Chuyên mục  


untitled1ewewew-1726555916323348496704.jpg

Dị vật tai trái do ngoáy tai - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sáng 17-9, các bác sĩ Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM cho biết các bác sĩ bệnh viện này vừa lấy dị vật thành công cho chị Đ.T.T.V., 25 tuổi, ngụ ở Lâm Đồng.

Chị V. bị cây ngoáy tai bằng kim loại đâm thủng màng nhĩ.

Theo lời chị V. kể, trưa 12-9, trong lúc hai vợ chồng chị chuẩn bị ngủ trưa, chị V. nằm ngoáy tai trái bằng cây ngoáy tai kim loại. Bất ngờ chồng chị quay sang ôm chị, tay chồng chị va trúng vào tay chị đang ngoáy tai làm cây ngoáy tai này đâm sâu vào trong tai trái.

Trước đó, chị V. có thói quen lấy ráy tai bằng cây ngoáy tai này mỗi ngày.

Chị V. được đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán (Đồng Nai), sau đó được chuyển đến Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM.

Các bác sĩ cho biết lúc nhập viện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không chóng mặt, không liệt mặt. Bệnh nhân được chuyển đến phòng mổ để nội soi lấy dị vật tai trái.

Các bác sĩ thấy ống tai ngoài và màng nhĩ trái bệnh nhân sung huyết phù nề, dị vật xuyên thủng màng nhĩ vào hòm nhĩ.

Dị vật được lấy ra là đoạn kim loại dài gần 6cm ở ống tai - tai giữa trái, nằm trước chuỗi xương con, đầu trong chạm đến ống động mạch cảnh trong.

Sau phẫu thuật bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, không chóng mặt, liệt mặt, hay chảy máu, không bị ảnh hưởng đến thính lực. Bệnh nhân đã được xuất viện trong ngày 17-9.

Bác sĩ khuyến cáo không nên dùng các cây ngoáy tai

Qua trường hợp tai nạn sinh hoạt trên, các bác sĩ khuyên người dân không nên dùng các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc, nhọn để lấy ráy tai. Ngoài ra, cũng không nên đưa cây ngoáy tai (gồm cả bông tăm) sâu vào trong ống tai.

Các bác sĩ lưu ý, không nên ngồi ngoáy tai ở chỗ có người hoặc vật qua lại dễ dẫn đến va chạm làm cây lấy ráy đâm vào tai.

Chỉ nên dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng ở vành tai và vùng cửa tai.

Khi bị chấn thương do ngoáy tai, nên đến các cơ sở y tế để được khám kiểm tra và điều trị.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020