"Chính sách thu phí túi giấy áp dụng từ 26/12, để cộng đồng làm quen với lối sống bền vững", theo đại diện Starbucks. Phí này cũng áp với đơn đặt hàng qua ứng dụng của doanh nghiệp. Một phần khoản thu, theo công bố của họ, dành hỗ trợ cho hoạt động trồng rừng với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia.
Bao bì mang đi cho combo cà phê và bánh ăn sáng tại Starbucks gồm cốc nhựa kèm nắp, khay bìa dùng một lần để cố định cốc, hai lớp giấy bọc bánh và túi giấy, kèm một túi giấy to hơn có quai xách bao ngoài.
Các loại bao bì cho một đơn combo mang đi tại Starbucks Duy Tân, ngày 27/12. Ảnh: Bảo Bảo
Phụ thu phí túi mang đi cũng là giải pháp của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nhằm giảm thải bao bì. Decathlon thu 6.000 đồng, H&M cũng áp mức phí 2.000 đồng với túi giấy từ ba năm trước.
Một số khách hàng cho rằng chính sách phụ thu này có chút phiền khi bị thu lần đầu, nhưng sẽ ủng hộ nếu khoản thu được dùng đúng cách cho các hoạt động giảm rác thải và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chính sách này sẽ thuyết phục hơn nếu áp lên bao bì thiếu bền vững như nhựa.
Ngoài thu phí bao bì, nhiều doanh nghiệp áp dụng biện pháp giảm thải bao bì khác. MM Mega Market, TokyoLife không cung cấp túi nilon cho khách, hay Aeon cung cấp lựa chọn mượn túi với khoản đặt cọc 5.000 đồng, được trả vào lần mua tiếp.
Highlands Coffee cũng có động thái mới trong bảo vệ môi trường, với việc giảm 8.000 đồng cho người dùng mang theo cốc cá nhân. Nhân viên tại cơ sở PVI Tower (Cầu Giấy) cho biết chính sách này hiện áp dụng vào thứ hai hàng tuần. Chính sách tương tự cũng được Starbucks áp dụng trước đó, không giới hạn thời gian.
Các doanh nghiệp đang cố gắng giảm thiểu rác bao bì trong bối cảnh Việt Nam thải trung bình 30 tỷ túi nilon mỗi năm, theo Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam hồi tháng 7/2023. 80% trong số đó bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Áp một khoản phí nhỏ lên bao bì hay giảm giá khi khách mang túi/cốc cá nhân là giải pháp tham khảo tốt trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng bền vững đang lên, theo ông Đoàn Đức Thuận – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.
Ông Thuận cho rằng những sáng kiến như vậy cần điều chỉnh để phù hợp với Việt Nam. Một số gợi ý là áp dụng khoản phí nhỏ cho các bao bì không thân thiện môi trường, hoặc tạo ra các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường mang dấu ấn thương hiệu như túi vải hoặc bình nước.
Bên cạnh đó, ông khuyến nghị doanh nghiệp nên kết hợp với các chương trình tích điểm, đổi quà để khuyến khích thói quen xanh của khách hàng, đồng thời đẩy mạnh truyền thông với sự xuất hiện của khách hàng.
"Nên để khách hàng thấy được đóng góp của mình trong hành trình bền vững cùng doanh nghiệp. Đây không chỉ là chiến lược phát triển bền vững mà còn là cách xây dựng hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm, gắn kết lâu dài với khách hàng", ông Thuận nói.
Phụ thu túi mang đi khá phổ biến ở nước ngoài. Tại Mỹ, nhiều bang và thành phố tiến hành lệnh cấm túi nhựa và tính phí cho các loại túi thay thế như túi giấy. New York cấm túi nhựa từ năm 2020 và áp phí 5 cent với túi giấy, không có định mức phí cho túi tái chế. Phí này sẽ khuyến khích khách hàng mang túi cá nhân, giảm thiểu thải bao bì dùng một lần, đặc biệt túi nilon ra môi trường.
Báo cáo "Hiệu quả của lệnh cấm túi nilon" tháng 1/2024 phát hiện rằng chính sách này khi áp dụng ở ba tiểu bang New Jersey, Philadelphia, Vermont và hai thành phố Portland (Oregon), Santa Barbara (California) đã giảm số lượng túi nhựa dùng một lần khoảng 6 tỷ mỗi năm. 6 tỷ túi nilon này nếu nối dài có thể quấn vòng quanh Trái Đất 42 lần, theo nhóm thực hiện báo cáo.
Anh thu phí túi dùng một lần từ năm 2014 với mức ban đầu là 5 pence, đến năm 2021 tăng lên 10 pence. Sau 10 năm áp dụng, lượng rác nhựa thải ra biển của nước này giảm 80%.
Phí túi giấy cần song hành cùng lệnh cấm túi nilon, theo kinh nghiệm từ thành phố College Park (Maryland, Mỹ). Nếu không tính phí, lệnh cấm túi nilon mang đi sẽ dẫn đến việc lạm dụng túi giấy. Theo kinh nghiệm học hỏi từ thành phố Laurel (bang Mississippi), sau lệnh cấm túi nilon, tỷ lệ người mua sử dụng túi giấy đã tăng vọt từ dưới 1% lên 68%, việc dùng túi tái sử dụng tăng từ 5% lên 14%. Số người không lấy tăng từ 7% lên 14%...
Thủy Trương