Chuyên mục  


hinh-cay-nha-dam-1714355738916653369830.jpg

Cây nha đam - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Chị N.T.D. (36 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) kể chị nghe nói nên ăn một ít nha đam mỗi ngày sẽ giúp làm đẹp da và tăng sức đề kháng. Ngoài ăn nha đam, chị còn thi thoảng thoa nha đam lên mặt. 

Vậy cây nha đam có những tác dụng gì?

Bị cháy nắng nên bôi chế phẩm nha đam

BS CK2 Ngô Thị Bạch Yến - trưởng đơn vị điều trị - chăm sóc da và làm đẹp, khoa khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM - cho biết cây nha đam (còn gọi là lô hội - Aloe barbadensis) thuộc họ Liliaceae. Nha đam gồm 75 hợp chất, trong đó có 20 khoáng chất, 20 axit amin, vitamin và nước.

Nha đam có thể giúp điều trị vết thương trên da. Gel nha đam chứa các hợp chất hoạt tính sinh học có lợi trong thực vật, bao gồm vitamin, khoáng chất, axit amin và chất chống oxy hóa.

Gel nha đam không chỉ có thể làm tăng lượng collagen trong vết thương mà còn thay đổi thành phần collagen, tăng liên kết ngang collagen, từ đó thúc đẩy quá trình lành vết thương.

Mọi người thường sử dụng lô hội như một loại thuốc bôi ngoài da. Trên thực tế, nó đã được sử dụng từ lâu trong việc điều trị vết loét và đặc biệt là vết bỏng, bao gồm cả cháy nắng.

Dược điển Hoa Kỳ đã mô tả các chế phẩm lô hội như một chất bảo vệ da ngay từ những năm 1810 - 1820. Các nghiên cứu cho thấy đây là phương pháp điều trị tại chỗ hiệu quả cho vết bỏng độ 1 và độ 2.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng gel có thể làm tăng độ đàn hồi và giảm độ mỏng manh của da vì 99% gel là nước. Ngoài ra, mucopolysacarit cùng với axit amin và kẽm có trong nha đam có thể giúp da toàn vẹn, giữ ẩm, giảm ban đỏ và giúp ngăn ngừa loét da.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng tích cực của nha đam trong việc điều trị các vết thương như bệnh vảy nến, lở miệng, loét bàn chân do đái tháo đường, mụn rộp, lở loét và vết bỏng. Nha đam được biết đến với tác dụng chống khối u, chống viêm, bảo vệ da, chống vi khuẩn, chống vi rút, sát trùng và chữa lành vết thương.

Một nghiên cứu được công bố trên General Dentistry đã báo cáo rằng nha đam trong gel đánh răng có hiệu quả tương đương với kem đánh răng trong việc chống sâu răng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều trị bằng nha đam có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành vết loét miệng.

Nha đam có thể giúp điều trị táo bón. Mủ là chất cặn dính màu vàng nằm ngay dưới vỏ lá. Hợp chất chính gây ra tác dụng này được gọi là aloin, hoặc barbaloin, có tác dụng nhuận tràng đã được chứng minh rõ ràng.

Nha đam giúp ngăn ngừa nếp nhăn

Nha đam cung cấp nước, bổ sung độ ẩm, dưỡng ẩm cho da. Đồng thời, với tính kháng khuẩn, chống viêm, có thể giúp làm lành và trị thâm cho các vết thương xuất hiện do mụn. Cùng với đó, có tác dụng trong việc ngăn ngừa và hạn chế một cách hiệu quả tình trạng mụn.

Nha đam có tác dụng ức chế phản ứng viêm do ức chế IL-6 và IL-8, làm giảm sự kết dính của bạch cầu, tăng nồng độ IL-10 và giảm nồng độ TNF alpha. Đặc tính tái tạo của nó là do hợp chất glucomannan, rất giàu polysaccharides như mannose.

Glucomannan ảnh hưởng đến các thụ thể của yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi và kích thích hoạt động và tăng sinh của chúng, từ đó làm tăng sản xuất collagen, các elastin, tăng cường tái tạo tế bào mới, chống lão hóa, ngăn ngừa nếp nhăn.

Nha đam có khả năng giúp tăng trưởng tóc. Lợi ích của nha đam đối với tóc chủ yếu được nghiên cứu liên quan đến viêm da tiết bã - một tình trạng da gây phát ban đỏ với vảy cứng, màu trắng vàng, thường ở mặt và da đầu. Nha đam làm giảm đáng kể tình trạng ngứa, bong vảy và kích thước vùng bị ảnh hưởng ở những người mắc bệnh này.

Nha đam chứa nhiều các axit amin cùng enzyme proteolytic, các loại vitamin tốt đối với tóc. Sử dụng nó giúp sức khỏe của da đầu được cải thiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó cũng giúp tóc chắc khỏe, không bị khô, khắc phục tình trạng rụng tóc, thúc đẩy tóc nhanh mọc lại, đồng thời cũng trị gàu, ngăn ngừa các bệnh da đầu.

Những lưu ý khi dùng nha đam

Việc sử dụng nha đam bằng đường uống có thể gây co thắt dạ dày hoặc tiêu chảy do tác dụng nhuận tràng của nó.

Trong nước ép nha đam có chứa rất nhiều anthraquinone, đây là một loại chất có tác dụng nhuận tràng nên khi chúng ta sử dụng nhiều nước ép nha đam có thể gây ra tiêu chảy. Nếu tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng hơn có thể gây mất nước, chuột rút và đau quặn bụng.

Nước nha đam có thể gây ra những phản ứng dị ứng với một số biểu hiện như: phát ban, khó thở, ngứa, đau cổ họng, đau ngực…

Mủ của cây nha đam có thể gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với cơ thể. Nó có thể làm cho một vài căn bệnh trở nên trầm trọng hơn như viêm đại tràng, viêm ruột thừa, bệnh Crohn, tắc ruột, đau dạ dày, bệnh trĩ và loét.

Đối với phụ nữ có thai và đang trong thai kỳ tuyệt đối không nên sử dụng nước ép nha đam vì những chất có chứa trong nước ép nha đam sẽ kích thích tử cung co thắt dẫn đến sẩy thai hoặc gây ra khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi.

Chất anthraquinon có thể gây ra tiêu chảy đối với trẻ em thông qua sữa mẹ, vì vậy phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng nước ép nha đam.

Đối với những người mắc bệnh tim, nếu sử dụng nước ép nha đam có thể khiến cho cơ thể sản xuất quá nhiều lượng adrenaline dẫn đến nhiều tình trạng bất lợi.

Nước ép nha đam cũng có thể làm giảm nồng độ kali trong cơ thể gây suy nhược cơ bắp và rối loạn nhịp tim, do đó tuyệt đối không nên cho trẻ em và người cao tuổi sử dụng.

Nước ép nha đam làm giảm lượng insulin trong cơ thể dẫn đến tình trạng giảm lượng đường trong máu. Vì vậy những người bị mắc bệnh đái tháo đường hoặc hạ đường huyết muốn sử dụng nước ép nha đam cần phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Khi dùng để làm đẹp, cần cẩn trọng với việc sử dụng nha đam ở da mặt, da mắt... nên thử trước ở một vùng da nhỏ để thử độ thích ứng của làn da, trường hợp không xuất hiện biểu hiện lạ thì mới tiếp tục sử dụng.

Việc đắp mặt với nha đam chỉ nên thực hiện không quá 3 lần trong tuần. Đồng thời, sau khi làm đẹp với nha đam thì cần che chắn kỹ, tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Không dùng gel nha đam trên vùng da bị nhiễm trùng.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020