Chuyên mục  


Hải quân Mỹ tuần này triển khai trực thăng vận tải CH-53K King Stallion để vận chuyển phần còn lại của nguyên mẫu F-35C đầu tiên, còn gọi là CF-1, từ căn cứ ở bang Maryland đến cơ sở cách đó khoảng 250 km về phía đông bắc ở bang New Jersey.

Trong video do War Zone đăng, chiếc CF-1 được vận chuyển bằng dây móc qua biển trong tình trạng chỉ có "khung thân không còn hoạt động, không có hệ thống nhiệm vụ, động cơ hay thiết bị phụ trợ". Tiêm kích F-35C có trọng lượng rỗng khoảng 15,7 tấn và chiếc CF-1 đã được tháo bỏ linh kiện sẽ nhẹ hơn con số này.

Máy bay KC-130 sau đó tới tiếp liệu cho trực thăng để nó có thể hoàn thành hành trình. Đoạn cuối video cho thấy chiếc CH-53K đã đưa được khung thân F-35C hạ cánh an toàn xuống căn cứ.

Tại đây, nó sẽ được dùng cho "hoạt động thử nghiệm các hệ thống phục hồi khẩn cấp", theo hải quân Mỹ.

my-khoe-nang-luc-cua-truc-thang-van-tai-100-trieu-usd-1714127386.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=itdUfX6vQ-IEWq5G_pEoQg
Mỹ khoe năng lực của trực thăng vận tải 100 triệu USD

Trực thăng CH-53K chở CF-1 bay qua biển hôm 24/4. Video: TWZ

CH-53K là trực thăng vận tải hạng nặng của thủy quân lục chiến Mỹ, được chuyển giao cho lực lượng này từ năm 2018. Mẫu trực thăng này có chiều dài 30 mét, cao 8,5 mét, phần cabin rộng hơn mẫu CH-35E khoảng 0,3 mét, có thể cất vừa một chiếc Humvee.

Phi cơ được trang bị ba động cơ tuốc bin trục T408-GE-400, đạt vận tốc hành trình 310 km/h, trần bay gần 5 km. Trực thăng có tải trọng bên ngoài tối đa là 16 tấn, được thiết kế để mang khối hàng hóa nặng 12 tấn di chuyển trong bán kính 200 km dưới điều kiện thời tiết nóng và ở độ cao lớn, gần gấp ba lần mẫu CH-53E tiền nhiệm.

Đây là mẫu trực thăng lớn nhất của quân đội Mỹ. Theo USNI News, CH-53K từng có giá lên tới 130 triệu USD, cao hơn cả tiêm kích F-35, song hiện đã giảm xuống còn khoảng 97 triệu USD.

Trực thăng CH-53K Mỹ tại Bắc Carolina tháng 5/2022. Ảnh: Wikipedia

Đây là lần thứ hai trực thăng CH-53K cẩu khung thân F-35C bay qua biển, sau lần đầu vào tháng 1/2023. Tuy nhiên, hải quân Mỹ khi đó không thực hiện kỹ thuật tiếp liệu trên không cho chiếc trực thăng.

"Cẩu hàng hóa lớn dưới trực thăng và tiếp liệu trên không là các nhiệm vụ phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là khi thực hiện cả hai cùng lúc", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick của War Zone nhận định. "Do đó, chuyến bay này sẽ cung cấp cho hải quân Mỹ các thông tin hữu ích về năng lực của CH-53K trong việc vận chuyển hàng hóa ngoại cỡ ở khoảng cách xa".

Thủy quân lục chiến Mỹ có kế hoạch mua tổng cộng 200 chiếc CH-53K để thay thế cho các mẫu CH-35E trong biên chế. Quá trình phát triển CH-35K trước đó nhiều lần bị trì hoãn và thủy quân lục chiến Mỹ chỉ mới tuyên bố phi cơ này đạt trạng thái sẵn sàng hoạt động ban đầu vào năm 2022.

Lực lượng này gần đây cũng phải lùi kế hoạch triển khai trực thăng này trên tàu đổ bộ, dự kiến là tới sau năm 2026.

Phạm Giang (Theo TWZ, USNI News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020