Chuyên mục  


Văn phòng của công tố viên đặc biệt Jack Smith ngày 27/8 thông báo đã nộp lại cho tòa án liên bang ở Washington bản cáo trạng mới đối với ông Donald Trump, trong vụ án "lật kèo bầu cử" tổng thống Mỹ năm 2020 và dẫn đến bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021. Cáo trạng đã được đại bồi thẩm đoàn thông qua, với những thành viên lần đầu nghe công tố viên trình bày bằng chứng trong vụ án.

Hồ sơ được nộp ba ngày trước hạn chót của thẩm phán Tanya Chutkan dành cho ông Smith để trình bày hướng giải quyết mới cho vụ án, sau khi Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng 7 cho rằng cựu tổng thống Mỹ được hưởng quyền miễn trừ với hành động công vụ khi đương chức.

Bản cáo trạng mới giữ nguyên 4 tội danh đối với ông Trump, giữ nguyên kết luận cốt lõi rằng ông Trump đã thất cử vào năm 2020 nhưng "quyết bám trụ quyền lực" và có hành động nhằm thay đổi kết quả bầu cử. Cáo trạng thu hẹp nội dung các cáo buộc để phù hợp với phán quyết của Tòa án Tối cao hồi tháng 7. Tài liệu mới dài 36 trang, so với cáo trạng cũ dài 45 trang.

Đội ngũ của ông Smith khẳng định cáo trạng mới đã "thể hiện nỗ lực của chính phủ nhằm tôn trọng và thực thi những quyết định và chỉ dẫn từ Tòa án Tối cao".

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tại sự kiện vận động ở Las Vegas, bang Nevada ngày 23/8. Ảnh: AP

Điều chỉnh tập trung chủ yếu vào những hành động của ông Trump liên quan Bộ Tư pháp Mỹ sau ngày bầu cử năm 2020, trong đó có nỗ lực bổ nhiệm Jeffrey Clark làm quyền bộ trưởng tư pháp thay cho Jeffrey Rosen trong những tuần cuối nhiệm kỳ.

Ông Clark ủng hộ ông Trump lật kèo bầu cử và đã lên kế hoạch gửi thư đến quan chức bầu cử các bang, thông báo sai sự thật rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã "xác định được lo ngại đáng kể có thể tác động đến kết quả bầu cử", hướng đến phá vỡ uy tín bầu cử Mỹ và hủy chiến thắng của ông Joe Biden. Các bang cuối cùng không nghe theo Jeffrey Clark và ông Trump cũng không bổ nhiệm Clark thay thế Rosen, sau khi nhận cảnh báo "từ chức hàng loạt ở Bộ Tư pháp".

Khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết vào tháng 7, chánh án John Roberts giải thích rằng việc tổng thống "bãi nhiệm quan chức hành pháp mà mình từng bổ nhiệm" là hoạt động nằm trong quyền hạn của tổng thống, không bị quản lý bởi quốc hội hay xét lại bởi tòa án.

Trong cáo trạng mới nộp ngày 27/8, công tố viên đặc biệt Jack Smith không còn xem ông Jeffrey Clark là đồng phạm của ông Trump.

Cáo trạng này vẫn giữ nhiều cáo buộc nghiêm trọng nhắm vào ông Trump, gồm kế hoạch lập đoàn đại cử tri giả ở các bang chiến trường, kế hoạch ép phó tổng thống Mike Pence không chấp nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri và lợi dụng bạo loạn ngày 6/1/2021 ở tòa nhà quốc hội Mỹ nhằm hoãn xác nhận ông Joe Biden đắc cử.

Ông Trump đêm 27/8 đã bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội Truth Social, cho rằng việc Jack Smith nộp cáo trạng mới là "hành động xuất phát từ tuyệt vọng" và "cố hồi sinh cuộc săn phù thủy vốn đã chết". Ông cho rằng cáo trạng mới vẫn không khác gì cáo trạng cũ, "có đầy rẫy vấn đề" và tòa án cần hủy án ngay lập tức.

Phía ông Trump và công tố viên đặc biệt Jack Smith dự kiến trình diện trước tòa trong tuần sau.

Cựu tổng thống Trump hôm 15/7 được thẩm phán liên bang Aileen Cannon ở Florida hủy truy tố về cáo buộc giữ trái phép và xử lý sai quy định tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2021. Vụ án cũng do công tố viên đặc biệt Jack Smith phụ trách. Thẩm phán Cannon vào tháng 7 cho rằng ông Smith được bổ nhiệm "không đúng luật" và không có thẩm quyền đưa ra cáo trạng, do đó hủy án. Smith đang kháng cáo quyết định này.

Ông Trump còn đối mặt hai vụ truy tố gồm âm mưu thay đổi kết quả bầu cử tổng thống ở bang Georgia năm 2020 và làm giả hồ sơ kinh doanh ở New York để chi tiền ém thông tin bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Trong vụ án ở New York, ông Trump đã bị kết tội và đang chờ tuyên án vào tháng 9.

Thanh Danh (Theo AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020