Chuyên mục  


Chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Tại đây, Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Quang Dũng trình hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Với dự luật này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự theo hướng bổ sung nội dung mới như mở rộng tương trợ tư pháp trong việc phong tỏa tài khoản, kê biên, thu giữ, tịch thu và xử lý tài sản do phạm tội mà có và công cụ, phương tiện phạm tội.

Theo VKSND Tối cao, luật hiện hành chưa có các quy định về những nội dung nêu trên, trong khi đây là những hoạt động tương trợ tư pháp đã được quy định trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực tư pháp về hình sự mà Việt Nam ký kết, tham gia và đã phát sinh trên thực tiễn.

Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Quang Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội

Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đang điều chỉnh cả bốn lĩnh vực, gồm: tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Sau hơn 15 năm, VKSND Tối cao nhận thấy việc thực tiễn pháp luật còn bất cập. Các lĩnh vực này mang tính chuyên ngành cao, có sự khác nhau lớn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích, tính chất và nguyên tắc hợp tác.

Trong khi đó, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, tạo nên xu hướng rõ nét và thường xuyên đòi hỏi hợp tác quốc tế tư pháp hình sự. "VKSND Tối cao cho rằng việc ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự là phù hợp và cần thiết", ông Dũng nói.

Tương trợ tư pháp là việc giúp đỡ lẫn nhau giữa cơ quan tư pháp các nước về vấn đề tư pháp và pháp luật trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc theo pháp luật và thực tiễn tư pháp quốc tế. Việt Nam đã ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân - gia đình và hình sự. Các hiệp định đó quy định rõ phạm vi vấn đề hợp tác, giúp đỡ, dựa trên nguyên tắc áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột về quyền tài phán trong lĩnh vực cụ thể.

Sơn Hà

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020