Toàn cảnh Đấu trường La Mã vào năm 2023 - Ảnh: REUTERS
Dựa trên ghi chép về lõi băng ở Bắc Cực, các nhà nghiên cứu ghi nhận nồng độ chì độc hại trong không khí đã tăng mạnh từ năm 100 trước Công nguyên đến năm 200 Công nguyên khi đế chế La Mã bắt đầu khai thác và nấu chảy kim loại nhiều hơn bao giờ hết.
Nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà khí hậu học và dịch tễ học từ Đan Mạch, Anh, Mỹ, Canada, Áo và Thụy Sĩ, ước tính một đứa trẻ được sinh ra vào thời điểm đó có nồng độ chì trong máu cao gấp khoảng 3 lần so với trẻ em Mỹ hiện nay.
Theo trang ScienceAlert, sử dụng bằng chứng hiện nay về ô nhiễm chì và tác hại của nó, nhóm nghiên cứu quốc tế đã tính toán rằng việc tiếp xúc với chì trong thời kỳ hoàng kim của đế chế La Mã có thể khiến chỉ số IQ của người dân giảm khoảng 2,5 - 3 điểm/người. Điều này đã ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực thuộc đế chế La Mã.
"Việc giảm 2 - 3 điểm IQ nghe như không đáng kể song khi áp dụng cho toàn bộ dân số châu Âu thì đây là một vấn đề lớn", nhà nghiên cứu Nathan Chellman, làm việc tại Viện Nghiên cứu sa mạc ở Mỹ, cho biết.
Nhóm lưu ý đây chỉ là nghiên cứu mức độ ô nhiễm chì trong không khí. Giới thượng lưu và người dân thành thị La Mã cũng có thể phơi nhiễm chì thông qua các vật dụng bằng chì được ưa chuộng vào thời điểm đó. Trong khi đó, nông dân là người tiếp xúc nhiều nhất với ô nhiễm chì trong đất.
"Người dân châu Âu, gia súc, trang trại của họ đều tiếp xúc với ô nhiễm chì trong không khí do hoạt động khai thác và chế biến quặng chì/bạc trên quy mô lớn, vốn là nền tảng của nền kinh tế Hy Lạp và La Mã", nhóm nghiên cứu cho biết.
Không có nồng độ chì nào trong máu được coi là an toàn, song nồng độ càng nhiều thì hậu quả càng lớn. Ngày nay, các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy nồng độ chì trong máu ở mức 3,5 µg/dl ở trẻ em có liên quan đến tình trạng giảm trí thông minh và suy giảm khả năng học tập.
Vào thời La Mã, trẻ em có mức độ chì trung bình trong máu là 3,4 µg/dl, theo các mô hình nghiên cứu hiện đại. Do đó nhiều khả năng trẻ em thời kỳ này có nguy cơ cao bị tổn thương thần kinh.
Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu lõi băng trước đây, vốn ghi nhận sự gia tăng đột biến nồng độ chì trong không khí vào thời kỳ hoàng kim của đế chế La Mã, cũng như các phát hiện khảo cổ về việc răng của nhiều trẻ em La Mã có hàm lượng chì cao.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PNAS.