Chuyên mục  


Bom lượn đã gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng Ukraine trong phần lớn thời gian của cuộc xung đột. Số lượng các cuộc tấn công bằng bom dẫn đường của quân đội Nga gần đây gia tăng, đặc biệt là xung quanh mặt trận đông bắc Kharkov.

Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 3 thông báo khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt bom ba tấn FAB-3000 có chứa 1.400 kg thuốc nổ mạnh. Loại bom này có thể chuyển đổi thành bom lượn bằng cách gắn Mô-đun Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK), giúp nó có thêm hệ thống dẫn đường GPS và cánh nâng gấp gọn, qua đó tăng độ chính xác và tầm bay.

Bom lượn FAB-3000 lần đầu thực chiến hồi tháng 6 và được quân đội Nga sử dụng thường xuyên trên chiến trường kể từ đó. Các video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy loại bom được thả từ tiêm kích bom Su-34 này có sức công phá khủng khiếp và bán kính nổ lớn, đủ sức phá hủy mọi thứ trong tầm ảnh hưởng.

khoanh-khac-nga-tha-bom-luon-ba-tan-xuong-trung-tam-chi-huy--1719817883.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6DbiyiggbDjRElaVVTQjwg
Khoảnh khắc Nga 'thả bom lượn ba tấn' xuống trung tâm chỉ huy Ukraine

Khoảnh khắc quân đội Nga thả bom FAB-3000 xuống sở chỉ huy Ukraine ở làng New York thuộc tỉnh Donetsk trong video đăng ngày 30/6. Video: Telegram/The_Wrong_Side

Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Mỹ, tháng trước cảnh báo sự xuất hiện của bom lượn FAB-3000 trên chiến trường là "thay đổi quan trọng", có thể khiến Ukraine hứng chịu thiệt hại lớn về quân sự cũng như cơ sở hạ tầng dân sự.

Đánh chặn bom lượn FAB-3000 là nhiệm vụ không dễ dàng. Justin Bronk, chuyên gia về công nghệ và không quân tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết Nga đã chỉnh sửa bộ kit dẫn đường của bom lượn FAB-3000 để giúp nó có khả năng kháng nhiễu GPS rất cao, khiến Ukraine gần như không thể đối phó bằng tác chiến điện tử.

Ngay cả khi không "miễn nhiễm" với thiết bị gây nhiễu, bom lượn như FAB-3000 vẫn rất đáng sợ. Sau khi được thả từ máy bay, loại bom này sẽ bay rất nhanh, khó bị phát hiện bằng radar và di chuyển theo quỹ đạo khó lường, khiến nó khó bị đánh chặn bằng vũ khí phòng không.

Quân đội Ukraine không thể lãng phí tên lửa phòng không vốn chỉ có số lượng hạn chế để thử đánh chặn bom lượn khi nó đang bay, vốn có tỷ lệ thành công thấp.

Do đó, lựa chọn duy nhất của Kiev là bắn hạ tiêm kích bom Su-34 của đối phương trước khi quả bom được thả, hoặc tập kích khi chúng vẫn còn chưa kịp cất cánh.

Bom FAB-3000. Ảnh: BQP Nga

Để có thể hạ phi cơ Su-34 ở trên không, quân đội Ukraine sẽ phải đưa các hệ thống phòng không hiện đại nhất của nước này đến gần tiền tuyến hơn.

Tổ hợp MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất được đánh giá là vũ khí tốt nhất cho nhiệm vụ này. Patriot có giá khoảng 1,1 tỷ USD mỗi tổ hợp, phiên bản PAC-2 sử dụng tên lửa đánh chặn có đầu đạn nổ mảnh, còn đạn của biến thể mới nhất PAC-3 được trang bị công nghệ va chạm - tiêu diệt tiên tiến hơn. Radar của Patriot có tầm hoạt động khoảng 150 km.

Patriot đã chứng minh được hiệu quả thực chiến trong xung đột Ukraine. Kiev đầu tháng 7 tuyên bố toàn bộ tên lửa siêu vượt âm Kinzhal do Nga phóng vào thủ đô nước này đều bị đánh chặn kể từ khi các hệ thống phòng không Patriot được triển khai tại đây.

Một sĩ quan Mỹ trước đó cũng xác nhận tổ hợp này đã được quân đội Ukraine sử dụng hồi tháng 1 để bắn hạ máy bay cảnh báo sớm A-50U, khí tài có biệt danh "mắt thần trên không" của Nga với mức giá 350 triệu USD.

Tuy nhiên, Ukraine chỉ sở hữu một vài khẩu đội Patriot và cũng không có nhiều đạn tên lửa cho chúng. "Đây là những tài sản quý giá và không được phép lãng phí, nên triển khai chúng gần tiền tuyến hơn và gần phạm vi hỏa lực của Nga là canh bạc lớn", bình luận viên Jake Epstein của Business Insider nhận định.

George Barros, chuyên gia về Nga tại ISW, cho biết có quy định ngầm rằng quân đội Ukraine phải phá hủy được pháo của Nga, vũ khí có thể đe dọa hệ thống Patriot, trước khi đưa các tổ hợp này lên phía trước. "Triển khai khí tài hiện đại như vậy gần tiền tuyến là điều hết sức mạo hiểm", Barros cho hay.

Tổng thống Zelensky đứng cạnh một tổ hợp phòng không Patriot tại căn cứ ở Đức hồi tháng 6. Ảnh: AFP

Phương án khả dĩ còn lại với Ukraine là tấn công phủ đầu các căn cứ không quân nằm trong lãnh thổ Nga, nơi tiêm kích bom Su-34 đồn trú, qua đó ngăn chặn những cuộc tập kích bằng bom lượn FAB-3000 của đối phương "từ trứng nước".

Trên thực tế, quân đội Ukraine đã áp dụng chiến thuật này từ lâu, song chỉ giới hạn ở các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát tầm xa nội địa, vốn có khả năng gây sát thương không lớn. Chiến thuật trên sẽ hiệu quả hơn nếu các hạn chế về việc sử dụng vũ khí phương Tây đối với Ukraine được dỡ bỏ, theo giới chuyên gia.

Cụ thể, họ cho rằng Mỹ đang "cản đường" khi từ chối cho Ukraine khai hỏa tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS nhằm vào lãnh thổ Nga. Washington tới nay mới chỉ cho phép Kiev dùng vũ khí có tầm bắn ngắn hơn để tập kích lực lượng của Moskva ở gần biên giới hai nước.

Sử dụng tên lửa ATACMS có tầm bắn 300 km để "tập kích căn cứ không quân Nga sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa, song có thể buộc các chiến đấu cơ Nga phải cất cánh từ những cơ sở ở xa hơn nữa, qua đó làm giảm hiệu quả của các cuộc tập kích", Bronk cho hay.

Lữ đoàn Pháo binh Dã chiến số 17 Mỹ khai hỏa tên lửa ATACMS từ pháo HIMARS vào tháng 7/2023. Ảnh: Lục quân Mỹ

Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky cũng đã nhiều lần kêu gọi Mỹ dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế với Kiev về việc sử dụng những vũ khí tầm xa như tên lửa ATACMS để tập kích lãnh thổ Nga, cho rằng đây là điều cần thiết để hạn chế mối đe dọa từ bom dẫn đường của Moskva.

Trong bối cảnh bom lượn FAB-3000 với sức công phá lớn đang ngày càng được sử dụng phổ biến trên chiến trường, lời kêu gọi của ông Zelensky hiện trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

"Không quân Nga đang thả hơn 100 quả bom dẫn đường vào các thành phố, làng mạc cùng vị trí trên tiền tuyến của Ukraine mỗi ngày và chúng tôi cần có sự bảo vệ đáng tin cậy để chống lại chúng", ông Zelensky nói hôm 21/7. Ukraine cần phải "phá hủy các phương tiện mang những quả bom đó, bất kể chúng ở đâu".

Phạm Giang (Theo Business Insider)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020