Chuyên mục  


Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah phát nổ trên khắp Lebanon ngày 17-18/9, khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau loạt vụ nổ, trong khi Tel Aviv không bình luận về thông tin.

Phái bộ Lebanon tại Liên Hợp Quốc hôm 19/9 gửi thư cho Hội đồng Bảo an, nói rằng kết quả điều tra sơ bộ cho thấy các thiết bị liên lạc đã bị cài thuốc nổ trước khi được chuyển đến nước này. Giới chuyên gia đã nêu ra những cách mà bên tấn công có thể áp dụng để tiến hành chiến dịch trên quy mô lớn như vậy.

Anurag Srivastava, chuyên gia khoa học máy tính và kỹ thuật điện tử tại Đại học Tây Virginia ở Mỹ, cho biết bản thân bộ đàm và máy nhắn tin đã chứa một số thành phần thiết yếu cho thiết bị nổ, gồm pin và mạch điện tử đóng vai trò cơ chế kích hoạt. "Chỉ cần lắp thêm kíp và thuốc nổ để biến chúng thành bom điều khiển từ xa. Vi mạch điện tử cấy vào bảng mạch thiết bị sẽ có thể kích hoạt khối nổ khi máy nhận tín hiệu từ bên ngoài", Srivastava nói.

Đồ họa: Guardian, Apollo

Carl Robson, cựu chuyên gia xử lý bom mìn của quân đội Anh, nhận định khối chất nổ trong thiết bị "chỉ cần nặng không quá 2 g" để gây sát thương. "Kể cả khi không có chất nổ, kíp nổ gài trong máy vẫn có thể gây thương tích", Robson giải thích.

Trong thư gửi Liên Hợp Quốc, Lebanon nói rằng loạt thiết bị phát nổ sau khi nhận được tin nhắn.

Tiến sĩ Eyal Pinko, cựu đặc vụ tình báo Israel, giải thích tin nhắn có thể chứa chuỗi ký tự hoặc biểu tượng theo thứ tự cụ thể, có vai trò kích hoạt thiết bị nổ. "Kíp nổ dùng điện từ pin máy và kích hoạt khối thuốc nổ. Quá trình này diễn ra trong chớp mắt", ông nói.

Lực lượng cứu hộ và người dân Lebanon tại hiện trường vụ nổ máy nhắn tin ở Beirut ngày 17/9. Ảnh: Reuters

Sean Moorhouse, cựu chuyên gia xử lý bom mìn của lục quân Anh, nêu giả thuyết khác. "Thiết bị này sẽ phát ra tiếng bíp báo hiệu khi nhận tin nhắn. Bên tấn công có thể can thiệp vào mạch điều khiển, khiến phần điện cấp cho loa chuyển thành cấp cho kíp nổ khi nhận tin nhắn", ông cho hay.

Tuy nhiên, Moorhouse thừa nhận vẫn còn câu hỏi lớn về cách bên tấn công can thiệp và lập trình máy nhắn tin để chúng phản ứng với tin nhắn hoặc tín hiệu kích hoạt.

Chuyên gia Srivastava cũng đề cập một giả thuyết khác. Bên tấn công có thể truyền tín hiệu đặc biệt qua mạng di động tới máy nhắn tin, thiết bị sẽ phát nổ khi nhận được tín hiệu này.

Với cơ chế tương tự, bên tấn công thiết lập kênh sóng và tần số riêng trên bộ đàm, nhằm kích hoạt mạch điều khiển thiết bị nổ khi có tín hiệu đặc biệt.

Theo Srivastava, cấy mạch điều khiển kíp nổ vào mạch điện tử của thiết bị đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. "Vi mạch điều khiển cũng phải được lập trình để nhận dạng chuỗi âm thanh hoặc tín hiệu duy nhất, đảm bảo tính chính xác và giảm nguy cơ kích nổ ngoài ý muốn", ông cho biết.

Bộ đàm với nhãn dán in logo ICOM phát nổ tại Lebanon ngày 18/9. Ảnh: CNN

Chưa rõ chính xác loại chất nổ nào mà bên tấn công cài vào bộ đàm và máy nhắn tin của Hezbollah. Một số chuyên gia nhận định chất nổ có thể là PETN, TNT hoặc loại tương đương.

"Người ta có thể trộn các loại chất khác nhau để tạo ra thuốc nổ dẻo, có thể nhét vào mọi ngóc ngách trong máy nhắn tin", Andrea Sella, giáo sư tại Đại học London, cho biết.

Robson nói các video quay cảnh thiết bị liên lạc phát nổ tại Lebanon cho thấy bên đứng sau sử dụng "phương pháp rất giống nhau" trong các vụ tấn công. "Lượng thuốc nổ đồng đều, dù được cài bên trong các thiết bị khác nhau", ông nhận định.

Robson cho rằng số người thiệt mạng trong vụ nổ bộ đàm cao hơn do thiết bị này lớn, chứa được nhiều thuốc nổ hơn và cũng thường được sử dụng ở những nơi đông người. Vụ nổ bộ đàm diễn ra vào lúc nhiều thành viên Hezbollah đang tụ tập đưa tang những người thiệt mạng ngày hôm trước. Trong khi đó, máy nhắn tin có kích thước nhỏ và chủ yếu gây thương tích cho bản thân người sử dụng.

hai-ngay-lebanon-hon-loan-vi-loat-vu-no-thiet-bi-lien-lac-1726742113.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=A9ASAV0jNSbhjaQuRIaN9g
Hai ngày Lebanon hỗn loạn vì loạt vụ nổ thiết bị liên lạc

Hai ngày Lebanon hỗn loạn vì loạt vụ nổ thiết bị liên lạc. Video: Reuters

Loạt vụ nổ được nhận định đã "đánh vào gót chân Achilles" của Hezbollah khi phá hủy phương tiện liên lạc trọng yếu mà họ sử dụng. Một quan chức Hezbollah nhận định đây là "sự cố an ninh lớn nhất" mà nhóm đối mặt sau gần một năm leo thang đụng độ với Israel.

Giới chức Lebanon hiện cấm mang những loại thiết bị này lên máy bay hoặc vận chuyển chúng bằng đường hàng không. Lực lượng an ninh sân bay Lebanon tuyên bố sẽ tịch thu máy nhắn tin và bộ đàm nếu phát hiện ra chúng.

Nguyễn Tiến (Theo Sky News, WVU, AFP, AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020