Chuyên mục  


bo-nn6-1719568239495398459326.jpg

Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt - Ảnh: C.TUỆ

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 28-6, Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi về việc bộ đã xác định được nguyên nhân lúa nhiễm mặn ở giáp dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hậu Giang chưa.

2,2ha lúa bị nhiễm mặn

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ đông xuân 2023 - 2024 có hơn 2,2ha lúa bị nhiễm mặn xảy ra tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thanh.

Vị trí lúa bị nhiễm mặn xảy ra tiếp giáp với dự án đường cao tốc.

Trên vụ hè thu 2024 cũng xảy ra hiện tượng lúa nhiễm mặn ở chính diện tích bị nhiễm vụ đông xuân 2023 - 2024. Về thiệt hại thì cần phải chờ cuối vụ mới có đánh giá.

Về xác định nguyên nhân, theo ông Cường, đây là một vấn đề khó, cần phải có đánh giá hệ thống toàn diện ở tất cả các khu vực.

"Nếu như họ sử dụng cát biển thì không phải chỉ ở khu vực này mà cần phải đánh giá cả ở các khu vực khác để xem có ảnh hưởng một cách tổng quan và mang tính chất khái quát.

Việc này cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học. Còn cơ quan quản lý nhà nước trước hết ghi nhận có hiện tượng mặn ở đó" - ông Cường nói và cho biết hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang phối hợp cùng các địa phương và các đơn vị xác định nguyên nhân.

Nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của việc sử dụng cát biển (nếu có) để san lấp, ông Cường cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Trồng trọt ban hành tiêu chuẩn cơ sở đất và nước, trong đó có yêu cầu nếu sử dụng cát biển có nhiễm mặn thì ở ngoài ranh giới phải đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn.

"Cục Trồng trọt cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn sản xuất, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội quốc gia nhưng cũng đảm bảo được quyền lợi, lợi ích của người sản xuất" - ông Cường nói thêm.

lua-chet-hau-giang-hx-17158471544681042975574-17183512851081458465251.jpg

Lúa chết bất thường gần công trình đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Vị Thủy, Hậu Giang - Ảnh: H.X

Bộ Giao thông khẳng định cao tốc dùng cát sông

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc phản ánh của giáo sư Nguyễn Ngọc Trân về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm.

Theo đó, Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh của giáo sư Nguyễn Ngọc Trân liên quan đến thiệt hại hai vụ lúa (nếu có) tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang.

Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản báo cáo Thủ tướng cho biết kết quả đo độ mặn của ruộng lúa đông xuân 2023 - 2024 bị thiệt hại 2,5‰ (ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28‰), độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại 0,1‰.

Kết quả thu hoạch đối với 2,23ha diện tích lúa bị ảnh hưởng chỉ đạt năng suất 6,04 tấn/ha, trong khi năng suất nơi bình thường là 7,6 tấn/ha. Ước tính thiệt hại 5,5 tấn so với các ruộng trong cùng khu vực nhưng không bị ảnh hưởng.

Đối với vụ hè thu 2024 (cũng diện tích nói trên) thì một số diện tích bị chết 70% và một số diện tích bị ảnh hưởng 20 - 50%. Kết quả đo độ mặn tại ruộng lúa bị chết 6,6‰, tại lòng đường cao tốc 1,8‰ và tại kênh thủy lợi 0,4‰.

Về phía Bộ Giao thông vận tải khẳng định các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nói chung, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cho rằng các thông tin lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng cát biển nhiễm mặn thi công cao tốc là thiếu cơ sở.

Bộ Nông nghiệp nói gì về việc áp thuế 5% với mặt hàng phân bón?

Liên quan đề xuất áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, ông Nguyễn Quý Dương, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết việc này được Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề xuất nhằm hạn chế phân bón nhập khẩu.

Theo ông Dương, trước đây ngành phân bón đề xuất đưa thuế giá trị gia tăng về 0% để hạn chế hàng nhập khẩu. Tuy nhiên sau khi chuyển phân bón thành mặt hàng không chịu thuế thì lại bị tác dụng ngược, phân bón trong nước bị cạnh tranh, rất khó khăn so với phân bón nhập khẩu.

Hằng năm Việt Nam sử dụng hơn 10 triệu tấn phân bón, nhập khẩu khoảng 3 - 4 triệu tấn/năm, trong khi công suất các nhà máy trên cả nước đạt gần 30 triệu tấn. Do vậy cần khuyến khích hàng trong nước.

Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính về việc áp thuế GTGT 5% đối với phân bón để khuyến khích doanh nghiệp phân bón trong nước. Việc này cũng nhằm giảm phân bón nhập khẩu.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020