Chuyên mục  


mascot-usage-11-1728213798831-1728213799355745221611.png

Trong khoảng thời gian du học tại Thượng Hải, tôi đã có dịp được thưởng thức phở Việt Nam tại quán La Ganh của nữ ca sĩ Chi Pu, cũng từng nhiều lần ghé thăm quán cà phê Trung Nguyên vì yêu thích món phở chuẩn vị tại cửa hàng này. Vào kì nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc năm nay, tôi quyết định cùng các bạn đi ăn tại một tiệm phở Việt Nam khác có tên FATPHO, hay có tên tiếng Trung là “Phở Đại Phát”. Tôi đã gặp nhiều điều bất ngờ trong lần trải nghiệm này.

Ban đầu, tôi chưa từng biết tới thương hiệu FATPHO, do đó tôi tưởng rằng đây chỉ là một quán ăn nhỏ và vắng khách. Tuy nhiên, khi bước qua đường Nam Kinh Tây và tới gần nhà hàng, tôi và các bạn đều “bán tín bán nghi” vì quán này… to quá. Dù chỉ mới 6 giờ chiều, nhưng tất cả các bàn đều có người đang ngồi ăn, kể cả bên trong lẫn bên ngoài đường đi bộ.

retouch2024100600314351-1728213798831-1728213799352707245612.jpg

Dù mới 6h tối nhưng quán đã không còn một chỗ trống.

Theo tôi quan sát, có khoảng 30 bàn với sức chứa từ 2-4 người mỗi bàn. Vì không ngờ tới tình huống này, chúng tôi hỏi nhân viên trực bên ngoài bao giờ sẽ có chỗ ngồi. Nhân viên cho biết sẽ tốn khoảng nửa tiếng vì phía trước chúng tôi vẫn còn 6 bàn khác chờ tới lượt. Chúng tôi đành lấy số và tranh thủ đi dạo xung quanh.

Ít phút sau, tôi và các bạn quay trở lại khi đã có bàn. Cũng giống như đa số các nhà hàng khác tại Thượng Hải, tại đây chúng tôi cần quét mã QR để gọi món. Trang ứng dụng có cả tiếng Anh và tiếng Trung, tiện cho cả du khách nước ngoài tới đây ăn.

retouch2024100600323767-1728213798832-17282137992341810686480.jpg

Thực đơn có các món ăn đa dạng, bao gồm phở gà, phở bò, nem rán, thịt xiên nướng, cà phê kiểu Việt Nam và một số món ăn khác.

Sau vài phút cân nhắc, chúng tôi quyết định chọn combo phở, bao gồm phở bò, 1 lon nước ngọt cùng một phần nem, thịt xiên nướng với giá 65 tệ (khoảng 230 nghìn đồng). Tôi còn gọi thêm một phần sườn cốt lết 25 tệ (khoảng 88 nghìn đồng) vì cũng đã khá lâu rồi không được ăn món này.

retouch2024100600294685-1728213798832-17282137992551631501068.jpg

Thực đơn của quán có nhiều lựa chọn cho khách hàng

retouch2024100609455153-1728213798832-1728213799242947558051.jpg

Một số món được giới thiệu trên trang web của nhà hàng

Trong lúc chờ món ăn lên, tôi tranh thủ lên mạng tìm thông tin về chuỗi cửa hàng này.

Điều khiến tôi bất ngờ nhất là FATPHO mới chỉ có mặt tại Trung Quốc từ tháng 1/2020, ngay thời điểm bắt đầu đại dịch. Dù bắt đầu giữa thời điểm khó khăn, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, FATPHO đã mở được tới 11 nhà hàng tại Thượng Hải, 3 nhà hàng tại Hàng Châu và 1 nhà hàng tại Trùng Khánh – đều là các thành phố lớn của Trung Quốc với chi phí mặt bằng đắt đỏ.

Theo giới thiệu về nhà hàng trên ứng dụng bản đồ của Apple, FATPHO được ra đời tại miền nam Australia, bởi một gia đình người Việt sinh sống tại Melbourne. Người mở chuỗi nhà hàng này theo đuổi triết lí rằng phở Việt Nam phải được chế biến từ những nguyên liệu chất lượng, tinh tế và phong phú, phải tạo ra hương vị tinh tế khiến thực khách có cảm giác hài lòng sau khi ăn. Đối với ông, nước phở cần tạo ra cảm giác hoài niệm, chạm vào tâm hồn và khiến người ta dù chỉ ăn một lần nhưng vẫn sẽ nhớ mãi.

Được biết, dù có nhiều chi nhánh, nhưng đầu bếp của FATPHO tự làm nước dùng tại mỗi nhà hàng (để tránh việc phải đông lạnh nước dùng khi vận chuyển) và cũng không sử dụng bột đóng gói sẵn. Nước dùng được làm bằng cách đun sôi rồi ninh nhừ 50kg xương bò Angus cho mỗi nồi nước dùng trong tối thiểu 12 giờ. Chuỗi nhà hàng còn dùng sợi phở tươi, sản xuất riêng tại nhà máy và giao hàng ngày.

Để tạo ra món ăn phù hợp cho thị trường Trung Quốc, FATPHO đã có ít nhiều sự thay đổi đối với món phở bán tại cửa hàng. Có lẽ do sự kết hợp ẩm thực giữa cách dùng xương bò Australia, nguyên liệu Trung Quốc và cách chế biến phở Việt Nam, nên ngay từ miếng đầu tiên, tôi đã thấy món phở này… vừa lạ lại vừa quen. Bát phở có vẻ bề ngoài khá tương đồng với phở ở Việt Nam, nhưng hương vị lại không mang sự đặc trưng của phở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam.

retouch2024100600291828-1728213798833-1728213799307691647477.jpg

Các món tôi gọi khi tới quán FATPHO

Tuy nhiên, bát phở tôi gọi vẫn giữ được “linh hồn của phở”: nước dùng ngọt thanh, sợi phở mềm dai, thịt bò tươi, được thái lát to bản. Khi đặt cạnh các món khác của Trung Quốc, có thể thấy rằng phở tại nhà hàng này vừa thơm nức mũi, lại thanh đạm, dễ ăn, ít dầu mỡ và chi phí không hề cao đối với một món đặc sản được bán tại khu vực trung tâm thành phố.

Bên cạnh đó, nhà hàng còn có những lựa chọn khác cho nhóm khách hàng đặc biệt, với các bát phở dùng thịt bò Wagyu M5+ (giá 88 tệ - xấp xỉ 300 nghìn đồng) và thịt bò Wagyu M9+ (giá 288 tệ - 1 triệu đồng) ngập thịt và phục vụ tại bàn.

fat-pho-vietnamese-restaurant-shanghai-61-1728213798833-1728213799311645119767.jpg
fat-pho-vietnamese-restaurant-shanghai-49-1728213798833-1728213799247547723945.jpg

Bát phở 1 triệu đồng với thịt bò Wagyu M9+ được bán tại FATPHO

Các món ăn khác như nem rán, thịt xiên nướng và sườn cốt lết đều vừa miệng dù tôi thấy có hơi ngọt so với hương vị tôi hay ăn tại Việt Nam.

Sau khi chúng tôi kết thúc bữa ăn và rời đi, ngay lập tức có người khác thế chỗ. Từ lượng khách hàng này, có thể thấy FATPHO đã khá thành công trong việc thu hút thực khách tại các địa điểm đắt đỏ của Trung Quốc nói chung và Thượng Hải nói riêng.

Đối với cá nhân tôi, đây là một lựa chọn đáng cân nhắc khi muốn trải nghiệm đồ Việt khi ở Trung Quốc hoặc muốn giới thiệu bạn bè nước ngoài tới các món ăn truyền thống Việt Nam.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020