Ít nhất 24 người thiệt mạng, hơn 100.000 người phải sơ tán, hơn 12.000 công trình bị phá hủy khi các đám cháy rừng đồng loạt bùng lên ở Los Angeles, bang California trong một tuần qua. Theo ước tính sơ bộ của trang AccuWeather, tổn thất kinh tế do đợt cháy rừng này có thể lên tới 135-150 tỷ USD.
Thảm họa cháy rừng ở Los Angeles diễn ra khi chỉ một tuần nữa Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức và nhiều khả năng sẽ dẫn dắt nỗ lực kiểm soát đám cháy, phục hồi Los Angeles hậu thảm họa.
Tuy nhiên, các đám cháy đang thổi bùng căng thẳng giữa ông Trump và lãnh đạo Dân chủ ở bang California, khiến nỗ lực khắc phục hậu quả thời gian tới có thể đối mặt nhiều thách thức.
Khi đám cháy bùng phát ở Los Angeles ngày 7/1, Thống đốc California Gavin Newsom kêu gọi ông Trump không "chơi trò chơi chính trị" trong những thời khắc bang đang tập trung vào nỗ lực sơ tán người dân.
Nhưng khi đám cháy khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán, ông Trump ngày 8/1 đổ lỗi cho chính quyền đảng Dân chủ, cũng như vấn đề quản lý nguồn nước của Newsom.
"Một thảm họa thực sự", ông Trump viết trong bài đăng mạng Truth Social.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thống đốc California Gavin Newsom tại khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng ở Paradise hồi tháng 11/2018. Ảnh: AFP
Tổng thống đắc cử nói rằng ông Newsom đã "từ chối ký tuyên bố khôi phục nguồn nước, vốn có thể giúp chuyển hướng hàng triệu lít nước mưa và tuyết tan từ phía bắc California chảy xuống miền nam".
Phát ngôn viên của Tổng thống đắc cử Karoline Leavitt viện dẫn bản ghi nhớ năm 2020 mà ông Trump đã ký nhằm điều hướng nguồn nước tới Nam và Trung California. Cô cho biết chính quyền California khi đó đã đệ đơn kiện để ngăn nỗ lực này, cho rằng nó có thể gây hại cho các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng trong khu vực.
Nhiều chuyên gia bác bỏ lời chỉ trích của ông Trump, cho rằng mức độ nghiêm trọng của đám cháy không liên quan tới vấn đề quản lý nguồn nước.
"Nam California hiện tại có nguồn cung cấp nước dồi dào, các hồ chứa của họ đã đầy và cao hơn nhiều mức trung bình lịch sử. Họ làm rất tốt trong việc quản lý nước", Jeffrey Mount, thành viên cấp cao Viện Chính sách công California, nói.
Matthew Hurteau, chuyên gia về thảm thực vật và giáo sư tại Đại học New Mexico, cho rằng đám cháy ở Los Angeles trầm trọng là do thảm thực vật trải qua một mùa hè khô nóng và những cơn gió thổi mạnh bất thường ở khu vực.
Nhà Trắng ngày 8/1 tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden "liên lạc thường xuyên" với Thống đốc Newsom và quan chức địa phương để cập nhật tình hình. Chính phủ liên bang cũng gửi nguồn lực hỗ trợ, gồm cả vận tải cơ, và ông Biden đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng giúp chính quyền California đối phó đám cháy.
Newsom cũng phản pháo những cáo buộc từ ông Trump, nói rằng Tổng thống đắc cử "muốn chính trị hóa" thảm họa đang diễn ra ở Los Angeles.
Ông Newsom được bầu làm Thống đốc California năm 2018, khoảng hai năm sau khi ông Trump đắc cử tổng thống. Dưới thời Newsom, California đã kiện chính phủ của ông Trump nhiều lần.
Hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ hai, ông Newsom triệu tập phiên họp đặc biệt với cơ quan lập pháp bang để chuẩn bị cho chiến dịch kiện tụng khác chống lại chính quyền mới về các chính sách môi trường, nhập cư và quyền phá thai.
Tuy nhiên, trong những lúc khủng hoảng, cả hai đôi lúc vẫn hợp tác tốt với nhau. Trong đại dịch Covid-19, Newsom ca ngợi ông Trump vì khả năng đáp ứng yêu cầu của bang, trong đó có việc gửi tàu bệnh viện tới hỗ trợ California.
Thảm họa cháy rừng lần này lại thổi bùng căng thẳng giữa hai người. Ông Trump ngày 9/1 tiếp tục chỉ trích Thống đốc Newsom "kém cỏi", cho rằng lãnh đạo California không nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho thảm họa ở quy mô lớn.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ba ngày sau, ông Trump mô tả giới lãnh đạo California "bất tài" trước "một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử đất nước chúng ta".
Ông Trump không phải chính trị gia duy nhất chỉ trích đảng Dân chủ về loạt đám cháy nghiêm trọng ở Los Angeles. Rick Caruso, tỷ phú từng tranh cử thị trưởng Los Angeles năm 2022, cũng lên án tình trạng thiếu nước cứu hỏa.
"Đây rõ ràng là sự yếu kém trong quản lý của thành phố. Không phải lỗi của lính cứu hỏa, mà là của thành phố", Caruso nói.
Các đồng minh của ông Trump chỉ trích Thị trưởng Karen Bass, thành viên đảng Dân chủ, vì vắng mặt vào thời điểm thảm họa cháy rừng bùng phát. Bass đi theo phái đoàn Tổng thống Biden thăm Ghana, nhưng đã trở lại California sau đó.
"Các chính sách cực tả của đảng Dân chủ ở bang California đang thiêu rụi chúng ta theo đúng nghĩa đen. Hãy ngừng bỏ phiếu cho những người không sử dụng các chính sách quản lý nguồn nước và lâm nghiệp thông thường. Tôi thấy rất bất bình", Richard Grenell, đặc phái viên của chính quyền ông Trump, nói.
Elon Musk, tỷ phú Mỹ được đề cử làm lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ, đã đăng lại thông điệp chỉ trích trên mạng xã hội X. Musk cũng đồng tình với một video của người theo thuyết âm mưu Alex Jones, trong đó nói rằng các đám cháy là "một phần âm mưu lớn nhằm khiến Mỹ sụp đổ".
Trong cuộc phỏng vấn trên Fox News sáng 12/1, Phó tổng thống đắc cử JD Vance cáo buộc chính quyền ông Biden "ngủ quên" trong một số cuộc khủng hoảng.
Ngôi nhà chìm trong biển lửa ở thành phố Malibu, hạt Los Angeles, bang California ngày 8/1. Ảnh: AFP
Giới quan sát cho rằng nhiều bình luận công kích của ông Trump và đồng minh có thể bắt nguồn từ thông tin chưa chính xác, nhưng phản ứng của họ đối với những gì đang diễn ra ở California có thể gây rủi ro chính trị cho giới lãnh đạo Dân chủ.
Deanne Criswell, giám đốc Cơ quan Ứng phó Tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA), đã bác cáo buộc của ông Trump rằng cơ quan này hết tiền để ứng phó thảm họa. Bà khẳng định FEMA có đủ nguồn lực để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cho Los Angeles, nhờ khoản ngân sách bổ sung 27 tỷ USD mà quốc hội phê duyệt gần đây.
Quy mô thiệt hại của đợt cháy rừng hiện chưa thể thống kê đầy đủ. Các quan chức dự đoán gió Santa Ana sẽ tăng mạnh trở lại trong tuần này, khiến các đám cháy có thể nghiêm trọng hơn.
Các nhà phân tích cảnh báo phản ứng của quan chức chính phủ và bang California trong khủng hoảng có thể củng cố danh tiếng của họ, nhưng cũng có thể gây ra những tổn hại không thể cứu vãn.
Chính quyền ông Biden tuần trước cam kết tài trợ 100% chi phí hỗ trợ thiên tai cho California trong vòng 180 ngày. Về phần mình, ông Newsom cũng cho biết sẽ triển khai thêm vệ binh quốc gia để ứng phó cháy rừng, đồng thời ban hành sắc lệnh cắt giảm thủ tục hành chính để cho phép nạn nhân khôi phục nhà cửa và doanh nghiệp của họ nhanh hơn.
Newsom và Bass đều tỏ ra bất bình trước những lời chỉ trích từ phe Cộng hòa, tuy nhiên giới quan sát cho rằng họ nhận ra chỉ một tuần nữa, California sẽ cần dựa vào những khoản viện trợ mà ông Trump sẽ phê duyệt sau khi nhậm chức.
Thị trưởng Bass ngày 12/1 cho biết dù chưa nói chuyện trực tiếp với ông Trump, bà đã có một số cuộc thảo luận với thành viên chính quyền mới.
"Tôi cũng đã mời Tổng thống đắc cử tới Los Angeles. Tôi đã nói chuyện trực tiếp với các thành viên chính quyền sắp tới hôm qua và đó là cuộc thảo luận hiệu quả", bà nói.
Trong khi đó, khi được liệu chính quyền sắp tới có từ chối viện trợ cho California, bang vốn được xem là thành trì của đảng Dân chủ hay không, ông JD Vance ngầm chỉ trích chính quyền ông Biden và ca ngợi ông Trump.
"Ông Trump là tổng thống của tất cả người Mỹ. Tôi nghĩ ông ấy sẽ có những kế hoạch ứng phó tốt hơn nhiều những gì đang xảy ra", ông nói.
Thùy Lâm (Theo Washington Post, WSJ, CNN)