Có một số đứa trẻ khi còn nhỏ được mọi người ca tụng là thần đồng, luôn ngập chìm trong những lời khen ngợi như "thông minh", "giỏi giang", con nhà người ta", thế nhưng khi lớn lên lại đánh mất đi hào quang của mình.
Mọi người khi nhận xét một đứa trẻ thông minh thường chỉ là bề nổi, trên thực tế trí thông minh phải được đánh giá dựa trên khả năng tập trung cao độ, tư duy cẩn thận, tính tự giác cao, có mục tiêu sống rõ ràng.
Một đứa trẻ dù có tố chất thông minh nhưng sống hời hợt, không tự giác rèn luyện, chủ quan... theo thời gian sẽ thụt lùi và thua kém bạn bè.
Từng có một thời gian truyền thông rầm rộ đưa tin một chàng trai trẻ tên Zhang Ji (Trung Quốc) được Huawei tuyển dụng với mức lương hằng năm là 2,01 triệu tệ (khoảng 7,2 tỷ đồng). Cư dân mạng không tiếc lời khen ngợi anh là thiên tài.
Zhang Ji - thiên tài nhận được mức đãi ngộ "khủng" của Huawei.
Trên thực tế khi nhìn vào quá trình trưởng thành của Zhang Ji, không khó để nhận ra anh không phải là thiên tài. Anh không có tài năng, không đủ thông minh và xuất phát điểm thậm chí còn thua kém xa những đứa trẻ bình thường.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tiên, Zhang Ji đã trượt. Sau đó 1 năm, anh thi lại và đỗ vào một trường đại học tư thục. Tại đây, anh đã làm lại cuộc đời mình bằng tính tự giác và sự tập trung cao độ.
Phương châm sống của Zhang Ji là "người ta đã giỏi lại còn chăm chỉ, hà cớ gì bạn không nỗ lực".
Khi bắt đầu cuộc sống đại học, anh đã xây dựng kế hoạch học tập 4 năm và thực hiện nghiêm túc. Để nghe tốt hơn, anh luôn đến lớp sớm và ngồi ở hàng ghế đầu trong giờ học. Ngoài giờ học, anh luôn ở trong thư viện hoặc phòng tự học.
Bằng sự nỗ lực và chăm chỉ của bản thân, cuối cùng anh không chỉ lấy được bằng thạc sĩ với kết quả xuất sắc mà còn tiếp tục học và lấy bằng tiến sĩ. Chỉ khi đó anh mới được mọi người ca tụng.
Trí thông minh thực sự bắt nguồn tính tự giác, sự tập trung và kiên trì. Đây mới là yếu tố quyết định trẻ có duy trì được thành tích xuất sắc của bản thân lâu dài hay không.
Trẻ em không thể tiến xa nếu chỉ dựa vào trí thông minh bẩm sinh của mình. Mở rộng tầm nhìn và học cách trau dồi khả năng học tập là vũ khí thần kỳ mà trẻ có thể sử dụng trong suốt cuộc đời.
1. Sự tập trung: Cải thiện tính nghiêm túc của trẻ
Có một ông bố đã lén quay lại toàn bộ quá trình con mình làm bài tập về nhà. Lúc thì đẩy cửa, lúc thì gõ vào tường, lơ đãng, ngơ ngác, đi vệ sinh, làm đủ thứ việc nhỏ nhặt nhưng lại không chịu làm bài tập. Trong tổng số 9 phút, đứa trẻ chỉ có 2 phút dành cho việc làm bài tập về nhà.
Giáo sư Li Meijin cho biết: "Không phải trí thông minh quyết định kết quả học tập của trẻ mà là sự chú ý".
Trong cùng 1 giờ, trẻ có khả năng tập trung tốt sẽ tiêu tốn 100% năng lượng, còn trẻ kém tập tốn ít hơn 50%. Trong tương lai, khoảng cách 50% sẽ trở thành một sự khác biệt rất lớn.
Nuôi dưỡng khả năng tập trung của trẻ là sự giúp đỡ tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con mình. Thứ nhất, cha mẹ phải học cách không làm phiền con cái. Thứ hai, họ phải giảm bớt việc cằn nhằn, khiển trách. Cuối cùng, họ phải rèn luyện thói quen làm mọi việc có mục tiêu và kế hoạch để con cái noi theo.
2. Tự chủ: Giúp trẻ làm chủ cuộc sống của mình
Có một thí nghiệm kẹo dẻo nổi tiếng trong tâm lý học. Cho một nhóm trẻ mẫu giáo ngồi trên ghế với những món ăn nhẹ yêu thích của chúng như kẹo dẻo. Nếu có thể chịu đựng được 15 phút trước khi ăn, trẻ sẽ được cho thêm. Nhưng nếu ăn ngay sẽ không có thưởng.
Sau thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc điều tra theo dõi lâu dài trên những đứa trẻ này và nhận thấy rằng, những đứa trẻ kiên trì được trên 15 phút hầu hết sẽ có sự nghiệp thành công trong công việc và cuộc sống sau này. Ngược lại, trẻ ăn kẹo dẻo nhanh không giỏi ứng phó với căng thẳng và thiếu khả năng ứng phó với cuộc sống.
Để rèn luyện khả năng tự chủ của trẻ, cha mẹ phải cho con quyền lựa chọn. Chỉ những đứa trẻ có khả năng đưa ra quyết định mới có thể kiểm soát bản thân tốt hơn. Ngoài ra, cha mẹ phải làm gương tốt để khuyến khích trẻ có tính tự giác, tự chủ.
3. Ý thức về mục đích: Đánh thức động lực bên trong của trẻ
10 năm trước, một người cha đưa 2 đứa con sinh đôi của mình đến thăm Đại học Thanh Hoa. Từ đó trở đi, 2 anh em quyết tâm nộp đơn vào Đại học Thanh Hoa trong tương lai.
Dưới sự hướng dẫn của ý thức mục đích mạnh mẽ này, từ cấp 1 cho tới cấp 2, 2 đứa trẻ luôn có động lực, ý thức và tính tự giác cao trong học tập. Cuối cùng, cả 2 anh em đều được nhận vào Đại học Thanh Hoa và thực hiện được ước mơ của mình. Họ chính là Du Yilang và Du Youlang sống ở Vân Nam, lần lượt đạt được 703 và 730 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Nhà giáo dục Qian Zhiliang cho biết: "Nếu bạn muốn kích thích động lực bên trong của trẻ, điều rất quan trọng là giúp chúng đặt ra mục tiêu, nghĩ xem chúng muốn trở thành kiểu người nào".
Mục tiêu là ý nghĩa để trẻ nỗ lực phấn đấu và là động lực để trẻ tiến về phía trước. Muốn con kiên trì học tập lâu dài và nỗ lực hoàn thiện bản thân, cha mẹ phải nuôi dưỡng ý thức sống có mục đích cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Trước tiên, cha mẹ có thể giúp trẻ tìm ra những mục tiêu lớn trong cuộc sống, sau đó chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ, dễ thực hiện và dễ đạt được để trẻ có thể từng bước tiến về phía trước.