koon, là do những người được uỷ quyền ký, ông không xác định được.

Ngày mai phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Quốc Thắng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020