Ê kíp phim "Mai" giao lưu với khán giả - Ảnh: Facebook nhân vật
Gần đây, trên trang cá nhân, Trấn Thành chia sẻ cảm nhận về các tuyến nhân vật trong phim điện ảnh Mai do anh làm đạo diễn.
Anh gửi lời cảm ơn khán giả và để lại bình luận giải thích thêm về cách đặt tên nhân vật do diễn viên Tuấn Trần thủ vai mang tên Trùng Dương.
Trấn Thành trả lời bình luận của khán giả: "Chị viết hay quá, kế bên Mai là Bình Minh và Dương, đều là ánh sáng của đời Mai.
Nhưng Bình Minh sẽ tươi sáng! Nhưng bên kia là Trùng Dương. Tuy là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống. Cảm ơn chị đã ngẫm bộ phim thật sâu".
Tuy nhiên giải thích "Trùng dương là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống" của Trấn Thành lại gây nhiều tranh luận trái chiều.
Khán giả có nhiều ý kiến: "Trấn Thành giải thích ý đồ đặt tên nhân vật mà tôi xỉu ngang. Dương trong từ "trùng dương" thường được hiểu là biển lớn, chứ không phải mặt trời. Chữ "trùng" ở đây cũng không phải là "chùng xuống"";
"Lần này thực sự không thể bênh được luôn"; "Đọc mà cười chảy nước mắt, là biên kịch với đạo diễn dữ chưa vậy?"…
Nhà thơ Lê Minh Quốc cho Tuổi Trẻ Online biết trùng là từ Hán Việt có nhiều nghĩa: lặp lại giống nhau (ví dụ trùng tên, trùng ý kiến…); cùng một thời gian (như những ngày lễ, ngày Tết trùng ngày sinh nhật ai đó); trùng là tầng tầng, lớp lớp.
Theo từ điển Hán - Việt của tác giả Đào Duy Anh, trùng dương có nghĩa là Tết mùng 9-9 âm lịch (còn gọi là Tết Trùng cửu). Ngoài ra, trùng dương còn có nghĩa là biển cả mênh mông.
Tuấn Trần vào vai Trùng Dương và Phương Anh Đào vào vai Mai trong phim "Mai" - Ảnh: Facebook nhân vật
"Với ý nghĩa này, Trấn Thành giải thích trùng dương là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống.
Không ai phát âm là "trùng xuống" cả, nếu đúng là "chùng xuống", còn dùng từ "trùng xuống" không có nghĩa, phát âm ngọng.
Ngoài ra, chùng trong tiếng Việt có nghĩa là ăn chùng (ăn vụng).
Cách giải thích trên của Trấn Thành không đúng" - nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định.
Còn giảng viên Nguyễn Hiếu Tín - Trường đại học Tôn Đức Thắng, nói với Tuổi Trẻ Online: "Chữ Hán cùng âm đọc, lại nhiều nghĩa, rồi nghĩa phương ngữ theo kiểu "cầu vừa đủ xài" nên Trấn Thành giải thích kiểu nào cũng được, mang tính hài hước.
Bởi chữ trùng dương chưa biết chữ Hán gốc viết như thế nào thì nghĩa sẽ khác nhau. Chẳng hạn riêng chữ trùng đã có 8 ý nghĩa khác nhau…".
Ngoài ra, anh giải thích thêm về Tết Trùng cửu của Trung Quốc: "Tết Trùng cửu (cửu là số 9, trùng là lặp lại, trùng cửu là mùng 9-9).
Số 9 thuộc số lẻ là dương (số trời). Mùng 9 vía trời nên gọi Trùng Dương. 9-9 tiếng Hán đọc là cửu cửu mang ý nghĩa lâu dài, trường tồn, nên có thể liên quan đến chúc thọ…".