Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và kết quả báo cáo của Apple và Amazon trong những ngày tới sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm manh mối về triển vọng lãi suất toàn cầu và thu nhập của lĩnh vực công nghệ, trong khi dữ liệu tăng trưởng và lạm phát từ Châu Âu và Trung Quốc cũng sắp được công bố.
Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý sẽ diễn ra trong tuần 29/4-3/5:
1/ FED CÓ LÀM NHƯ ĐÃ NÓI?
Những gợi ý về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có còn mong đợi việc cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay hay không sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư tại cuộc họp của ngân hàng trung ương Mỹ kết thúc vào thứ Tư (1/5).
Khó có khả năng Fed sẽ điều chỉnh lãi suất trong kỳ họp này, nhưng những bình luận từ Chủ tịch Jerome Powell về khả năng nới lỏng chính sách vào cuối năm 2024 sẽ được các thị trường xem xét kỹ lưỡng.
Vào tháng 3/2024, Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Nhưng các báo cáo lạm phát mạnh hơn dự kiến công bố sau đó khiến thị trường nghi ngờ về việc liệu Fed có thể nới lỏng chính sách nhiều và sớm như vậy hay không?
Kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất giảm dần là yếu tố chính đằng sau sự gia tăng lợi suất trái phiếu kho bạc và sự sụt giảm gần đây của thị trường chứng khoán. Các thị trường hiện dự đoán Fed sẽ nới lỏng tiền tệ tổng cộng khoảng 35 điểm cơ bản trong năm 2024, ít hơn mức giảm 150 điểm cơ bản dự kiến hồi đầu năm.
2/ NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ CÔNG NGHỆ ĐANG LÀM ĂN RA SAO?
Những “Gã khổng lồ’ công nghệ cuối cùng trong số "Magnificent Seven" - đã thúc đẩy đợt tăng giá chứng khoán rực lửa vào năm 2023 – sẽ báo cáo kết quả doanh thu là Amazon, báo cáo hôm thứ Ba (30/4) và Apple vào thứ Năm (2/5).
Một số công ty ngang hàng của họ như Tesla và Meta Platforms của Facebook đã công bố những kết quả khác nhau.
Cổ phiếu Apple đã mất đi sức hấp dẫn vào năm 2024, giảm hơn 10%. Nhà sản xuất iPhone dự kiến sẽ báo cáo thu nhập quý đầu tiên sụt giảm sau khi doanh số bán điện thoại thông minh tại Trung Quốc giảm 19%.
Hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của Amazon sẽ là tâm điểm theo dõi trong khi các nhà đầu tư sẽ chú ý đến quan điểm của gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến về chi tiêu của người tiêu dùng. Cổ phiếu của hãng đang tiến triển tốt hơn từ đầu năm đến nay, đã tăng 18% tính đến thứ Tư (24/4).
Trong khi đó, quy định công nghệ cũng được đặt lên hàng đầu. Tổng thống Joe Biden vừa ký luật cấm TikTok ở Mỹ nếu chủ sở hữu Trung Quốc ByteDance không thoái vốn ứng dụng video ngắn này trong vòng 9 tháng đến một năm tới.
Thu nhập của các “gã khổng lồ’ công nghệ.
3/ HY VỌNG Ở DỮ LIỆU CỦA TRUNG QUỐC
Sau khi hoạt động sản xuất ở Trung Quốc bất ngờ tăng trong tháng trước, số liệu tháng 4 sắp được công bố sẽ cho biết liệu sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc được chờ đợi từ lâu có thực sự đang tăng tốc hay không.
Số liệu chính thức về chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Ba (30/4) và cuộc khảo sát PMI sản xuất toàn cầu của Caixin/S&P dự kiến sẽ diễn ra ngay sau đó.
Dữ liệu lạc quan có thể vực dậy tinh thần lạc quan ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mang lại sự nhẹ nhõm cho các nhà hoạch định chính sách, những người đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng và củng cố tâm lý nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng lạc quan hơn về chứng khoán Trung Quốc, giúp chỉ số blue-chip tăng hơn 10% so với mức đáy hồi tháng Hai.
Nhưng Bắc Kinh gần đây nhận thấy mình đang gặp khó khăn về đồng tiền của mình. Đồng nhân dân tệ đang trượt giá so với đồng đô la nhưng mạnh hơn so với các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc - một dấu hiệu không mong muốn đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu này.
Những tia hy vọng về kinh tế Trung Quốc.
4/ CÁNH CỬA RỘNG MỞ CHO CHÂU ÂU
Dữ liệu về lạm phát và tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro công bố vào thứ Ba (30/4) có thể khiến thị trường tăng đặt cược vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ hạ lãi suất tiền gửi từ mức kỷ lục 4% trong tháng 6, mặc dù các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ không hành động quá nhanh sau đó.
Tổng sản phẩm quốc nội trong khối tiền tệ khu vực đồng euro có thể chỉ tăng 0,1% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm trước, theo kết quả thăm dò của Reuters với đối tượng khảo sát là các nhà kinh tế.
Con số lạm phát trong tháng 4 cũng có thể thuyết phục ECB rằng đã đến lúc phải cắt giảm, sau khi tốc độ tăng trưởng giá tiêu dùng bất ngờ giảm xuống còn 2,4% trong tháng 3 và các nhà hoạch định chính sách báo hiệu rằng ngân hàng trung ương sẵn sàng hành động.
Nhưng với lạm phát ở Mỹ đang tăng cao và Fed được cho là có khả năng giữ lãi suất ở mức cao, thị trường hiện dự đoán năm nay ECB sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 60 điểm cơ bản vì cơ quan này vẫn cảnh giác với việc đồng euro suy yếu quá nhiều so với đồng USD đang tăng giá mạnh.
5/ CÓ NÊN “SELL IN MAY”?
Kinh nghiệm cho thấy tháng 5 là thời điểm lý tưởng để chốt lời từ cổ phiếu và giá chứng khoán giữ ở mức thấp cho đến cuối năm.
“Bán vào tháng 5 và sau đó ngồi yên” dựa trên tiền đề rằng khoảng thời gian sáu tháng tốt nhất để thị trường chứng khoán hồi phục là từ tháng 11 đến tháng 4, trong khi thời điểm thấp nhất là từ tháng 5 đến tháng 10. Trong 50 năm qua, S&P 500 đã tăng trung bình 4,8% trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 và chỉ 1,2% từ tháng 5 đến tháng 10, theo tính toán của Reuters.
Tuy nhiên, mô hình này gần đây mờ dần trong khung thời gian ngắn hơn.
Trong 20 năm qua, hiệu suất vượt trội của tháng 11-tháng 4 so với tháng 5-tháng 10 thu hẹp xuống còn 1%. Trong 10 năm, từ tháng 11 đến tháng 4 đã hoạt động kém hơn từ tháng 5 đến tháng 10 1 điểm phần trăm và trong 5 năm qua, nó hoạt động kém hơn 3 điểm phần trăm.
Có lẽ đã đến lúc tìm những từ có vần với "November".
Lãi/lỗ từ cổ phiếu theo mùa.
Tham khảo: Reuters