Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đón tiếp đoàn luật sư của vụ kiện quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam tại TP.HCM
Mừng hòa bình, đầu óc tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến việc tìm liên lạc với các tổ chức cách mạng để tiếp tục công tác.
30-4-1975 - 30-4-2024, 49 năm đã qua. Những mối lo, những công việc, những băn khoăn đã đổi khác nhiều, nhưng với tôi sự đăm đắm "tiếp tục công tác" thì vẫn như xưa.
Từ nơi xa xôi, tôi gửi về quê nhà những câu chuyện thật đẹp mà tôi đã và đang được đón nhận trong tháng 4 đầy cảm xúc này.
Chuyện đẹp thứ nhất: Sự tiếp sức của lãnh đạo TP.HCM
Vụ kiện của tôi chống lại các tập đoàn Mỹ đã sản xuất chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam đã kéo dài đến năm thứ 12, và phiên phúc thẩm sẽ được mở tại tòa Paris vào ngày 7-5-2024.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp tháng 6-2023, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có lời mời các luật sư bảo vệ vụ kiện đến Việt Nam.
Lời mời đáp đúng nguyện vọng của các luật sư là mong muốn được trở lại Việt Nam để tiếp tục gặp các nạn nhân, báo cáo tiến trình của vụ kiện với các cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ.
Giữ đúng lời hứa, TP.HCM đã đón tiếp rất trân trọng các luật sư, và chuyến đi thăm địa đạo Củ Chi đã gây rất nhiều xúc động, để lại ấn tượng tốt và giúp các luật sư có thêm nhận thức, căn cứ cũng như động lực tham gia phiên phúc thẩm sắp tới.
Đẹp hơn nữa, TP.HCM thông qua quyết định trợ giúp của Bí thư và Văn phòng Thành ủy, đã giúp chúng tôi thoát khỏi một khủng hoảng về tài chính, vì chúng tôi thật tình đã nợ rất nhiều trong chi trả các chi phí pháp lý, dù luật sư từ hơn 10 năm nay vẫn không nhận thù lao, kể cả tiền vé máy bay của hai luật sư cho chuyến đi rất quan trọng này.
Bà Trần Tố Nga tại các nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.
Chuyện đẹp thứ hai: Người đồng hành đặc biệt
Ngày 27-3-2024, tôi được Trường đại học Columbia ở New York (Mỹ) mời đến dự buổi chiếu phim và gặp một nhân vật trong phim Chất độc da cam - Cuộc chiến cuối cùng.
Từ Paris, ngồi máy bay hơn tám tiếng để đến New York, chưa kể thời gian đi từ nhà đến sân bay ở Pháp rồi từ sân bay JFK về trường đại học, mệt thì quá mệt cho một người hơn 80 tuổi như tôi, nhưng tôi vẫn đi vì một cuộc gặp gỡ đã chờ đợi từ rất lâu.
Phim tài liệu của đạo diễn Alan Adelson ban đầu có tên là Cuộc chiến đấu cuối cùng của bà Trần kể về vụ kiện của tôi.
Các nhà làm phim từ Mỹ đã phải sang Pháp, rồi đi Việt Nam từ Nam ra Bắc, vào cả chiến khu xưa, gặp rất nhiều nhân chứng còn sống để có thể hiểu vì sao người Mỹ viết sách Chân trần chí thép nói về cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Quá trình quay phim suốt hai năm, và ngay tại nước Mỹ, họ phát hiện một người phụ nữ với câu chuyện chấn động tên là Carol Van Strum. Chính vì người phụ nữ này chứ không phải vì cuốn phim mà tôi đã đi New York.
Bà Carol, một lần tình cờ phát hiện sự kiện tất cả súc vật và cây cỏ trong vùng của bà chết do bị rải chất dioxin. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, bà lên tiếng tố cáo và các con của bà, dù còn nhỏ tuổi vẫn tích cực giúp đỡ mẹ.
Trong cuộc đấu tranh không cân sức này, bà đã nhiều lần bị đe dọa, và cho đến một ngày, người ta đã đốt nhà bà, thiêu cháy luôn cả bốn đứa con. Bà chỉ còn lại một mình với ba con bò làm bạn và tiếp tục cuộc chiến đấu.
Cùng lúc đó, có thêm một bác sĩ sản khoa phát hiện những đứa trẻ sơ sinh mang các dị tật bẩm sinh không khác với các cháu bé nạn nhân da cam của Việt Nam. Bà bác sĩ viết báo nêu các hiện tượng bất thường.
Bà bị đe dọa, bị yêu cầu chấm dứt những bài báo nếu muốn bảo vệ con của mình. Mỗi ngày, gần nhà bà đều có mặt những chiếc xe, xem như một lời cảnh cáo. Lo sợ cho an nguy của các con, bà bác sĩ buộc phải ngưng viết báo và giữ im lặng.
Chỉ còn lại Carol với mấy con bò bầu bạn và chồng tư liệu, tố cáo ngày càng nhiều và bà sẵn sàng chia sẻ với những ai quan tâm đến thảm họa da cam và thảm họa môi trường.
Nghe đạo diễn kể lại câu chuyện của bà, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ lòng can đảm kiên trung, vô cùng chia sẻ bi kịch gia đình của bà và mong muốn hết lòng được một lần gặp, được ôm bà và nói rằng tôi kính phục bà.
Bà ngồi chờ tôi trong sảnh của nhà trường. Và hai người phụ nữ tuổi đã về chiều - bà hơn tôi hai tuổi - ở cách xa nhau nhiều đại dương nhưng có cùng một mục tiêu cho những năm cuối đời đã gặp nhau, đã ôm nhau và chỉ để cùng nói:
"Tôi rất hạnh phúc được gặp bà". Để có cái hạnh phúc này, bà Carol đã phải ngồi tàu hỏa năm ngày từ Oregon đến New York và năm ngày đi trở về, cũng như tôi lại sẽ mất gần nguyên cả ngày ngồi máy bay trở về Pháp.
Một tiếng đồng hồ chỉ để nhìn nhau, trao cho nhau một nụ cười của hai người già, và hẹn nhau không buông rời mục tiêu dù có gian khổ, hiểm nguy hay mệt nhọc.
Cuộc hội ngộ giữa hai người phụ nữ chưa từng gặp nhau nhưng có chung một cuộc đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam.
Chuyện đẹp thứ ba: Nghị quyết không phân biệt đảng phái
Tháng 10-2023, Hạ nghị viện Bỉ đã ra một nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả đảng phái bằng phiếu bầu: chính thức giúp đỡ nạn nhân da cam Việt Nam. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử nghị viện thế giới có một nước chính thức ra nghị quyết như vậy.
Gặp ông Andre Flahaut, người chủ trì cho sự ra đời của nghị quyết, ông kể lại tất cả gian nan của ông trong 10 năm dài đấu tranh, thuyết phục một quốc hội có quá nhiều đảng phái chính trị.
Tám năm trôi qua với quá nhiều khó khăn, ông tưởng chừng phải bỏ cuộc, thì tháng 10-2021, tôi được gặp ông tại Đại sứ quán Việt Nam ở Brussels (Bỉ), theo lời mời của Hội Hữu nghị Bỉ - Việt Nam.
Cuộc gặp đã khiến ông hạ quyết tâm: "Không thể để người phụ nữ này chiến đấu đơn độc". Và ông tiếp tục cuộc vận động để rồi hai năm sau đạt được một nghị quyết lịch sử. Một tháng sau, tôi được ông giao cho việc thay mặt nghị viện Bỉ trao tám chiếc xe lăn cho nạn nhân da cam tại Quảng Trị.
Và hiện nay, các đại biểu Quốc hội Pháp với sự chủ trì của bà Anne Le Henanff, chủ tịch Ủy ban đoàn kết với Việt Nam của Quốc hội, đang vận động để đi tới một nghị quyết ủng hộ nạn nhân da cam không phân biệt đảng phái.
Tôi không đơn độc, nạn nhân da cam Việt Nam không hề đơn độc trong cuộc đấu tranh đòi công lý của mình. Còn gì đẹp hơn?
Lần thứ hai, các luật sư đến Củ Chi để thực địa và gặp gỡ các nhân chứng tại đây.
Chuyện đẹp thứ tư: Điện Biên 2024
Tòa phúc thẩm Paris quyết định mở phiên xử vụ kiện da cam vào ngày 7-5-2024. Chỉ là một sự trùng hợp, nhưng tôi không thể không nghĩ ngay đến ngày lịch sử không chỉ của dân tộc Việt Nam mà cả thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ kết thúc những năm dài kháng chiến chống Pháp của Việt Nam mà còn dẫn đến kết thúc chế độ thực dân trên toàn thế giới.
Nhận được quyết định ngày diễn ra phiên xử, tôi nghĩ ngay rằng khi về nhà, tôi phải đi Điện Biên. Và tháng 2-2024, tôi đã trở lại Điện Biên Phủ.
Dù 20 năm trước tôi đã từng đến đây, xây tặng đồng bào Khơ Mú một ngôi trường mẫu giáo và một cây cầu, nhưng tôi thật sự đã không nhận ra Điện Biên Phủ hôm nay đẹp đẽ, khang trang, với dày đặc những biệt thự, nhà lầu và những cửa hàng sang trọng, đủ đầy tiện nghi. Trong ký ức tôi vẫn còn Điện Biên của khoảng thời gian chỉ có hơn 100 giường cho khách du lịch.
Ngày đầu, tôi đến nghĩa trang Độc Lập và lòng tôi xốn xang, thấm đau khi biết trong nghĩa trang có 1.442 ngôi mộ mà chỉ có hai ngôi mộ có tên tuổi. 1.440 ngôi mộ không tên, 1.440 gia đình không có tin tức của người con ra đi không trở về.
Đêm đó, tôi không ngủ. Hôm sau, tôi đến đồi A1.
Hơn 900 ngôi mộ, và cũng chỉ bốn ngôi mộ có tên của bốn người anh hùng mà khi còn nhỏ tôi đã từng kính phục: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.
Có rất nhiều đoàn đến viếng nghĩa trang, tôi đứng từ xa, đốt một bó nhang và khấn: "Khi các chú các bác ngã xuống, con chỉ là đứa bé 12 tuổi, được nghe mẹ kể về Điện Biên Phủ. 70 năm qua, con bé 12 tuổi đã thành bà già 82, xin được tiếp nối sự hy sinh của các chú, các bác.
Ngày 7-5-2024 sắp tới này, con xin các bác, các chú cùng với con đến tòa phúc thẩm ở Pháp, cho con thêm nghị lực và khiến cho quan tòa sáng suốt, có những kết luận đúng đắn, bảo vệ lẽ phải.
Con xin các bác, các chú cho con được mang danh hiệu Chiến sĩ Điện Biên 2024 để tiếp tục cuộc đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nếu cho phép, xin cho nhang cháy...".
Và bó nhang trên tay tôi đã cháy phừng lên. Tôi hạnh phúc ra về, tiếp tục ra chiến trường không bom, không đạn nhưng vẫn rất gian nan, tin rằng đã được phép của các liệt sĩ để tiếp tục cuộc chiến Điện Biên 2024.
Buổi chiếu phim Chất độc da cam - Cuộc chiến cuối cùng tại Đại học Columbia, Mỹ
Chuyện đẹp đời thường
Ngày 4-4-2024, tôi đi chợ về, để túi đi chợ trước cửa ra vào, tranh thủ ra vườn trước mặt hái vài lá rau mọc dại. Năm phút sau, quay lại, giỏ xách đã biến mất.
Tôi ngẩn ngơ, phần vì tiếc của, phần vì không thể tưởng tượng sao mất dễ dàng và mau đến vậy. Bà hàng xóm không biết an ủi cách nào, chỉ nói rằng tình hình hiện nay rất xấu, bà phải cẩn trọng hơn và đây là một bài học cho mọi người.
Tôi cầu may dán lên cửa mấy dòng: "Tôi cảm ơn ai đó đã có lòng tốt giữ giùm tôi giỏ xách đi chợ tôi để ở trước cửa ra vào lúc 18h ngày 4-4-2024. Bây giờ có thể trao lại cho tôi. Cảm ơn".
Tôi hồi hộp chờ và một tiếng đồng hồ sau, có tiếng đập cửa. Tôi mở cửa ra, không thấy ai, nhưng tại cửa ra vào chung cư, chiếc giỏ xách đang nằm ngay ngắn.
Tôi vỡ òa, sung sướng, phần nhỏ vì nhận lại được của đã mất, phần lớn là vì hiểu rằng, dù xã hội còn nhiều khó khăn, lương tâm của con người vẫn còn đó.
Tôi mượn câu chuyện đời thường này tạm kết thúc chùm câu chuyện đẹp dành cho ngày 30-4-2024 vì cuộc đời vẫn rất đẹp.
Bà Trần Tố Nga, phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng thời kháng chiến chống Mỹ, hiệu trưởng Trường Marie Curie (TP.HCM) thời hòa bình.
Nhiều năm nay bà được biết đến trên toàn thế giới với tư cách là người đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam, gây nên thảm họa truyền đời cho hàng triệu người Việt Nam.