Chuyên mục  


Bộ sưu tập ở khu mộ táng Lai Nghi (xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được công nhận bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng ngày 31/12/2024. Thống kê có 108 đơn vị hiện vật bằng vàng, gồm bốn khuyên tai và 104 hạt chuỗi nguyên vẹn, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam.

Địa điểm Lai Nghi có niên đại từ thế kỷ 3 trước Công nguyên đến giữa thế kỷ một, dựa trên kết quả phân tích phóng xạ cacbon (C14) một số mẫu than trong mộ và so sánh loại hình. Mộ táng Lai Nghi được phát hiện năm 2000, ở trong lưu vực sông Thu Bồn, cách Hội An khoảng 5 km về phía Tây, nằm liền kề khu vực dày đặc các di tích văn hóa Sa Huỳnh tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Di tích thuộc khu vườn cây rộng khoảng 500 m2 của gia đình bà Hà Thị Nuôi, tổng diện tích khai quật trong ba đợt từ năm từ 2002 đến 2004 là 199,3 m2, phát hiện 63 mộ chum, mộ đất và một số cụm gốm.

Bốn khuyên tai vàng có đường kính 1,2-1,25 cm, dày 0,2-0,25 cm, nặng từ 0,8 đến 2 g, được tìm thấy trong mộ chum số bảy của đợt khai quật năm 2002. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Kết quả nghiên cứu thời gian xuất hiện di tích giúp xác định niên đại của bộ sưu tập trang sức. Theo Cục Di sản Văn hóa, khu mộ táng Lai Nghi là địa điểm khảo cổ có đồ tùy táng phong phú. Tiến sĩ Andreas Reinecke - trưởng đoàn Viện Khảo cổ học chung và so sánh của Đức - nhận định nơi đây có số lượng hạt chuỗi bằng vàng nhiều nhất trong số di tích Sa Huỳnh đã được phát hiện từ trước đến nay ở trong nước. Bốn khuyên tai vàng thuộc di tích đều chưa từng được tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh tại Việt Nam.

104 hạt chuỗi vàng có đường kính thân trong khoảng 0,5-0,7 cm, dày từ 0,45-0,55 cm. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Bộ sưu tập trang sức vàng ở mộ chum Lai Nghi có hình thức độc đáo, mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh.

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa khảo cổ quan trọng của lịch sử Việt Nam, cùng Đông Sơn và Óc Eo. Tên Sa Huỳnh do M. Vinet - nhà khảo cổ người Pháp - đặt năm 1936. Trước đó vào năm 1909, M. Vinet khai quật và phát hiện hơn 200 mộ chum tại Gò Ma Vương,thuộc vùng đất ven biển mang tên Sa Huỳnh, nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Tài liệu của Cục Di sản Văn hóa cho biết các khuyên tai tiết diện tròn, ren xoắn toàn thân, có khe hở ở phần thân. 104 hạt chuỗi vàng được chế tác như hai hình nón cụt úp vào nhau, giữa thân nối thành đường gờ, hai đầu phẳng và có lỗ xuyên dọc thân.

Bốn khuyên tai có hình dáng và kích thước khá giống nhau nhưng khi quan sát và nghiên cứu kỹ, ba chiếc có gờ nổi rõ hơn cái còn lại. Chúng có thể được những thợ thủ công làm bằng hai kỹ thuật khác nhau. Kết quả so sánh các hiện vật cùng chất liệu ở khu mộ chum Lai Nghi với Đông Nam Á, các mộ táng tại châu Âu, Afganistan cho thấy loại hình di vật này phân bố cùng trong không gian rộng lớn, từ châu Âu tới Đông Nam Á. Kỹ thuật chế tác cũng trải dài ở phía Tây đến Đông Nam Á. Điều này chứng minh những người thợ Sa Huỳnh đã biết cập nhật trình độ sản xuất đồ trang sức của thế giới để chế tác, mô phỏng theo các sản phẩm nhập khẩu.

Những hạt chuỗi vàng có thể được làm bằng phương pháp dập khuôn bao ngoài, dập lỗ bên trong, tạo thành hạt chuỗi rỗng ruột, nhẹ nhưng chắc chắn. Một số hạt do dập không thành công dẫn đến lỗ tròn nhỏ, không thể xỏ dây qua. Qua nghiên cứu, những hạt chuỗi này được cư dân văn hóa Sa Huỳnh khai thác nguyên liệu và chế tác tại chỗ, sản xuất trên cùng một dây chuyền.

Chế tác đồ trang sức, sử dụng trong đời sống thường ngày và đưa vào mộ táng là một trong số đặc điểm nổi bật của văn hóa Sa Huỳnh. Mỗi món đồ mang ý nghĩa như làm đẹp cho người dùng, khẳng định địa vị xã hội theo tập tục, tín ngưỡng của người đương thời, biểu thị cho nhóm thiểu số giàu có, các chiến binh cao cấp, thầy tu, hoàng gia, thủ lĩnh, nhà buôn. Những trang sức trong mộ chum Lai Nghi chứng tỏ chủ nhân các ngôi mộ rất giàu, đồng thời thể hiện sức sản xuất của xã hội giai đoạn này đã phát triển và có sự giao lưu rộng rãi với bên ngoài.

Giới chuyên môn nhận định bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi là tư liệu lịch sử quý hiếm, không chỉ thể hiện trình độ chế tác, tư duy thẩm mỹ mà còn tượng trưng địa vị, gửi gắm mong ước của cư dân Sa Huỳnh. Đây là sản phẩm của quá trình hội tụ các thành tố ngoại sinh và nội sinh, từ kỹ thuật - nghệ thuật chế tác đến quan điểm nhân sinh về sự sống, cái chết. Các hiện vật cho thấy sự kết tinh trên cơ sở kế thừa truyền thống chế tác đồ thủ công của cư dân Sa Huỳnh và quá trình trao đổi, tiếp thu, chắt lọc từ những nền văn hóa lớn trên thế giới.

Phương Linh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020