Chuyên mục  


Tối 26/6, Phương Oanh Daily và Huỳnh Bảo, bộ đôi "Ngôi sao chốt đơn" trưởng thành từ cuộc thi KOC Việt Nam 2023, xuất hiện tại Trường Đại học Công Thương TP HCM để trình diễn các kỹ thuật bán hàng livestream như cách giới thiệu sản phẩm, ghim giỏ hàng, dùng thử và chốt đơn trước ống kính.

Các vị trí công việc khác nhau trong đội ngũ vận hành một phiên live được bộ đôi này thị phạm thực tế. Gần 1.000 đơn hàng được chốt trong 90 phút diễn ra phiên live.

Đây là một trong các hoạt động đào tạo kỹ năng mềm sinh viên do Trường Đại học Công Thương TP HCM và Startup Uni 5.0 hợp tác triển khai. Ban tổ chức kỳ vọng hoạt động này sẽ kích hoạt tinh thần khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, tăng cơ hội kinh doanh thành công cho sinh viên sau khi ra trường.

Buổi trình diễn livestream kick-off của Phương Oanh Daily và Huỳnh Bảo tại Trường Đại học Công Thương TP HCM. Ảnh: Ban tổ chức

Ngoài Đại học Công Thương TP HCM, một số trường cao đẳng, đại học khác gần đây cũng đưa livestream vào giảng dạy, cả ngoại khóa lẫn chính khóa. Trung tuần tháng 6, Đại học Gia Định và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức cho sinh viên trải nghiệm miễn phí khóa học livestream cùng các chuyên gia của House of Deera MCN.

Cao đẳng FPT Polytechnic thậm chí đưa livestream bán hàng vào giảng dạy từ năm 2017 qua các hoạt động chuyên đề và giao lưu trực tiếp với diễn giả, sau đó lồng ghép vào chương trình đào tạo. Giữa tháng 4, trường ký thỏa thuận hợp tác với MVOT X, thuộc Master Vietnam Online Trading. Theo đó, MVOT X sẽ đầu tư và phát triển hơn 1.000 phòng live chuyên nghiệp tại các cơ sở giáo dục của FPT Polytechnic TP HCM, giúp sinh viên có cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại để thực hành.

Thạc sĩ Thái Hoàng Khải, Đại diện Startup Uni 5.0 cho biết chọn livestream là hình thức thị phạm cho sinh viên bởi đây là công cụ hiện đại, cách hiệu quả để họ rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm. "Qua thực hiện livestream, sinh viên có thể học hỏi và thực hành các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian. Việc này giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp tương lai", ông Khải nêu.

Bán hàng qua livestream xuất hiện ở Việt Nam 8 năm gần đây, có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Đây cũng là tính năng được người dùng tận dụng để bán hàng trên các nền tảng xã hội, như Facebook. Phương thức này bắt đầu bùng nổ khi TikTok Shop có mặt ở Việt Nam vào 2022.

Từ năm ngoái đến nay, livestream "gây sốt" với hàng loạt phiên live doanh số khủng được công bố. Ví dụ hôm 4/4, Tiktoker Phạm Thoại có phiên live thu về 2 triệu USD. Hay ngày 5/5, Quyền Leo Daily công bố thu 100 tỷ đồng sau phiên live kéo dài 17 tiếng.

TS. Bùi Hồng Đăng, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công Thương TP HCM cho rằng để thành công trong môi trường kinh doanh hiện đại, nhà trường khuyến khích sinh viên sáng tạo, thích ứng nhanh chóng với thay đổi. Sinh viên có ý định khởi nghiệp trong thương mại điện tử thì hiểu biết về livestream được cho là cần thiết khi phương thức này thịnh hành.

Việc đưa livestream vào giảng dạy, theo ông Trần Vân Nam, Phó hiệu trưởng Cao đẳng FPT Polytechnic, Giám đốc FPT Polytechnic TP HCM, giúp sinh viên nhanh chóng thích ứng với sự phát triển của ngành thương mại điện tử và xu hướng tiếp cận khách hàng trực tiếp thông qua mô hình này.

Còn chuyên gia Mai Hoàng Phương Thảo của Accesstrade Việt Nam nói việc sinh viên thành thạo các nền tảng bán hàng qua mạng xã hội, nắm bắt nhu cầu nhóm khách hàng tiềm năng GenZ sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong quá trình thâm nhập thị trường.

Dỹ Tùng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020