Ngày 25/12, hơn một năm sau khi bị bắt, Đào Thị Oanh, 33 tuổi, trú tỉnh Hưng Yên cùng 5 đồng phạm bị TAND Hà Nội xét xử về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, theo khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự.
5 bị cáo còn lại gồm: Đoàn Văn Thức, 33 tuổi, trú tỉnh Hưng Yên; Nguyễn Hồng Anh, 42 tuổi và Nguyễn Thị Hồng Hạnh, 35 tuổi, cùng trú Hà Nội; Vũ Thùy Linh, 26 tuổi trú tỉnh Hải Dương và Mai Thị Thu Hà, 25 tuổi, trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng ngày, toà thông báo vụ án được trả hồ sơ để điều tra bổ sung, song không nêu lý do.
Đào Thị Oanh (trái) và Nguyễn Hồng Anh khi bị bắt hồi tháng 7/2023.. Ảnh: Bộ Công an
Cáo trạng của VKSND Hà Nội xác định đầu năm 2021, Oanh quen Nguyễn Thụy Hương Trầm, 31 tuổi, trú TP HCM, làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế và liên kết cùng làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế trái phép.
Trầm có nhiệm vụ tìm đối tác nước ngoài đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và khách hàng có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài. Oanh có 3 nhiệm vụ: kiếm khách hàng có nhu cầu chuyển tiền; thành lập và cung cấp cho Trầm các công ty ở Việt Nam để đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và mở tài khoản ngân hàng; sử dụng tài khoản các công ty này để nhận tiền trong nước và chuyển tiền đến tài khoản của các công ty ở nước ngoài.
Trước khi chuyển tiền, Trầm chuyển bảng kê số liệu chuyển tiền ra nước ngoài vào nhóm Zalo, Telegram (số lượng đơn hàng và tỷ giá USD, từ đó quy đổi ra tiền VNĐ) để Oanh biết ngày hôm sau sẽ phân bố vào tài khoản của từng công ty là bao nhiêu. Mỗi công ty có thể có nhiều đơn hàng, mỗi đơn hàng là một hợp đồng nhập khẩu.
Trầm có nhân viên tên Bảo chuyên soạn hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống với đối tác nước ngoài (đã có sẵn chữ ký của đối tác người ngoài) để Oanh tải về, in ra và ký giả chữ ký của giám đốc các công ty bên mua. Nhân viên tên Thương chuyên cập nhật theo dõi dòng tiền để Trầm chuyển bảng kê số liệu chuyển tiền ra nước ngoài.
Nhà chức trách cáo buộc, trong 10 tháng từ 11/2021-8/2022, Oanh tổ chức, chỉ đạo 5 đồng phạm mua, thành lập, sử dụng 9 công ty tại Hà Nội, TP HCM và Hưng Yên; mở tài khoản tại các ngân hàng có chứng năng thanh toán quốc tế; lập 2013 hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống (phụ tùng xe máy, ôtô, muối tinh, kim loại, điện tử, quần áo, gia dụng...) với 1739 công ty, tại 41 quốc gia.
Oanh được Trầm chia 15-30 đồng cho mỗi USD chuyển ra nước ngoài trót lọt.
Bị can Hồng Hạnh, Linh, Hà (từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an
Thực tế, sau khi chuyển tiền ra nước ngoài, Oanh không làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, không có chứng từ nhập khẩu hàng hóa nộp cho các ngân hàng, không khai báo thuế.
Oanh đã sử dụng các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống này để 9 công ty chuyển tiền thanh toán trước hợp đồng nhập khẩu, thực tế là để chuyển tiền ra nước ngoài trái phép, tổng 3.923 tỷ đồng.
Sau khi chuyển tiền, Oanh chỉ đạo giải thể các công ty nêu trên để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Đến tháng 8/2022, khi Oanh và Trầm không hợp tác làm ăn chung nữa họ cũng xóa dữ liệu trên các nhóm Zalo, Telegram.
VKS cáo buộc, nguồn tiền chuyển đến 9 công ty này đến từ 29 cá nhân và 8 công ty. Còn nguồn tiền đầu vào của 29 cá nhân và 8 công ty trên là từ 946 cá nhân và 9 công ty khác chuyển đến, với tổng số tiền hơn 20.000 tỷ đồng.
Điều này cho thấy số tiền đã chuyển đi nước ngoài trót lọt (3.923 tỷ đồng), chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng số tiền cần chuyển đi.
Khách hàng cần chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, họ là ai?
Cơ quan điều tra xác định, Trầm có quảng cáo dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài trên mạng xã hội, và nguồn khách chủ yếu đến từ đây, đều là các "đại lý trung gian", khách hàng thật sự không ra mặt.
Các "đại lý" này sẽ thu gom trực tiếp hoặc gián tiếp tiền của khách hàng, sau đó thuê Oanh, Trầm chuyển ra nước ngoài
Với tiền chuyển khoản, đại lý sẽ chuyển tiền vào tài khoản rác, sau đó chuyển tiền từ tài khoản rác vào tài khoản của các 9 công ty vỏ bọc của Oanh. Nếu là tiền mặt, Oanh nhận trực tiếp của "đại lý", sau đó nộp vào tài khoản của các công ty vỏ bọc. Nếu đại lý là "mối hàng" của Trầm, phía Trầm sẽ cử người nhận tiền mặt, Oanh không biết.
Các công ty vỏ bọc này, sau khi nhận tiền, sẽ làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài theo các hợp đồng khống nhập khẩu hàng hóa, như đã nêu trên.
Tại cơ quan điều tra, các bị can thừa nhận hành vi, tổng tiền hưởng lợi là 2,4 tỷ đồng, hiện họ đã nộp lại hơn 560 triệu đồng.
Kết quả xác minh tại Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021- 2023 9 công ty trên không mở tờ khai xuất nhập, nhập khẩu; không có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Xác minh tại Cục Phòng chống rửa tiền và các Ngân hàng, cơ quan điều tra đã thu thập được hồ sơ liên quan các giao dịch đáng ngờ liên quan các bị can và 9 công ty trên, sao kê chi tiết 2013 lần 9 công ty của Oanh chuyển tiền ra nước ngoài theo các hợp đồng nhập khẩu khống.
Trầm đã xuất cảnh sang Mỹ tháng 2/2023, số lượng công ty khác có dấu hiệu chuyển tiền trái phép và nhóm đối tượng liên quan gồm đối tượng trung gian, khách hàng chuyển tiền ra nước ngoài... là rất lớn nên cơ quan điều tra quyết định tách hồ sơ để điều tra, xác minh làm rõ sau.
Thanh Lam