Chuyên mục  


nam-tran-1-1726830977661732967114.jpg

Hàng trăm lồng bè của ông Long Văn Quảng - một trong những hộ nuôi trồng hải sản lớn nhất ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - đã bị bão số 3 đánh tan tác, giờ chỉ còn một ít sót lại - Ảnh: NAM TRẦN

Phát biểu tại hội nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 20-9, ông Đào Minh Tú đã thông tin như vậy.

116.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão lũ

Cụ thể, theo ông Tú, thống kê của ngành ngân hàng có 83.400 khách vay ngân hàng với tổng dư nợ ước tính 116.000 tỉ đồng bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Các tỉnh thành Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… là các địa phương có số dư nợ bị thiệt hại lớn nhất.

Để kịp thời chia sẻ khó khăn với khách vay, ông Tú cho biết các ngân hàng thương mại như Vietcombank, Agribank, BIDV, TPBank, VietinBank… đã chủ động giảm lãi suất 0,5-2% cho khách vay bị tổn thất do bão số 3.

Cũng theo ông Tú, nhiều doanh nghiệp, người dân đang rất khó khăn vì thiệt hại do cơn bão số 3 vừa rồi rất nghiêm trọng.

Do vậy, bằng chính nguồn lực của mình, trước hết, các ngân hàng thương mại dùng lợi nhuận và tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

"Tùy theo năng lực, quy mô mà các ngân hàng thương mại hỗ trợ với tinh thần khách hàng thiệt hại nhiều thì hỗ trợ nhiều, khách hàng bị thiệt hại ít thì hỗ trợ ít hơn" - ông Tú yêu cầu.

Ngân hàng phải tích cực cho vay mới

Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách vay sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, tại hội nghị, nhiều ngân hàng cũng cam kết các gói tín dụng ưu đãi cho vay mới . 

Theo đó, MB có gói 7.000 tỉ đồng; ngân hàng Lộc Phát thông tin gói tín dụng 8.000 tỉ đồng với lãi vay 6-6,5%/năm,…

Đồng tình với giải pháp này, ông Tú lưu ý rằng cần chú trọng việc triển khai thực hiện, đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, tránh câu chuyện có ý kiến nói "muốn vay lãi suất thấp, vay hỗ trợ thì lên ti vi mà vay".

Mặt khác, để chính sách hỗ trợ sớm đến với người dân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại phải chủ động liên hệ với khách hàng chứ không thể để khách hàng phải làm đơn thì mới xem xét hỗ trợ.

Sẽ có cơ chế giãn, hoãn nợ

Về giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát, góp phần hỗ trợ tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra cho năm nay là 6,8-7%.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng về trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp cũng như trích lập mức trích lập dự phòng rủi ro. Vì theo luật mới, quy định này là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Đây là căn cứ xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho việc giãn, hoãn nợ cho những khách vay bị thiệt hại cho riêng cơn bão số 3 này. Hiện chúng ta đã có cơ chế hỗ trợ cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai gây ra nhưng chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ có chỉ thị để toàn ngành tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách vay bị thiệt hại, nhất là những khách hàng bị mất trắng tài sản.

"Các chính sách, gói hỗ trợ mà ngân hàng đã công bố, cam kết là phải đi vào cuộc sống, vào người dân, doanh nghiệp – những khách vay bị thiệt hại. Vốn cho vay mới phải được triển khai khẩn trương, giúp người dân sớm khôi phục" - ông Tú nhắc lại công tác triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ và lưu ý thêm các ngân hàng cần linh hoạt khi cho vay. 

Nếu quy định, điều kiện quá chặt chẽ với những người đã bị mất trắng tài sản, đòi tài sản đảm bảo là rất khó. Nhưng hoạt động cho vay vẫn phải đảm bảo an toàn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020