Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn - Ảnh: C.TUỆ
Đây là nội dung được nhiều chuyên gia, đại biểu quan tâm, thảo luận tại diễn đàn ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vắc xin thú y tại Việt Nam - do báo Nông Nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Thú y, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 28-12.
Ông Lê Toàn Thắng, trưởng Phòng quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), cho biết Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vắc xin thú y.
Cả nước hiện đăng ký lưu hành 218 loại vắc xin, trong đó có một số loại vắc xin quan trọng như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dại. Đặc biệt, những năm gần đây Việt Nam hợp tác nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin dịch tả heo châu Phi.
So với các nước và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Indonesia, Đài Loan..., Việt Nam là nước đứng đầu trong khu vực về sản xuất vắc xin thú y.
Tuy nhiên mỗi năm Việt Nam chi gần 100 triệu USD nhập khẩu các loại vắc xin cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...; còn sản xuất khoảng hơn 30 triệu USD dù năng lực sản xuất của chúng ta có thể nâng cao hơn.
Đơn cử vắc xin cúm gia cầm, năng lực sản xuất vắc xin trong nước có thể nhiều hơn gấp đôi nhưng do một số doanh nghiệp, nông dân còn tư tưởng "sính ngoại" nên chỉ sản xuất theo nhu cầu của thị trường với khoảng gần 200 triệu liều, còn nhập khẩu gần 550 triệu liều.
Về vấn đề tại sao vắc xin sản xuất trong nước vẫn chưa được sử dụng nhiều, ông Nguyễn Hữu Vũ - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Hanvet - cho rằng thực tiễn sẽ chứng minh chân lý, mình cứ khen tốt, khen hay mà người ta không dùng thì mình phải xem lại.
Tuy nhiên cũng có nguyên nhân là danh tiếng của Việt Nam chưa cao so với các "bậc đàn anh" như Pfizer. Hơn nữa trình độ sản xuất, đặc biệt kiểm soát chất lượng còn kém. Các tập đoàn chăn nuôi không dùng và các doanh nghiệp chăn nuôi chưa ủng hộ tích cực.
"Tự nhận xét, chất lượng vắc xin của Hanvet có lẽ chỉ khoảng 80% so với nước ngoài", chủ tịch Hanvet bày tỏ và thừa nhận độ phủ của vắc xin Việt Nam còn tương đối thấp.
Việt Nam là nước duy nhất sản xuất thành công vắc xin dịch tả heo châu Phi - Ảnh: C.TUỆ
TS Nguyễn Thị Hương, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật thú y Việt Nam, cũng nói tâm lý "sính ngoại" khi sử dụng vắc xin là điểm nghẽn của việc thúc đẩy, sử dụng vắc xin trong nước.
Theo bà Hương, bên cạnh nâng cao chất lượng vắc xin của doanh nghiệp trong nước, cần đầy mạnh tuyên truyền, làm sao càng nhiều người biết đến vắc xin nội, biết tới khả năng của vắc xin nội càng tốt.
"Chất lượng tạo nên thương hiệu. Khi vắc xin nội đã đảm bảo chất lượng, rất cần sự ủng hộ của người chăn nuôi", bà Hương nói.
Ông Phan Quang Minh - phó cục trưởng Cục Thú y - khẳng định việc tiêm vắc xin vẫn là giải pháp căn cơ nhất để phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi tại nước ta. Việc sử dụng vắc xin nội hay ngoại do nhiều yếu tố, có thể do lịch sử để lại, thói quen, tâm lý người tiêu dùng, giá cả hoặc công tác truyền thông.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng vắc xin theo chuỗi, cùng với con giống, các loại thuốc thú y và nhiều công nghệ khác. Do vậy, việc thâm nhập vắc xin vào nhóm đối tượng này gặp nhiều cạnh tranh.
"Có lẽ chúng ta cần không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp thị và cải thiện giá cả của vắc xin nội, làm sao để đảo ngược tỉ lệ 30-70 như bây giờ", ông Minh nhấn mạnh.