Chuyên mục  


Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, năm 2022, sẽ có gói hỗ trợ lãi suất để tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COVID-19 - Ảnh: CTV

Trao đổi với báo giới sau cuộc họp báo về điều hành hoạt động ngân hàng năm 2022 hôm 28-12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong năm 2022 sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô cũng như đảm bảo giá trị đồng tiền, tỉ giá.

Điều hành lãi suất theo hướng ổn định, các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình tiếp tục hạ lãi suất cho vay, cộng với hỗ trợ từ Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ tạo hiệu ứng chung để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt những lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực cần thiết ưu tiên.

Để đáp ứng các nhu cầu vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm 2022. Còn dư nợ năm 2022 có thể cao hơn nhưng cũng có thể thấp hơn mức này, tùy theo tín hiệu của nền kinh tế, nhu cầu vốn của nền kinh tế và đặc biệt là mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022.

Như năm 2021, tăng trưởng tín dụng được đặt ra là 12%. Tuy nhiên nhằm đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có nhu cầu vốn xử lý nhu cầu cấp bách, Ngân hàng Nhà nước đã nới tín dụng vào mấy tháng cuối năm. Ước dư nợ toàn nền kinh tế trong năm nay đạt khoảng 13,5-14%.

Về tín dụng cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có biểu hiện không lành mạnh, ông Tú khẳng định ngân hàng sẽ không những không tập trung vốn cho những lĩnh vực này mà còn kiểm soát chặt chẽ.

Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra, giám sát những khoản tín dụng có liên quan đến lĩnh vực rủi ro, những doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa đảm bảo an toàn trong thời gian qua.

"Tóm lại những lĩnh vực có rủi ro cao thì chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ. Tất nhiên trong bất động sản thì tín dụng cho nhà ở xã hội, cho nhu cầu mua bán nhà ở thực tế, cần thiết của người dân thì vốn sẽ được tiếp tục tăng cường vào đây. Những lĩnh vực dẫn đến tình trạng đầu cơ, đẩy giá bất động sản gây bong bóng thì phải được kiểm soát kỹ hơn" - ông Tú nhấn mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị tác động của đại dịch, gói hỗ trợ lãi suất dự kiến có quy mô và mức cấp bù là bao nhiêu? Cũng theo ông Tú, hiện nay mới chỉ là chủ trương, đề xuất từ các bộ ngành khi xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có nội dung gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Gói hỗ trợ lãi suất là giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là một trong những biện pháp mà Chính phủ đặt ra để hỗ trợ cho những doanh nghiệp thực sự khó khăn do chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ có chọn lọc để đảm bảo nguồn lực của ngân sách.

Để triển khai gói này, sau khi Chính phủ thống nhất, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ thẩm tra, trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thậm chí được đưa ra Quốc hội.

Kiều hối năm nay đạt 12,5 tỉ USD

Tại cuộc họp báo, ông Đào Minh Tú cho biết kiều hối năm nay về 12,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng góp phần ổn định thị trường ngoại hối và dự trữ ngoại hối.

Về con số kiều hối nói trên chênh lệch với nhận định của Ngân hàng Thế giới mới đưa ra là 18,6 tỉ USD, ông Đào Xuân Tuấn - vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) - khẳng định 12,5 tỉ USD là thống kê chính xác lượng kiều hối về Việt Nam. Vì qua các tổ chức tiếp nhận kiều hồi, Ngân hàng Nhà nước nắm được ai chuyển và địa chỉ nhận…

Ngân hàng sẽ bị chế tài, không được nới ‘room’ tín dụng nếu không giảm lãi suất cho vay

TTO - Ngân hàng Nhà nước TP.HCM sẽ giám sát việc thực hiện giảm lãi suất cho vay theo sự đồng thuận của 16 ngân hàng với Hiệp hội Ngân hàng. Ngân hàng nào không thực hiện nghiêm sẽ bị xử lý.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020