Chuyên mục  


Hàng trăm triệu người ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á đối mặt cái nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày nay. Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar với 8 triệu dân, nhiều người chỉ cảm thấy dễ thở hơn vào buổi tối và ở công viên, nơi có bóng mát tự nhiên và gió nhẹ.

"Bố mẹ tôi không thể ở trong nhà buổi chiều", một cư dân Yangon cho hay khi đang hóng gió ở hồ Inya tối 26/4. "Tôi thấy năm nay nóng hơn nhiều so với năm ngoái".

Trẻ em vui đùa trong công viên ở Yangon ngày 26/4. Ảnh: AFP

Mya Aye, 62 tuổi, ngày nào cũng tới công viên vì cứ 17h là nhà mất điện. "Trong nhà quá nóng, trẻ em và người già đều không chịu nổi", bà nói.

Theo cơ quan thời tiết Myanmar, nhiệt độ ngày 25/4 cao hơn 3-4 độ C so với mức trung bình tháng 4. Tại Chauk, vùng Magway, nhiệt độ lên tới gần 46 độ C ngày 24/4.

Nhiệt độ toàn cầu năm ngoái cao chưa từng có. Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết châu Á đang nóng lên với tốc độ cực kỳ nhanh và tác động của các đợt nắng nóng trong khu vực đang ngày càng nghiêm trọng.

Thái Lan ngày 25/4 ban cảnh báo khi chỉ số nóng bức ở Bangkok vượt 52 độ C. Sốc nhiệt đã khiến ít nhất 30 người tử vong ở Thái Lan từ đầu năm tới nay. Chỉ số nóng bức là chỉ số kết hợp nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí, hay còn gọi là "nhiệt độ không khí theo cảm nhận".

Tại Philippines, cơ quan thời tiết quốc gia cho hay chỉ số nóng bức ở 38 thành phố và đô thị, trong đó có Manila, ở vùng nguy hiểm ngày 25/4, khi lên tới 42-51 độ C.

"Có thể xuất hiện các triệu chứng chuột rút, kiệt sức vì nóng", đồng thời tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ nếu tiếp xúc liên tục với nắng nóng, cơ quan này cho hay.

Một khu dân cư bị nhấn chìm khi xây dựng con đập ở phía bắc đất nước vào những năm 1970 đã lộ ra do mực nước giảm vì đợt hạn hán đang ảnh hưởng tới nhiều khu vực trong nước. Tháng 3 và tháng 4 là những tháng nóng nhất, khô hanh nhất ở Philippines nhưng năm nay, thời tiết khó chịu hơn bởi El Nino.

Khoảng một nửa số tỉnh của Philippines, trong đó có Nueva Ecija, đang hạn hán. Mực nước giảm khiến hai nhà máy thủy điện ngừng hoạt động từ đầu tháng, sớm hơn so với thời điểm ngừng hoạt động bình thường là 1/5. Thiếu nước cũng buộc nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng rau.

Dela Cruz cho hay đang cầu trời đổ mưa dù nếu trời mưa, ngôi nhà cũ của bà sẽ biến mất khỏi tầm mắt. "Nông dân chúng tôi cần nước tưới tiêu", bà nói. Nhiệt độ không khí ở Nueva Ecija lên tới 37 độ C đa số các ngày trong tuần này, với chỉ số nóng bức trên mức nguy hiểm 42 độ C.

Nhiệt độ ở Nam Á và Đông Nam Á ngày 21/4. Khu vực màu cam và cam đậm có nền nhiệt từ 30 tới 40 độ C. Ảnh: Windy

Nhiệt độ khắp Bangladesh đã lên hơn 42 độ C trong tuần này. Nắng nóng khiến hàng nghìn người tập trung trong các nhà thờ Hồi giáo ở thành phố và trên các cánh đồng ở nông thôn để cầu nguyện, mong trời bớt nóng. Nhiều trường phải cho học sinh nghỉ học.

Mohua Akter Nur, học sinh trung học, cho hay trời nóng khiến cô bé không làm nổi bài tập về nhà. Rất ít trường học ở thủ đô Dhaka lắp điều hòa và cố gắng dạy học ở trường là vô ích. Tuy nhiên, trường cho nghỉ học cũng không khiến Nur, 13 tuổi, nhẹ nhõm hơn. Ngôi nhà chật chội một phòng ngủ mà cô bé ở cùng bố mẹ và em trai khiến Nur cảm thấy ngột ngạt như ngoài đường.

"Nắng nóng không chịu nổi. Trường học đóng cửa nhưng cháu cũng không thể học ở nhà. Quạt điện không đủ để làm mát", Nur nói. "Khi cắt điện một, hai tiếng, cảm giác thật khủng khiếp".

Rusmana Islam, mẹ của Nur, cho hay "năm ngoái trời cũng nóng, nhưng năm nay nóng quá mức, nóng chưa từng thấy. Không thể chịu nổi. Nếu ở quê còn có thể ra ngoài, ngồi hóng mát dưới bóng cây. Gió từ ruộng thổi tới. Nhưng ở Dhaka, chỉ có thể ở trong nhà".

Người Hồi giáo Bangladesh cầu trời đổ mưa ở Dhaka ngày 24/4. Ảnh: AFP

Chính quyền Bangladesh dự kiến mở cửa trường học trở lại vào 28/4. Bangladesh, với 171 triệu dân, là một trong những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Quốc gia này bị lốc xoáy và lũ lụt tàn phá với tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn. Đợt nắng nóng khắc nghiệt cũng làm bùng phát dịch tiêu chảy ở miền nam đất nước, do nhiệt độ cao dẫn tới độ mặn trong nguồn nước tăng lên.

Xung quanh tòa chung cư gia đình Nur sinh sống còn có hàng chục hộ gia đình thu nhập thấp. Người lớn cố gắng chống chọi với cái nóng bằng cách ngủ gà gật trong nhà suốt buổi chiều.

Mohammad Yusuf, 40 tuổi, làm lái xe, cho hay "thời tiết nóng gay gắt tới nỗi khó mà lái xe trong điều kiện thế này. Có thể dễ chịu hơn một chút khi bật điều hòa, nhưng lúc ra ngoài xe, cảm giác như đang bị thiêu".

Nepal, quốc gia miền núi, cũng ban hành cảnh báo y tế và đặt các bệnh viện trong tình trạng báo động ngày 25/4 khi nhiệt độ tăng vọt lên 40 độ C ở hai tỉnh phía nam

"Nhiệt độ hôm qua là 43 độ C và mọi người bắt đầu mệt mỏi. Chúng tôi nhận được nhiều tin báo người dân tiêu chảy, mất nước, chóng mặt đau đầu", Krishna Kumar Gupta, quan chức tỉnh miền nam Lumbini, cho hay.

Người phụ nữ mặc áo chống nắng đi lại trên đường phố Bangkok ngày 1/4. Ảnh: AFP

Tại Ấn Độ, quốc gia đang diễn ra cuộc bầu cử dài 6 tuần bắt đầu từ 19/4 với 969 triệu cử tri, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari đã ngất xỉu khi đang phát biểu trong cuộc mít tinh vận động tranh cử ở bang Maharashtra.

"Tôi cảm thấy khó chịu vì thời tiết oi nóng tại cuộc mít tinh nhưng giờ đã khỏe mạnh trở lại", Bộ trưởng Gadkari thông báo trên X.

Cơ quan khí tượng quốc gia Ấn Độ dự đoán đợt nắng nóng khắc nghiệt sẽ kéo dài ít nhất 5 ngày tới tại miền đông và nam đất nước. Các chuyên gia cũng cảnh báo Mumbai, thủ phủ bang Maharastra, dự kiến ghi nhận mức nhiệt hơn 40 độ C từ ngày 27 tới 29/4.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020