Chuyên mục  


Tháng 8/2022, chị Nguyễn Thị Linh, 39 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội, thấy trong một hội nhóm của mạng xã hội Facebook có bài bài đăng tuyển kế toán nhập số liệu cho "Công ty kế toán Anpha" nên nhắn tin liên hệ. Chị được hướng dẫn kết nối với tài khoản Telegram tên Niên.

Theo hồ sơ vụ án, Niên giới thiệu là nhân viên tuyển dụng của một hệ thống nhà thuốc nổi tiếng, cho chị Linh xem thẻ nhân viên công ty và hướng dẫn truy cập vào một đường link, đăng ký tài khoản bằng số điện thoại và cấp ID để làm nhiệm vụ. Niên cho hay công việc chính của chị Linh là nhập số liệu những đơn hàng bị thiếu hoặc bị nhập sai số tiền của đơn hàng mà công ty cần sửa. Mỗi ngày, cộng tác viên sẽ nhận 3-10 đơn hàng theo các khung giờ cố định.

Sau đó, một tài khoản Telegram khác tên "Thư ký Yến" hướng dẫn, để nhận hoa hồng nhiệm vụ, chị Linh cần chọn một mã số nhãn hàng và nhập số liệu đơn hàng theo yêu cầu. Nhưng bước đầu tiên, chị Linh phải nạp tiền vào tài khoản trên đường link, nội dung chuyển khoản là mã công việc, do Yến cung cấp.

Chị Linh làm theo, lần đầu chuyển 160.000 đồng, nhận lại được 250.000 đồng; lần hai chị chuyển 3 triệu đồng nhận lại được 4,5 triệu đồng. Sau hai lần chuyển tiền và rút được lãi, chị Linh được thêm vào nhóm nhận nhiệm vụ cao hơn, gặp nhân viên khác hướng dẫn tiếp tục làm nhiệm vụ với số tiền lớn.

Theo yêu cầu, chị đã chuyển 30 triệu đồng đến tài khoản do "nhân viên" cấp cáo này yêu cầu, nhưng không rút được tiền ra. Người này đưa nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chị tiếp tục chuyển mới rút được số tiền đã chuyển.

Trong 6 ngày từ 25-30/8/2022, chị Linh đã 24 lần chuyển tiền đến 15 tài khoản ngân hàng do các "nhân viên" cung cấp, tổng 20 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền, chị Linh không rút ra được nên đến Công an Hà Nội trình báo.

Công an xác định các tài khoản ngân hàng nhận tiền của chị Linh do Bộ phận 777pay thuộc tổ chức tội phạm Jibian quản lý.

Các bị cáo trong phiên tòa ngày 15/4. Ảnh: Danh Lam

"Cỗ máy" rửa tiền xuyên quốc gia

Nhà chức trách xác định, Công ty Jinbian là tổ chức tội phạm hoạt động về lĩnh vực rửa tiền cho các app đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo như một cổng thanh toán trung gian. Công ty có trụ sở tại Phnompenh, Campuchia.

Công ty làm dịch vụ rửa tiền cho nhiều người ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, bộ phận 777pay chuyên rửa tiền tại thị trường Việt Nam.

777pay do Tan Zhi Bao (còn gọi là Gu Lang, 38 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) quản lý. 777pay hoạt động dịch vụ rửa tiền từ nhiều nguồn tiền bất hợp pháp như tiền do các app đánh bạc trên mạng, tiền do lừa đảo... bằng phương thức thành lập cổng trung gian thanh toán để chuyển và nhận tiền nhằm chuyển đổi tiền vi phạm pháp luật thành tiền "sạch", tức không thể truy xuất được nguồn gốc tiền.

Bộ phận 777pay có khoảng 79 người, chia thành 5 tổ làm việc gồm: Tổ tìm kiếm khách hàng, Tổ làm thẻ, Tổ nhập khoản, Tổ xuất khoản và Tổ tài vụ.

Mỗi nhân viên 777pay khi làm việc sẽ được một tài khoản Telegram đăng ký bằng số điện thoại do 777pay cung cấp. Tài khoản này chỉ đăng nhập được trên máy tính và điện thoại do 777pay trang bị cho nhân viên tại văn phòng.

Tổ tài vụ sẽ quản lý tiền, chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng của 777pay quản lý để "rửa" rồi chuyển lại cho khách hàng hoặc mua tiền điện tử USDT từ tiền khách chuyển, sau đó cắt phí và chuyển lại USDT cho khách. Với khách muốn chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, tổ xuất khoản sẽ phụ trách.

777pay quy ước, với khách hàng là các tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhóm Telegram sẽ để giao diện có hình ảnh đại diện màu tím. Các khách hàng là tổ chức đánh bạc, game bài sẽ có hình đại diện màu đỏ hoặc xanh lá cây.

Trong vụ lừa đảo của chị Linh, 20 tỷ đồng này đã được nhóm lừa đảo cấu kết, thuê 777pay rửa tiền. 777pay cung cấp các tài khoản ngân hàng để chúng hướng dẫn chị Linh.

20 tỷ đồng này lừa của chị Linh, sau khi chuyển vào các tài khoản ngân hàng trung chuyền của Tổ tài vụ, đã được luân chuyển, chia nhỏ và chuyển tiếp đến 12 tài khoản ngân hàng.

Trong dòng tiền này, Tổ tài vụ đã chuyển 14 tỷ đồng cho nhóm của Đinh Văn Hùng, 27 tuổi, trú tỉnh Ninh Bình để "rửa" bằng cách mua, bán USDT.

Hùng là nhân viên Tổ tài vụ của 777pay từ tháng 12/2020 đến 12/2021 thì nghỉ. Đầu tháng 8/2022, Hùng liên lạc với Mặc Bình Hưng nói Hùng có khả năng đổi tiền Việt Nam đồng sang tiền điện tử USDT.

Hưng trao đổi với quản lý của 777pay là Gulang để cho nhóm Hùng đổi tiền điện tử USDT cho 777pay. Hưng hưởng lợi 40% còn Hùng 60% tiền chênh lệch này.

Cuối tháng Hùng sẽ tổng kết và thanh toán một lần. Hưng đã trao đổi với Gulang và được đồng ý. Sau đó, Hùng thuê thêm đàn em Lê Trần Việt Anh, 24 tuổi, trú tỉnh Thái Bình và Nguyễn Văn Luận, 25 tuổi, trú tỉnh Thanh Hóa, mua USDT.

Nhóm Hùng đã chuyển 13,3 tỷ đồng để mua 574.986 USDT sau đó chuyển lại cho 777pay bằng hai ví điện tử. Nhóm lừa tiền của chị Linh sau đó rút tiền USDT.

Xác minh dòng tiền chị Linh bị chiếm đoạt, công an phát hiện Phan Văn Minh, 46 tuổi, trú TP HCM, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất gia công TMDV Minh Phúc, là người chỉ đạo mở một trong số 15 tài khoản nhận tiền của chị Linh.

Minh thành lập Công ty Minh Phúc và kinh doanh mua bán ngoại tệ. Từ năm 2020, Minh nhận "rửa tiền" bằng hình thức nhận tiền Việt Nam đồng qua tài khoản rồi cho nhân viên đi rút tiền mặt giao cho "khách" (nhóm lừa đảo), hoặc chuyển đến các tài khoản ngân hàng do "khách" chỉ định, dù nhận thức rõ là tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc.

Cơ quan điều tra xác định, tên miền 77777.org được đăng ký sử dụng từ tháng 9/2008, có địa chỉ IP tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Từ năm 2008 đến nay, tên miền này thay đổi sang nhiều máy chủ với IP tại nhiều nơi gồm: Mỹ, Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan và Singapore.

Từ tháng 11/2021 đến nay, địa chỉ IP 777pay tại Hong Kong, do Công ty Google quản lý. Thông tin người đăng ký sử dụng tên miền được đặt ở chế độ ẩn danh nên chưa thu thập được thông tin liên quan đến người đăng ký, quản trị viên.

Đối với các tài khoản Telegram đều không rõ thông tin chủ sở hữu.

Đối với Công ty Jinbian có địa chỉ tại thủ đô Phnompenh, Campuchia, Cơ quan điều tra đã có văn bản tương trợ tư pháp gửi Cục đối ngoại Bộ Công an và VKSND Tối cao để xác minh nhưng chưa có kết quả.

Quá trình điều tra vụ án, nhiều bị can bỏ trốn khởi nơi cư trú và bị truy nã. Cơ quan điều tra do đó tách, tạm đình chỉ điều tra vụ án, khi bắt được các bị can sẽ phục hồi điều tra và xử lý tiếp.

Hôm nay, Hùng, Hưng, Việt Anh, Luận, Minh và 16 người đã bị TAND Hà Nội xét xử về hai nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản Rửa tiền.

Do bị hại, nhiều người liên quan và một bị cáo tại ngoại có đơn trình bày vừa đột ngột nhập viện điều trị nội trú, HĐXX hoãn phiên tòa đến 15/5, dự kiến xét xử trong 6 ngày.

Thanh Lam

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020