Đại dịch đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tuy nhiên, theo nhiều phương diện, cuộc sống đã gần như trở lại bình thường với nhiều người. Việc này phần lớn là nhờ các loại vaccine Covid-19, trong đó có vaccine của Pfizer. Đây là một trong những lý do chính CNN chọn CEO Pfizer Albert Bourla làm CEO của năm.
CNN đã cân nhắc nhiều CEO khác cho danh hiệu này năm nay. Trong đó có Lisa Su của AMD, Jim Farley của Ford, Marvin Ellison của Lowe's, David Solomon của Goldman Sachs, Sundar Pichai của Alphabet và dĩ nhiên cả Elon Musk của Tesla/SpaceX.
Tuy nhiên, Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong cả năm qua, giúp ích cho kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. "Pfizer đã làm nhiều điều có lợi cho nhân loại và chúng tôi rất tự hào về điều đó", Bourla cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN, "Chúng tôi không chỉ cứu sống nhiều bệnh nhân, mà còn tạo được danh tiếng khá tốt cho doanh nghiệp".
Pfizer không phải là công ty duy nhất phát triển vaccine. Tuy nhiên, tên tuổi của công ty này lại gắn liền với cuộc chiến chống Covid. Vaccine của Pfizer/BioNTech là vaccine đầu tiên được cấp phép tại Mỹ để sử dụng cho nhóm tuổi 5 – 11.
CEO Pfizer Albert Bourla trong một sự kiện hồi tháng 4. Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, Pfizer cũng đang phát triển loại thuốc uống có thể giảm đáng kể rủi ro triệu chứng nặng, nhập viện và tử vong với những người nhiễm bệnh. Dù vậy, Bourla cho biết thuốc này không thay thế vaccine.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron gần đây đã gây lo ngại trên toàn cầu về hiệu quả của những loại vaccine hiện tại. Tuy nhiên, Bourla cho biết ông tin rằng vaccine của mình có thể kiểm soát Omicron "khá tốt", đặc biệt nếu mọi người tiêm 2 liều và liều tăng cường.
Ông cho biết Pfizer có thể phải tung ra loại vaccine mới dành riêng cho Omicron và nhiều biến chủng khác trong tương lai. Bourla cho biết Pfizer đã sẵn sàng phát triển vaccine cho riêng Omicron. Ông tin rằng vaccine này có thể được kiểm nghiệm và nộp lên giới chức để xin phép trước tháng 3.
Việc này cũng sẽ không kéo tụt tốc độ sản xuất các vaccine hiện tại. Bourla cho biết. "Chúng tôi đặt mục tiêu công suất sản xuất hàng năm là 4 tỷ liều vaccine hiện tại. Nếu phải luân chuyển giữa hai loại cũ và mới, công suất vẫn sẽ là 4 tỷ", ông nói.
Bourla thừa nhận nhiều người nghi ngờ liệu Pfizer có đang cố kiếm nhiều tiền nhất có thể từ vaccine hay không. Trong báo cáo hồi tháng trước, hãng này cho biết đạt doanh thu 13 tỷ USD trong quý III và dự báo thu về 36 tỷ USD năm nay.
Bourla nói rằng họ bán cho các nước nghèo và đang phát triển với giá rẻ hơn nước giàu. Tuy nhiên, chi phí không phải là thách thức duy nhất. Ông nói rằng nhiều quốc gia, như các nước ở những vùng xa xôi thuộc châu Phi, "thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản".
"Họ không có trung tâm để tiêm chủng cho người dân. Y tá cũng thiếu nữa", ông nói, "Có nơi lại thiếu bơm tiêm, có nơi thiếu tủ lạnh để bảo quản vaccine. Rất không may là thế".
Bourla hy vọng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các liên minh vaccine công – tư như Gavi có thể giải quyết các vấn đề này. Ông nói rằng Pfizer đang tìm cách vận chuyển bằng thiết bị bay không người lái để đảm bảo mọi người tiếp cận vaccine nhanh hơn. "Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể", ông cho biết.
Bourla cũng nhấn mạnh vaccine an toàn và đây là cách duy nhất để cuộc sống trở về bình thường với những người đã tiêm: "Tôi không thấy có lý do nào năm tới chúng ta không thể làm những điều đơn giản. Nếu mọi người từ chối tiêm, đó mới là vấn đề".
Pfizer cũng đang đi tiên phong trong việc phát triển nhiều loại thuốc khác như thuốc chống đông máu Eliquis, thuốc chữa ung thư vú Ibrance và thuốc điều trị viêm khớp Xeljanz, cũng như vaccine phế cầu Prevnar.
Bourla cho biết ông hiểu rằng để duy trì thành công, một hãng dược phẩm cần có nhiều loại thuốc tiềm năng hơn nữa trong tương lai. Một số thuốc hàng đầu của Pfizer hiện tại sẽ hết hạn bản quyền trong vài năm tới.
Đó là lý do chính cho việc Pfizer thông báo thương vụ gần 7 tỷ USD tháng này với Arena Pharmaceuticals – công ty phát triển thuốc chữa các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Thương vụ này chỉ được công bố một tháng sau khi Pfizer hoàn tất việc mua lại hãng sản xuất thuốc chữa ung thư Trillium Therapeutics trị giá 2 tỷ USD.
"Làm cùng lúc nhiều việc là điều rất thách thức", Bourla cho biết, "Nhưng đừng quên rằng dù chúng ta đang làm gì, có rất nhiều thuốc chữa ung thư, chữa các bệnh truyền nhiễm, các bệnh tim mạch và nhiều bệnh khác ngoài kia. Chúng tôi đang đầu tư mạnh tay vào bệnh ung thư".
Các nhà đầu tư cũng hoan nghênh động thái của Pfizer. Cổ phiếu hãng này đã tăng gần 65% năm nay – cao nhất trong các mã thuộc chỉ số DJIA và gần đạt đỉnh.
Hà Thu (theo CNN)