Có bao giờ bạn đi trên đường và tự hỏi, nơi cửa hàng đang hoạt động này 100 năm trước từng buôn bán cái gì, ai từng sống trong đó? Thậm chí một trăm năm trước, cả con đường này, khu phố này đã tồn tại hay chưa? Những lúc như vậy, một tấm bưu thiếp, một quyển sách ảnh, sách tranh được chụp/vẽ từ 100 năm trước hẳn là thứ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Với những ai ở Sài Gòn xưa, dù đã quen thuộc với những địa danh như chợ Bà Chiểu, cầu Ông Lãnh… hẳn sẽ ngạc nhiên khi gặp lại những nơi chốn này trong cuốn ký họa Đời sống thường nhật ở Nam kỳ (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024) của Jules Gustave Besson và các cộng sự thực hiện.
Jules Gustave Besson sinh năm 1868 tại Paris (Pháp). Ông chuyển đến sinh sống ở Đông Dương và kế nhiệm André Joyeux làm giám đốc L'école des arts appliqués de Gia Định (Trường Mỹ thuật Gia Định, nay là Đại học Mỹ thuật TP.HCM).
Một tái hiện hoàn hảo về đời sống
Ấn bản Đời sống thường nhật ở Nam kỳ lần này do Nguyễn Quang Diệu sưu tầm và định bản, được in bằng 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp, đã giúp tiếp cận một góc nhỏ trong kho tàng những tranh ký họa của các bậc thầy cũng như thợ học việc của Trường Mỹ thuật Gia Định. Tuyển chọn 99 bức tranh trong 240 bức tranh vẽ vùng đất và con người Nam kỳ trong những năm đầu thế kỷ 20.
Nguyễn Quang Diệu là người sưu tầm và định bản sách này
Tác giả Nguyễn Quang Diệu quê ở Quảng Nam, hiện sống và làm việc ở TP.HCM. Năm 2023, anh cho ra mắt quyển sách Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ, với nhiều tài liệu và hình ảnh phong phú.
Hơn 200 bức tranh lấy chủ đề Nam kỳ cũng chỉ là một phần nhỏ trong số tranh do Trường Mỹ thuật Gia Định cho xuất bản ở Paris vào các năm 1935 và 1938, trong bộ sách Monographie Dessinée De l'Indochine (Chuyên khảo vẽ về Đông Dương), gồm Cochinchine (Nam kỳ, 6 tập), Annam (Trung kỳ, 1 tập), Tonkin (Bắc kỳ, 4 tập) và Cambodge (2 tập).
Cuốn ký họa “Đời sống thường nhật ở Nam kỳ”
Những bức ký họa màu trong Đời sống thường nhật ở Nam kỳ không chỉ cho thấy đời sống sinh hoạt của người Việt Nam mà thông qua những sinh hoạt đó, phản ánh sự phát triển của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20. Từ những công việc nhà nông như gieo mạ, cấy lúa, đập lúa… đến các khung cảnh buôn bán, thương thuyền nhộn nhịp, cửa hàng gốm, xưởng thủy tinh, cửa hàng mỹ nghệ, nhà hàng, cửa tiệm và cả cô bán bánh chuối bình dân, tạo nên một bức tranh tổng thể khắc họa nhịp sống sôi động chưa bao giờ dứt trên xứ sở này.
Nhà khảo cổ Louis Malleret của Viện Viễn Đông Bác cổ (École Française D'Extrême-Orient, EFEO) nhận xét: "Điều quan trọng khiến cho các bức tranh minh họa của Trường Mỹ thuật Gia Địnhtrở nên đặc biệt chính là giá trị tư liệu của chúng. Bằng những nét chuẩn xác, chân thực, bằng sự quan sát tỉ mỉ rõ ràng, chúng tái hiện hoàn hảo đời sống nguyên bản của một sắc dân. Chúng khắc họa từng khoảnh khắc ẩn mật sống động của một giống nòi. Chúng mang đến rất nhiều sự hấp dẫn vốn gắn liền với hoạt động của con người trên khắp mặt đất này".
Những cái nhìn thú vị
Như bức tranh vẽ cô bán hủ tiếu. Hãy hình dung sự khác nhau của cô bán hủ tiếu vỉa hè ngày nay với cô bán hủ tiếu vỉa hè của đầu thế kỷ trước. Khác biệt không chỉ nằm ở ngoại hình, do những thay đổi về thẩm mỹ thời trang, mà còn là không gian, là các dụng cụ: Quang gánh đã biến thành chiếc xe đẩy, chiếc nồi (có vẻ là) đất đã biến thành nồi kim loại… Nhưng ta cũng có thể tự hỏi: Liệu hương vị hủ tiếu khá đại trà mà ta ăn ngày nay có giống như 100 năm trước không?
Bức ký họa cô bán hủ tiếu
Cái thú vị của xem tranh ký họa là ở đó, không chỉ là chút bồi hồi kiếm tìm cái không khí hoài cổ, mà để thêm một lần nhìn lại khung cảnh người xưa qua đôi mắt người xưa, là thấy lại một dĩ vãng tưởng chừng vẫn hiện diện trong đời sống chúng ta, nhưng đồng thời có những thứ chúng ta biết không bao giờ còn gặp lại nữa.
Bức ký họa thanh niên đóng guốc mộc
Chẳng hạn như bức tranh một thanh niên khỏe khoắn đang ngồi đóng guốc mộc. Anh ngồi giữa hàng đống guốc được buộc cẩn thận, phản ánh nhu cầu sử dụng thời đó. Người thanh niên nọ có theo đuổi nghề đóng guốc ấy đến cuối cùng, hay lại rẽ hướng sang làm một công việc khác? Anh đã nghĩ gì khi nhìn nghề của mình mai một trước những đổi thay thời cuộc? Có phải chăng chính đôi tay lành nghề đó là 1 trong những đôi tay đóng ra những chiếc guốc mộc cuối cùng trong lịch sử Việt Nam?
Ở những bức ký họa chân phương Đời sống thường nhật ở Nam kỳ, ta không cần cố công quá nhiều để đi tìm những giá trị mỹ thuật, phần quan trọng ở đây, thiết nghĩ, đã nằm trong chính khái niệm "đời sống". Một đời sống thường nhật, giản dị, không phô trương, không làm dáng, nhưng có đủ muôn mặt người, đại diện cho các thành phần sĩ - nông - công - thương, với đa dạng nam phụ lão ấu. Một đời sống nối tiếp qua nhiều thế hệ trở thành một ký ức chung mà chỉ cần nhìn qua một bức tranh ký họa cũng đủ để ta nhận ra nó đang khắc họa cuộc sống ở Nam kỳ xưa.